Ở Phú Quý, có những vườn rau xanh mướt với những người nông dân chất phác, một nắng hai sương chăm chỉ cấy trồng để ổn định cuộc sống và cung ứng cho cư dân trên huyện đảo những loại rau, quả tươi ngon và chất lượng.
Cách đất liền hơn 56 hải lý, Phú Quý là huyện đảo của tỉnh Bình Thuận, quanh năm chỉ có nắng và gió. Thời tiết khắc nghiệt nên việc trồng rau xanh trên đảo vì thế mà cũng gặp rất nhiều khó khăn. Hơn 13 năm về trước, rau trong bữa cơm hàng ngày của người dân nơi đây đều phải trông chờ từ nguồn rau xanh được vận chuyển từ đất liền ra. Thế nhưng giờ đây, người dân ở huyện đảo không chỉ trồng được rau, mà còn là rau sạch để phục vụ cho bữa ăn trong gia đình, đồng thời đem lại một nguồn thu nhập đáng kể. Tham quan một vòng, chúng tôi dừng lại tại xã Ngũ Phụng, bởi đây là khu vực trồng rau xanh nhiều nhất của huyện đảo. Trời đã chiều muộn, nhưng ở những mảnh vườn người nông dân vẫn miệt mài làm cỏ, tưới nước cho những đám rau xanh mướt.
Ông Nguyễn Đức Nghĩa (thôn Phú An, xã Ngũ Phụng) có hơn 1 sào đất. Trên diện tích này, ông đang trồng hành ngò, quế, xà lách, dưa leo, khổ qua và bầu bí… Ông cho biết, trước đây do canh tác theo tập quán cũ, sản phẩm vụ trước được giữ lại làm giống vụ sau nên năng suất mang lại không cao. Từ 2010, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHCN Bình Thuận đã triển khai dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, xây dựng và phát triển mô hình sản xuất rau trên đất cát nhằm góp phần giải quyết tình trạng thiếu rau của huyện đảo Phú Quý”, nên đến nay người dân huyện đảo đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng rau xanh, đồng thời tạo ra các loại rau đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân.
“Bà con trên đảo rất chuộng rau, quả trồng ở đây, vì vậy mà những người trồng rau như chúng tôi cũng đã hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Rau, quả chúng tôi thu hoạch tới đâu là bán hết tới đó. Nói chung, nghề trồng rau cũng cho gia đình tôi có cuộc sống ổn định, con cái được học hành đến nơi đến chốn”, ông Nghĩa nói.
Điều đáng nói, là khi trên địa bàn huyện đảo đang “nóng” về mua bán đất, thì vẫn có rất nhiều hộ dân quyết tâm giữ đất, miệt mài với nghề làm vườn, trồng rau màu để tăng thu nhập cho gia đình. Bà Nguyễn Thị Lệ (thôn Phú An, xã Ngũ Phụng) cũng là một trong những hộ gia đình trồng rau màu nhiều năm tại đây. Cũng chỉ với hơn 1 sào đất nhưng được gia đình bà trồng với các loại rau muống, cải xanh, bí, rau húng… Theo bà Lệ, những năm gần đây khi giá đất trên địa bàn huyện đảo tăng cao, nhiều người đến hỏi mua nhưng bà nhất định không bán. “Sống ở đây chỉ làm biển hoặc làm vườn, trước giờ gia đình tôi không đi biển, giờ bán đất thì sau này sinh sống bằng gì?”, bà Lệ nói.
Ông Trần Trọng Kim, Phó Chủ tịch UBND xã Ngũ Phụng cho biết, nghề trồng rau trên địa bàn xã Ngũ Phụng có từ khá lâu nhưng nhỏ lẻ, phục vụ nhu cầu mỗi gia đình, làng xóm trong thôn. Những năm gần đây, nghề này phát triển mạnh, tạo công ăn việc làm, thu nhập chính cho bà con. Rau xanh ở Ngũ Phụng đa dạng như cải ngọt, xà lách, hành hoa, mồng tơi, húng lũi, cà chua, dưa leo, các loại rau gia vị… Hiện nay có khoảng 70 hộ dân làm nghề trồng rau, mỗi gia đình có từ 300 – 400 m2 đất, có gia đình nhiều lên đến 1 – 2 sào. “Bà con trên đảo cần cù, chịu khó. Ban đầu, khi trồng gặp nhiều khó khăn do đất ở huyện đảo chỉ thích hợp với một số loại rau, củ quả, nhưng cực nhất vẫn là vấn đề nước tưới tiêu. Sau thời gian trồng, bà con nông dân dần học hỏi, rút kinh nghiệm và đến nay đã trồng được nhiều loại rau, củ, quả góp phần tăng nguồn rau phục vụ cho bà con huyện đảo”, ông Kim nói.
Đến với Ngũ Phụng, Phú Quý, vào mỗi buổi sáng sớm hay chiều muộn, sẽ cảm nhận được khung cảnh rộn ràng của bà con đang chăm bón rau các loại, hay thu hoạch cung cấp thực phẩm xanh mỗi ngày, kịp bán cho khách hàng.