Cách đây 3 năm, những người đam mê trà trong và ngoài tỉnh không khỏi bất ngờ khi trên thị trường xuất hiện nhiều dòng sản phẩm trà cao cấp mang thương hiệu “Tiên Thiên”. Càng ngạc nhiên khi biết nguồn gốc làm ra Tiên Thiên trà chính là những búp chè Shan tuyết cổ thụ trên núi cao ở Tả Thàng (Mường Khương).
Mang theo những bất ngờ và cả tò mò, tôi lên Tả Thàng để tìm người xây dựng thương hiệu Tiên Thiên trà. Dẫu lạ mà quen, tôi biết anh Phan Quốc Tuấn từ lâu nhưng thật không ngờ khi biết anh là một trong những người xây dựng nên thương hiệu trà cao cấp này.
Tuấn tâm sự: Khi lên Lào Cai làm việc, tiếp xúc với khách Trung Quốc, tôi được tiếp cận với nhiều dòng sản phẩm trà cao cấp (Hồng trà, Phổ nhĩ, Bạch trà), cách làm, cách thưởng trà của người Trung Quốc. Nhiều lần trực tiếp được xem người Trung Quốc pha trà đầy nghệ thuật, cách thưởng trà cũng khác biệt, hương vị các loại trà hấp dẫn vô cùng, cứ như vậy, tôi bị cuốn vào đam mê với trà lúc nào không hay.
Tuy nhiên, thứ đam mê ấy không phải là lý do chính khiến anh nặng lòng với trà, mà con đường anh đến với trà là “hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân”. Ngày đó, anh tham gia tập võ thuật và điều đặc biệt là thầy dạy anh rất thích uống trà. Thấy vậy, anh dành thời gian rảnh rỗi đến các vùng chè cổ thụ ở Y Tý (Bát Xát), Hoàng Thu Phố (Bắc Hà), Tả Thàng (Mường Khương) hái từng búp non, mang về tự tay sao, làm quà biếu thầy.
Cảm động trước tấm lòng của trò, người thầy đã giới thiệu anh Tuấn với một nghệ nhân người Đài Loan có 6 đời làm trà. Qua những lần thưởng trà, anh Tuấn đã thuyết phục được nghệ nhân người Đài Loan bởi sự chân tình, cầu thị, mong muốn được học hỏi bí quyết làm trà. Trải qua một số thử thách, anh và 3 người bạn học có chung niềm đam mê với trà đã nhận được cái gật đầu của nghệ nhân người Đài Loan.
Thế rồi, họ bắt đầu “hành trình vạn dặm” đi học làm trà ở xứ Đài. Dù thời gian không liên tục, nhưng anh và các bạn đã có 5 năm miệt mài học làm trà ở Đài Loan. Điều đặc biệt là anh Tuấn được nghệ nhân người Đài Loan cho vào khu vực sấy trà và dạy cách sấy trà – khâu quan trọng nhất quyết định chất lượng của trà.
“Mặc dù có được sự ưu ái nhất định nhưng nghệ nhân chỉ truyền một phần bí quyết. Âu cũng là tất yếu, bởi bí quyết gia truyền không thể truyền hết cho người ngoài, nhưng thế cũng là may mắn lắm rồi”- anh Tuấn tâm sự.
Sau thời gian dài đi học cách làm trà, trở về nước, anh Tuấn và những người bạn quyết định theo đuổi sự nghiệp làm trà. Mùa xuân năm 2019, anh Tuấn và những người bạn tìm đến vùng chè Shan tuyết cổ thụ ở Tả Thàng (Mường Khương), được thưởng thức ấm trà xanh sao thủ công mang đậm hương vị của đất trời. Vừa thưởng trà, vừa bàn bạc, tất cả đi đến thống nhất xây dựng thương hiệu Tiên Thiên trà. Xưởng chế biến trà Tiên Thiên được xây dựng, đi vào hoạt động tại vị trí đắc địa, vừa thưởng trà vừa ngắm dòng sông Chảy thơ mộng, hoặc có thể lạc bước vào đồi chè cổ thụ Tả Thàng cách đó không xa.
