Nhiều vấn đề cần được đánh giá toàn diện
Trải qua hơn 6 năm triển khai vào thực tiễn, một số quy định của Luật Báo chí 2016 được các nhà quản lý, các lãnh đạo cơ quan báo chí và các chuyên gia đánh giá đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu trong lĩnh vực báo chí, dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Đặc biệt với sự phát triển vượt bậc, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại dẫn đến những yêu cầu, đòi hỏi cao hơn trong lĩnh vực báo chí.
Tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi Luật Báo chí 2016”, các nhà báo, chuyên gia đã có những ý kiến xung quanh vấn đề cần phải hoàn thiện quy định pháp luật để điều chỉnh, quản lý kịp thời, phù hợp, tạo hành lành cho báo chí phát triển trong thời đại số.
Theo PGS.TS. Bùi Chí Trung – Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN: Luật Báo chí 2016 hiện mới quy định bốn loại hình báo chí cơ bản: báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử, nhưng trên thực tế còn có nhiều loại hình hoạt động thông tin đại chúng có tính chất như báo chí hoặc có liên quan, tác động sâu rộng tới hoạt động báo chí như: mạng xã hội, trang thông tin điện tử, ứng dụng trong nước và xuyên biên giới cung cấp thông tin, video, chương trình phát thanh, truyền hình…
Bên cạnh đó, với xu thế hội tụ công nghệ, truyền thông đa phương tiện, truyền dẫn đa nền tảng (truyền dẫn trên các hạ tầng mạng viễn thông như cáp (cable), di động, truyền hình vệ tinh (DTH) và đặc biệt là sự nở rộ của các dạng thức truyền phát trên môi trường internet qua các website, ứng dụng trong nước và thế giới vào Việt Nam (OTT); những nền tảng mới này có ưu thế hơn các dạng thức truyền thống là cho phép tương tác với người đọc, người nghe, người xem tại thời điểm phát thực.
PGS.TS. Bùi Chí Trung cho biết, trong môi trường Internet “không biên giới”, có những xu thế mới đặt ra nhiều vấn đề cho công tác quản lý báo chí, ví dụ như trường hợp các cơ quan báo chí chủ động xây dựng ứng dụng (app), tự phân phối nội dung trên Internet, hoặc mở thêm kênh phân phối nội dung báo chí trên các nền tảng mạng xã hội trong nước xuyên biên giới (mở kênh trên Youtube, TikTok, mở fanpage trên Facebook, Lotus, Zalo…
Trong quá trình hoạt động, có những trường hợp xảy ra sai sót hoặc tranh chấp, vi phạm trên những nền tảng xuyên biên giới, chưa tuân thủ pháp luật Việt Nam. Để quá trình chuyển đổi số báo chí được triển khai mạnh mẽ hơn, để nội dung thông tin lan tỏa tới công chúng đa dạng, thuận tiện, mọi nơi, mọi lúc và đặc biệt là có cơ sở để các cơ quan báo chí triển khai những mô hình kinh doanh và đa dạng hóa nguồn thu…, cần có những quy định mới nhằm đảm bảo mặt bằng phát triển chung và công bằng giữa báo chí với các loại hình truyền thông khác, cũng như điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh của sự phát triển.
“Có hàng loạt những câu hỏi xuất phát từ thực tiễn cần có hành lang pháp lý phù hợp hơn, ví dụ như việc ngày càng nhiều báo điện tử phát triển các chuyên trang media, video, chuyên trang phát thanh (radio podcast), thậm chí tổ chức sản xuất các bản tin/chuyên đề (giống hệt như dạng bản tin thời sự, chuyên đề truyền hình) để phát trên Internet tại địa chỉ tên miền được cấp phép hoạt động là đúng hay chưa đúng, là phù hợp hay chưa phù hợp? Nếu chưa đúng hay chưa phù hợp thì tiêu chí nào, cơ sở cứnào để thẩm định, đánh giá? Các dạng thức đó có tạo ra xung đột, cạnh tranh trực tiếp với hoạt động của các đài phát thanh – truyền hình hay không?
Nhìn từ bức tranh tổng thể của hệ thống báo chí truyền thông, sự “nở rộ” các trang media này có tạo ra sự lãng phí nguồn lực xã hội, chạy theo “trào lưu” hay đúng là địa hạt mới để báo chí phát triển? Những câu hỏi này cần được nhận thức và trả lời thấu đáo để tạo sự phát triển cho báo chí trong khuôn khổ của quy định, của pháp luật Việt Nam”, PGS.TS. Bùi Chí Trung nêu vấn đề.
Ông Nguyễn Kim Chung – Tổng Giám đốc Đài PT-TH Hà Nội nhận định: Sửa đổi luật cần tư duy đến việc hình thành một bộ luật bao trùm hơn, có thể gọi là “Luật truyền thông” mà phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh bao trùm được tất cả các hoạt động báo chí truyền thông. Hoạt động truyền thông đã có sự thay đổi rất mạnh trên thực tế, do đó phạm vi như hiện nay không còn phù hợp nữa.
