Nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (2020-2025) đã đi được nửa chặng đường, dù trước mắt được dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với những gì đã vượt qua, có đủ cơ sở để tin tưởng rằng, Vĩnh Phúc nhất định sẽ về đích với những gì đã đặt ra trong nghị quyết đại hội. Trong đó, có nội dung rất đáng chú ý là mô hình tăng trưởng kinh tế của tỉnh đang dịch chuyển dần từ bề rộng sang chiều sâu, qua đó, từng bước đảm bảo cho một nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững.
Phối cảnh Tổ hợp chăn nuôi và chế biến thịt bò Vinabeef Tam Đảo là dự án có tổng quy mô đầu tư 3.000 tỷ đồng do
Vinamilk hợp tác cùng Tập đoàn đa ngành Sojitz của Nhật Bản đầu tư triển khai trên tổng diện tích 75,6 ha tại huyện Tam Đảo.
Thống kê cho thấy, trong điều kiện đặc biệt khó khăn do tác động của dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn tăng khá so với bình quân chung của cả nước và vùng đồng bằng sông Hồng, bình quân giai đoạn 2020-2022 đạt 8,8%, nằm trong top 10 tỉnh, thành có tăng trưởng cao nhất toàn quốc.
Tỷ lệ tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2023 chưa đạt như kỳ vọng do ngành công nghiệp của tỉnh giảm sâu trước tác động của sự suy giảm kinh tế thế giới, nhưng căn cứ vào các dấu hiệu tích cực từ kết quả sản xuất, kinh doanh trong tháng 4, tháng 5/2023 và những tháo gỡ vướng mắc của Chính phủ về chính sách đất đai, miễn giảm thuế GTGT, miễn giảm thuế trước bạ…, cho thấy tăng trưởng giai đoạn 2020-2023 có thể vẫn sẽ đạt được mục tiêu tăng bình quân 8,5%/năm. Qua đó, phản ánh sự đổi mới trong mô hình tăng trưởng, giảm phụ thuộc vào số ít doanh nghiệp, đặc biệt 2 doanh nghiệp trọng điểm là Toyota và Honda.
Quy mô GRDP của tỉnh theo giá hiện hành cũng tăng dần. Cụ thể, năm 2021 đạt 137 nghìn tỷ đồng, năm 2022 tăng lên 153 nghìn tỷ đồng và năm 2023 dự kiến đạt khoảng 160 nghìn tỷ đồng.
Giá trị GRDP bình quân đầu người của tỉnh tăng từ 115 triệu đồng/người/năm 2021 lên 128 triệu đồng/người năm 2022. Ước năm 2023 đạt khoảng 133 triệu đồng/người và đạt mục tiêu nghị quyết đề ra (130-135 triệu đồng/người). Qua đó, thể hiện sự ổn định trong tăng trưởng và phát triển kinh tế, khẳng định vị thế của tỉnh là địa phương trong top dẫn đầu của cả nước.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Ước hết năm 2023, tỷ trọng ngành công nghiệp-xây dựng chiếm gần 64%, ngành dịch vụ chiếm khoảng 30% và lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm phần còn lại (cơ bản đạt mục tiêu đại hội).
Trong cơ cấu nội bộ các ngành có xu hướng chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững hơn. Ví như trong cơ cấu ngành công nghiệp thì công nghiệp chế biến chế tạo ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn, cơ cấu công nghiệp khai khoáng giảm mạnh…
Điều này phản ánh cơ cấu kinh tế của tỉnh ngày càng phát triển bền vững, ổn định trong bối cảnh có nhiều tác động khách quan do dịch bệnh, thiên tai, suy giảm kinh tế thế giới…
Đặc biệt, bước đầu mô hình tăng trưởng kinh tế của tỉnh đã chuyển dịch theo hướng từ chủ yếu bề rộng sang chiều sâu. Các ngành sử dụng công nghệ, năng suất cao dần tăng mạnh và ngày càng đóng góp tích cực vào cơ cấu GRDP của tỉnh (ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng tỷ trọng đóng góp từ 54% năm 2020 lên 58% năm 2022).
Các ngành có năng suất lao động thấp, sử dụng công nghệ thô sơ, sử dụng diện tích, lao động nhiều, sử dụng nhiều tài nguyên, thiên nhiên có xu hướng giảm so với đầu nhiệm kỳ (tỷ trọng khai khoáng giảm từ 0,3% trong cơ cấu giá trị thị trường xuống còn 0,1% so với đầu nhiệm kỳ; nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm từ 7,9% năm 2020 xuống còn 6,8% năm 2022).