Chia sẻ về cái tên Tiên Thiên trà, anh Tuấn cho hay: Theo triết học phương Đông, Tiên Thiên là khởi nguyên của vũ trụ, là nguyên khí của trời đất, là khí thuần dương thúc đẩy muôn loài hóa sinh… Chè Shan tuyết cổ thụ là loài cây quý hiếm hấp thụ dồi dào chân khí tiên thiên, loại trà làm từ chè Shan tuyết cổ thụ được gọi Tiên Thiên trà.
Được tiếp cận với bí quyết làm trà, đồng thời có những vùng chè cổ thụ hơn trăm năm, những thợ nhiệt tâm của Tiên Thiên trà xác định rõ trách nhiệm là biến tinh túy từ đại ngàn, vàng xanh của núi rừng thành sản phẩm chất lượng và giá trị mà mọi người đều có thể sử dụng hằng ngày.
Từ trách nhiệm đó, những người thợ trà Tiên Thiên hướng theo khai thác có trách nhiệm với cây chè cổ thụ, chỉ thu hái vào mùa xuân và một phần vào mùa thu, chỉ thu hái với lượng nhất định để không làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây nhằm bảo tồn vùng chè quý. Cùng với đó, tạo sự đa dạng về sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thưởng trà của mỗi người. Do vậy, Tiên Thiên trà đã theo đuổi 5 dòng trà chủ lực gồm hồng trà, bạch trà, trà phổ nhĩ, trà xanh và trà Ô long.
Như để minh chứng cho lời nói của mình, anh Tuấn pha liền hai ấm lục trà và hồng trà để chúng tôi thưởng thức. Lục trà nước xanh, phảng phất hương rừng, khi uống có vị thanh chát, ngọt hậu. Nước hồng trà vàng óng, thơm ngát, nhấp một ngụm cảm nhận được vị ngọt đọng lại nơi đầu lưỡi.
Sau khi thưởng trà, anh Tuấn đưa chúng tôi đến nơi trưng bày sản phẩm, rồi giới thiệu: Các sản phẩm trà được phân theo chất lượng nguyên liệu đầu vào và sự kỳ công khi sản xuất, gồm trà giới hạn – hiếm (Lục Thiên đại ngàn, Hồng Thiên mỹ nhân, Bạch Thiên quân vương, Phổ nhĩ), trà cao cấp (Hồng Hoa Shan, Liên Hoa Shan, Búp Măng Shan, Kim Hoa Shan), trà truyền thống (Lục Thiên, Hồng Thiên, Bạch Thiên, Ân Quang, Thiên Quý).
Giá bán các sản phẩm trà cũng không “mềm”, ví dụ như trà Phổ nhĩ được bán với giá 7 triệu đồng/bánh (trọng lượng 357 gram), hồng trà 3 – 5 triệu đồng/kg, bạch trà 8 triệu đồng/kg. Hiện các sản phẩm của Tiên Thiên trà chủ yếu làm quà tặng và bán ra thị trường trong nước cũng như xuất khẩu sang Pháp, Anh, Nga, Latvia…
Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển trà Tiên Thiên đang ấp ủ “vươn cánh tay dài” vào thị trường Trung Quốc – nơi có nhiều sản phẩm trà cao cấp, thượng hạng. Hiện Tiên Thiên trà đã mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai, mỗi ngày có vài chục khách Trung Quốc đến thưởng trà và mua làm quà.
“Người Trung Quốc rất mê trà, họ sẵn sàng chi nhiều tiền để sử dụng trà cao cấp. Các sản phẩm trà cao cấp của Tiên Thiên không thua kém trà của Trung Quốc nên chúng tôi tự tin có thể chinh phục được thị trường này và hy vọng Tiên Thiên trà sẽ có mặt tại Bắc Kinh, Thượng Hải…”, Phan Quốc Tuấn trải lòng.
Như vậy, Tiên Thiên trà và các cộng sự sẽ tiếp tục “hành trình vạn dặm” nhưng lần này không phải đi học làm trà mà “mang chuông đi đánh xứ người”. Vẫn với triết lý “Bởi duyên mà nhân tụ, bởi trà mà thanh tâm, hòa hợp ắt sinh sôi”, Tiên Thiên trà – tinh túy của núi rừng Mường Khương, Lào Cai sẽ vươn dài ra thế giới.