Sáng 13/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm và làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2023).
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng nêu rõ, xuyên suốt chiều dài lịch sử, báo chí, truyền thông luôn đồng hành cùng đất nước, có sự đóng góp lớn lao trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.Nhiều nhà báo, phóng viên không quản ngại hiểm nguy, gian nan, có mặt ở mọi mặt trận để truyền tải thông tin. Nhiều người đã anh dũng hy sinh, để lại trong mỗi chúng ta biểu tượng về tinh thần trách nhiệm và tình yêu với quê hương, đất nước.
“Báo chí là công cụ tuyên truyền trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng, là phương tiện thông tin thiết yếu, là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với đời sống xã hội, đối với người dân. Trong đó, Hội Nhà báo Việt Nam có vai trò quan trọng trong đoàn kết, tập hợp, nâng cao bản lĩnh chính trị, bồi dưỡng nghiệp vụ, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội“, Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhắc hậu quả của đại dịch COVID-19 và các cuộc tranh chấp quốc tế tạo ra những tác động tiêu cực, bộc lộ một số bất cập liên quan đến thị trường trái phiếu, chứng khoán, bất động sản… ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta và tâm lý người dân, Thủ tướng nhận định báo chí góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận, chia sẻ, đồng cảm trong nhân dân.
Theo đó, một số vấn đề liên quan đến bất cập trong điều hành giá xăng, điện, tín dụng, lãi suất, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế… được báo chí phản ảnh một cách khách quan, đa chiều, mang tính xây dựng để Chính phủ, Thủ tướng có thêm thông tin, điều chỉnh chính sách phù hợp.
Đồng thời, báo chí cũng phản ảnh những thành tựu, nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân với tinh thần đoàn kết để Việt Nam đạt được những điểm sáng về tăng trưởng, phục hồi kinh tế sau dịch; nhân dân có niềm tin vào công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước. Báo chí tiên phong trong phản ánh chính sách mới, những bất cập chính sách, phát hiện những mô hình mới, kinh nghiệm hay, những tấm gương điển hình trong đời sống xã hội.
“Những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống, phản ánh hiện thực cuộc sống là nhờ báo chí“, Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, báo chí góp phần đề cao giá trị nhân văn, lòng nhân ái, vị tha, cuộc sống tinh thần, mục tiêu, lý tưởng, hoài bão, ước mơ. Nhiều bài báo xúc động, đầy tình người, làm lay động con tim, tạo được sự đồng cảm, chia sẻ của cộng đồng, mang lại niềm tin, động lực, sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần đối với những mảnh đời éo le, những số phận bất hạnh, giúp họ tự tin vươn lên trong cuộc sống, làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Bên cạnh thành tựu đạt được, người đứng đầu Chính phủ nêu ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức mà các cấp Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí, truyền thông và những người làm báo trên cả nước đang phải đối mặt, nhất là sự sụt giảm về doanh thu, thu nhập, sự cạnh tranh khốc liệt với các nền tảng xuyên biên giới và mạng xã hội.
Để báo chí Việt Nam thực sự cách mạng, chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị, đẩy mạnh hoạt động tập hợp lực lượng, xây dựng đội ngũ những người làm báo, chú trọng bồi dưỡng phẩm chất chính trị, tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho hội viên để “phụng sự Tổ quốc”, “phụng sự nhân dân”, “phụng sự giai cấp và nhân loại” như lời Bác Hồ từng căn dặn.
Thủ tướng yêu cầu Hội Nhà báo Việt Nam phải tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí, qua đó giúp chấn chỉnh những lệch chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, thúc đẩy giá trị nhân văn trong hoạt động báo chí. Đồng thời, bảo vệ lợi ích chính đáng của hội viên trong thực thi nhiệm vụ, đồng thời xử lý nghiêm những vi phạm, nhất là lợi dụng báo chí để đi ngược lại mục tiêu, lý tưởng của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
“Báo chí cần tăng cường thông tin phân tích, phát huy vai trò báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp. Không né tránh những vấn đề tiêu cực, nhưng đưa tin theo hướng xây dựng, tìm ra cách khắc phục, giải quyết theo hướng nhân văn, nhân đạo, theo quy định của pháp luật để đem lại cảm xúc, niềm tin, cái nhìn và kết quả tích cực hơn cho cộng đồng. Đây có thể là “chìa khóa” để báo chí có thể cạnh tranh được với mạng xã hội“, Thủ tướng gợi mở vấn đề.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, báo chí cần tập trung phát hiện những vấn đề nóng, nhạy cảm, mới xuất hiện, các nút thắt, điểm nghẽn đang được dư luận quan tâm, đi vào những vấn đề khó, phức tạp trong nước và quốc tế. Trong đó lưu ý phản ánh sinh động, khách quan, đa chiều, toàn diện, khoa học, sâu sắc và có giải pháp cho từng vấn đề. Khắc phục tình trạng “báo hóa” tạp chí, biểu hiện “tư nhân hóa báo chí”, chạy theo thị hiếu tầm thường.