Sản xuất công nghệ cao là định hướng thu hút đầu tư của Vĩnh Phúc trong những năm gần đây
Các ngành y tế, giáo dục, du lịch ngày càng có đóng góp tích cực hơn trong cơ cấu ngành dịch vụ và xu hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Thu ngân sách của tỉnh cũng có xu hướng bền vững hơn khi đóng góp từ hoạt động sản xuất, kinh doanh luôn ở mức trên 80% cơ cấu thu. Trong cơ cấu thu nội địa, đóng góp của khu vực FDI và doanh nghiệp nhà nước đang giảm dần trong khi đóng góp của khu vực nội địa, thu nhập cá nhân… có xu hướng tăng lên.
Cơ cấu sử dụng lao động có xu hướng chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động công nghiệp, xây dựng và lao động dịch vụ. Cụ thể, lao động nông nghiệp giảm từ 23,68% năm 2020 xuống còn 13,5% năm 2021 và 9,4% năm 2022; lao động công nghiệp-xây dựng tăng từ 44,9% năm 2020 lên 51% năm 2022; lao động ngành dịch vụ tăng từ 31,3% năm 2020 lên 39,5% năm 2022.
Ngành công nghiệp tiếp tục giữ vai trò là đầu tàu góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Công nghiệp hỗ trợ được hình thành và từng bước phát triển, nhất là công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp cơ khí chế tạo và công nghiệp điện tử – tin học. Sự phát triển nhanh của ngành công nghiệp hỗ trợ đã góp phần thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ lực tiếp tục phát triển, đóng góp một phần đáng kể vào tăng trưởng xuất khẩu và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.
Hiện tại có thể khẳng định sản xuất công nghiệp đã có định hướng thu hút đầu tư rõ ràng, là cơ sở quan trọng để chuyển đổi mô hình từ chiều rộng sang chiều sâu.
Nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới như NorthStar Precious, Sojitz, Kraft Vina… đã quan tâm, đầu tư tại tỉnh. Công nghiệp ứng dụng sản xuất ngày càng tiên tiến, hiện đại. Trên địa bàn tỉnh có hơn 70 doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cho Samsung, Dell và một số doanh nghiệp cung ứng linh kiện cho Apple… Nhiều doanh nghiệp nội địa làm chủ chuỗi cung ứng sản xuất như Cosmos, Á Mỹ, CNC… sản xuất các sản phẩm xuất khẩu Mỹ, châu Âu và các thị trường lớn trên thế giới.
Với việc ban hành nghị quyết cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2020-2025, nông nghiệp Vĩnh Phúc đã chủ động triển khai cơ cấu lại tổng thể và nội bộ các ngành, từ đó đạt nhiều chuyển biến tích cực.
Tỉnh đã hình thành được các chuỗi liên kết chế biến sâu; đặc biệt là thu hút thành công dự án liên danh với SOJIT Nhật Bản để tiến hành chế biến sâu trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nhiều giống gia súc, gia cầm mới có năng suất, chất lượng cao đã được đưa vào sản xuất. Các tiến bộ kỹ thuật được áp dụng rộng rãi. Chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển mạnh theo hướng công nghiệp và trở thành thế mạnh của tỉnh. Một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn được hình thành và liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp chế biến lớn của quốc gia và quốc tế.
Sản xuất trồng trọt đã chuyển dịch mạnh cơ cấu giống, cây trồng, mùa vụ theo hướng sản xuất hàng hóa, sản xuất theo vùng tập trung quy mô lớn; các cây trồng có giá trị kinh tế cao được mở rộng diện tích, cơ giới hóa được áp dụng ở hầu hết các khâu trong sản xuất.
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất rau, quả an toàn thực phẩm theo quy trình VietGAP; các cây trồng có giá trị kinh tế. Tuy diện tích gieo trồng có xu hướng giảm nhưng do việc tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nên năng suất và giá trị hầu hết các loại cây trồng đều tăng.
Hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch đang có nhiều dấu hiệu cho thấy sự phục hồi trở lại mạnh mẽ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng bình quân khoảng 13,8%/năm.
Các hoạt động dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế được tăng cường, nhiều trường tư thục mầm non, trường tư thục liên cấp và các phòng khám, bệnh viện tư nhân chất lượng được hình thành, từng bước xây dựng ngành giáo dục, y tế trở thành ngành kinh tế đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: Quang Nam