Sửa luật để “gỡ khó” cho báo chí
Trên thực tế, trong thời gian qua, cơ quan quản lý nhà nước ở Việt Nam đã gặp không ít khó khăn trong việc quản lý dịch vụ cung cấp nội dung truyền hình (gồm: phim truyện, chương trình âm nhạc, chương trình truyền hình – TV show…) theo yêu cầu trên Internet (gọi là OTT VOD) của doanh nghiệp nước ngoài có thu phí như: Netflix, iFlix,Wetv, Spotify… cung cấp xuyên biên giới vào lãnh thổ Việt Nam. Những hoạt động vi phạm quy định của Việt Nam về quản lý báo chí đã bị cơ quan quản lý nhà nước phát hiện và kiên quyết xử phạt. Một số sai phạm được phát hiện trên những nền tảng mạng xã hội có chia sẻ video như: Zing TV, Keeng Movies…
Về nguyên nhân của thực trạng , PGS.TS. Bùi Chí Trung cho biết, xuất phát từ đơn vị chủ quản thực hiện không đúng giấy phép, cung cấp dịch vụ OTT VOD (gồm chủ yếu là phim, các chương trình phát thanh, truyền hình), không được cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động biên tập, kiểm duyệt trước khi công chiếu.
Trong khi đó, một số mạng xã hội có tính phí người xem thông qua hình thức “nâng cấp thành viên” lại bị một số đối tượng lợi dụng quy định chỉ cung cấp VOD để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ theo Nghị định số 06/2016/NĐ-CP của Chính phủ Việt Nam. “Mâu thuẫn tiếp tục xuất hiện khi nhiều đơn vị sự nghiệp có năng lực và uy tín (Đài THVN, Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh) có nhu cầuđược cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền – OTT TV để kinh doanh các sản phẩm của đài nhưng lại không thuộc đối tượng được cấp phép theo quy định tại Điều 51 Luật Báo chí 2016”, PGS.TS. Bùi Chí Trung nói.
Là lãnh đạo trực tiếp quản lý và tiếp xúc với hoạt động báo chí hàng ngày, ông Đinh Đắc Vĩnh – Phó Tổng Giám đốc Đài THVN chia sẻ, theo mô hình cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, cùng với việc giữ vai trò chủ đạo về truyền hình, yêu cầu đặt ra là Đài THVN phải đồng thời sản xuất, phân phối, cung cấp nội dung đa phương tiện trên đa nền tảng như Internet, viễn thông…
Tuy nhiên, để cung cấp kênh chương trình của Đài THVN trên mạng internet cho khán giả xem truyền hình ở trong nước, nước ngoài, Đài phải bỏ ra chi phí để thuê hạ tầng nhưng lại không bổ sung thêm được nguồn thu, không tăng cường tiềm lực tài chính để tái đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, thời lượng sản xuất chương trình nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao cho.
Thực tế, để triển khai xây dựng mô hình một cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện quốc gia từ một Đài Truyền hình quốc gia, Đài THVN có những thuận lợi nhất định. Song, để một cơ quan báo chí chuyển đổi sang một mô hình mới, đúng như tinh thần của Quy hoạch báo chí, đó không chỉ là câu chuyện của một đơn vị mà là sự đồng hành và nỗ lực của nhiều Bộ, ngành, cơ quan để cùng triển khai các giải pháp đã đặt ra.
Theo ông Đinh Đắc Vĩnh, thực tiễn triển khai xây dựng cơ quan truyền thông chủ lực của Đài THVN càng cho thấy rõ vai trò, tầm quan trọng và ý nghĩa của một trong những giải pháp cũng đã được nêu trong Quy hoạch báo chí đến năm 2025, đó là “Sửa đổi, hoàn thiện đồng bộ pháp luật về báo chí, viễn thông, công nghệ thông tin để phát triển đi đôi với quản lý tốt các loại hình báo chí và thông tin mạng phù hợp với xu thế phát triển thông tin, truyền thông thế giới và điều kiện nước ta”.
“Trong bối cảnh lợi thế của truyền hình truyền thống đang ngày càng khó khăn hơn trong cạnh tranh tầm ảnh hưởng và nguồn thu với các phương tiện truyền thông mới trên internet; để thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp xây dựng cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, ngoài nỗ lực tự thân, Đài THVN và có lẽ nhiều cơ quan báo chí rất mong mỏi những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao sẽ sớm được tháo gỡ, điều chỉnh, tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí phát triển tốt nhất, hoàn thành nhiệm vụ chính trị và mục tiêu được giao”, ông Vĩnh cho hay.
Phan Hoà Giang