Đẩy mạnh tuyên truyền về văn hóa tương xứng với tuyên truyền về kinh tế, chính trị, xã hội, nhất là 6 nhiệm vụ và 4 nhóm giải pháp mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021. Báo chí phải đóng góp đắc lực, hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng, phát triển và chấn hưng nền văn hóa Việt Nam, từ việc giữ gìn, bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt tới việc đấu tranh, đẩy lùi các biểu hiện lệch chuẩn, phi văn hóa, phản văn hóa, đồng thời, lan tỏa, truyền tải các sản phẩm văn hóa, các giá trị văn hóa trên báo chí…
Thủ tướng chỉ rõ, báo chí phải góp phần vào công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên. Xây dựng cơ quan hành chính các cấp hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Bên cạnh đó, báo chí đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.
Thủ tướng cũng lưu ý vấn đề đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí gắn với kinh tế số và kinh tế báo chí truyền thông; tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và các công nghệ mới vào hoạt động báo chí, truyền thông. Đặc biệt phải bám sát các xu hướng tất yếu trong báo chí, truyền thông thế giới để đổi mới và làm tốt vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội.
Thủ tướng đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam chủ động hơn nữa trong định hướng cho đội ngũ báo chí tăng cường nghiên cứu chính sách và tích cực tham gia công tác truyền thông chính sách; thúc đẩy đổi mới sáng tạo về nội dung, cách làm truyền thông chính sách một cách chủ động, kịp thời, phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả định hướng thông tin, dư luận. Tổng kết giải báo chí quốc gia để đề xuất đổi mới, nâng tầm, nâng cao chất lượng giải thưởng.
“Đảng, Nhà nước đánh giá cao đóng góp quan trọng của báo chí cả nước, trong đó có Hội Nhà báo Việt Nam và luôn tạo điều kiện để báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam phát huy vai trò, vị thế, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao“, Thủ tướng nói thêm.
Báo cáo với Thủ tướng, ông Lê Quốc Minh – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nêu rõ, thời gian qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã góp phần tổ chức, động viên đội ngũ người làm báo tuyên truyền thực hiện thắng lợi các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu to lớn và toàn diện của đất nước trên mọi lĩnh vực.
Hội Nhà báo Việt Nam đã thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và quy định của Nhà nước về công tác thông tin, báo chí. Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ, hoạt động hội có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu, với nhiều sự kiện nổi bật, khẳng định được vai trò, vị trí của một tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam trong đời sống xã hội.
“Tiếp tục củng cố và nâng cao vai trò và vị trí của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới. Nhiều hoạt động, công tác trọng tâm của các cấp hội từ Trung ương đến địa phương được triển khai thực hiện tốt“, ông Lê Quốc Minh thông tin.
Hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ông Lê Quốc Minh nêu rõ Hội Nhà báo các cấp tiếp tục chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để đông đảo hội viên, người làm báo nhận thức sâu sắc vai trò là những chiến sĩ cách mạng tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hoá của Đảng, nâng cao bản lĩnh chính trị cho người làm báo, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.
Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục đồng hành cùng các cơ quan báo chí tăng cường ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động báo chí, khai thác tối đa nền tảng Internet để xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ, tích hợp đa phương tiện, truyền dẫn đa nền tảng, trở thành những cơ quan báo chí đa phương tiện mạnh.
Theo ông Lê Quốc Minh, để tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của Hội Nhà báo Việt Nam và nền báo chí cách mạng Việt Nam, Hội Nhà báo các cấp tiếp tục bám sát mục tiêu phát triển theo định hướng mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.
Anh Văn
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo