Ông Martino Cipriani – nhà làm phim người Italy, đang nghiên cứu về di sản điện ảnh Việt Nam khẳng định như vậy khi chia sẻ về việc bảo tồn phim hiện nay.
Ông có thể chia sẻ góc nhìn của mình về sự phát triển của điện ảnh Việt Nam?
Việt Nam có bối cảnh lịch sử độc đáo với nhiều giai đoạn khác nhau như thời kỳ thuộc địa, cách mạng, Đổi mới và hậu Đổi mới. Mỗi giai đoạn tương ứng với sản phẩm điện ảnh đặc trưng riêng.
Do yếu tố lịch sử và chất lượng, điện ảnh thập niên 1950, 1960 và 1970 dường như là đại diện cho đỉnh cao của nền điện ảnh Việt.
Thời điểm đó, điện ảnh được chính phủ tài trợ hoàn toàn. Nghệ sĩ được giao nhiệm vụ làm phim và được hỗ trợ mọi trang thiết bị cần thiết. Các nhà làm phim và đạo diễn Việt Nam được thỏa sức thử nghiệm với máy quay, khâu biên tập và ánh sáng, để tạo ra những bộ phim hấp dẫn.
Ông Martino Cipriani hiện là giảng viên ngành Sản xuất phim kỹ thuật số, Đại học RMIT, khi đang quay một video âm nhạc tại Thái Lan năm 2019. |
Ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam đương đại đang phát triển nhanh chóng nhưng không theo quy củ. Đây không phải là một ngành mạnh vì dù có những đơn vị sản xuất phim tốt, nhiều ý tưởng sáng tạo và những bộ phim xuất sắc, nhưng xét về tổng thể thì ngành không mạnh.
Điện ảnh đã phát triển thành một ngành công nghiệp tư nhân với các công ty sản xuất phim. Hà Nội từng là trung tâm điện ảnh, nhưng giờ đây TP. Hồ Chí Minh – nơi dân cư có đầu óc kinh doanh nhạy bén hơn, đã vươn lên vị thế dẫn đầu.
Nhận định này có thể gây tranh cãi, nhưng cá nhân tôi thấy phim Việt Nam những năm 1960 và 1970 hấp dẫn hơn so với các sản phẩm thương mại bây giờ, dù hiện nay có các nhà làm phim đầy tinh thần cạnh tranh.
Ra đời năm 1961, Vợ chồng A Phủ là bộ phim tôi cực kỳ yêu thích và minh họa đúng những gì tôi nhận định. Phong cách trực quan thật phi thường và một số phân cảnh rất khác biệt. Bộ phim mô tả đời sống xã hội các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc Việt Nam trong bối cảnh cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Dù có tiêu đề là Vợ chồng A Phủ, nhưng từ đầu đến cuối, người vợ mới là nhân vật chính và cô như một nữ anh hùng đáng kinh ngạc và đầy quả cảm xuyên suốt bộ phim.
Quan điểm của ông về việc lưu trữ và bảo quản phim ở Việt Nam?
Di sản điện ảnh là chủ đề hấp dẫn nhưng đầy thách thức. Sự khác biệt chính giữa phim nhựa và phim số nằm ở công nghệ – đó là cuộc cách mạng trong cách chúng ta tạo ra nền văn hóa này.
Ý nghĩa của di sản là gì? Đó có phải là phạm trù thuộc về ký ức văn hóa? Đó có phải là một tác phẩm nghệ thuật? Nhiều người không cho rằng phim ảnh cần thiết đến mức phải bảo tồn. Phim phân hủy nhanh hơn chúng ta tưởng, do đó, chúng ta cần phải bảo vệ nếu không muốn chúng biến mất hoàn toàn.
Trước đây, ở Việt Nam, điện ảnh phổ biến hơn, nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ các cơ quan trung ương và được hỗ trợ tài chính mạnh mẽ hơn. Điều này giải thích tại sao những bộ phim từ thập niên 1960-1970 lại được bảo quản tốt như vậy.
Cần nhiều nỗ lực hơn nữa để giải quyết các hạn chế kỹ thuật và vấn đề thiếu kinh phí. Với sự giúp đỡ của các chuyên gia lưu trữ, Viện Phim Việt Nam đã và đang tập hợp, bảo quản các bộ phim Việt. Với số lượng phim đồ sộ ở đây, Viện sở hữu một trong những bộ sưu tập tuyệt vời nhất ở Đông Nam Á.
Tuy nhiên, họ vẫn cần thêm kinh phí vì duy trì kho lưu trữ là một công việc đầy tốn kém. Trong khi đó, quỹ bảo quản phim Việt lại vô cùng hạn hẹp.
Tôi cũng đang cố gắng tạo ra một phiên bản cập nhật của Vợ chồng A Phủ bằng cách hợp tác với Viện Phim để số hóa tác phẩm này. Chúng tôi hiện đang tìm kinh phí để thực hiện hoài bão này.
Nhân vật Mị trong trong phim “Vợ chồng A Phủ”. |
Ông có lời khuyên nào cho các nhà làm phim Việt Nam không?
Khuyến nghị của tôi là hãy nhận thức được những giới hạn và vấn đề khi sử dụng các phương tiện kỹ thuật số. Các phương tiện này đem đến cho chúng ta vô số thông tin một cách kịp thời và khả năng truy cập mọi thứ ngay lập tức từ mọi nơi trên thế giới.
Dù ít tốn kém hơn, nhưng phương tiện này lại không bền về lâu dài. Dữ liệu cực kỳ nhạy cảm và dễ bị tổn hại, đặc biệt là trong ngành điện ảnh. Việc bảo quản các tập tin số là một vấn đề lớn vì có giá thành cao và hiện tại không có tài nguyên sẵn có.
Các nhà làm phim nên xem xét tác phẩm của họ và nhìn nhận chúng trong những năm tới như thế nào. Nếu một bộ phim được coi là vượt thời gian thậm chí sau 50 năm, tựa như một tác phẩm nghệ thuật, thì việc đơn thuần lưu vào một ổ cứng sẽ không thể giúp lưu truyền chúng lại cho mai sau.
Một vấn đề quan trọng nữa là các nhà làm phim không nên tự bảo quản phim. Họ không gửi phim cho Viện Phim Việt Nam – cơ quan này vốn có nhiệm vụ lưu trữ phim nhưng hiện lại không nhận được phim mới.
Như vậy, mặc dù chúng ta có thể có tất cả các bộ phim được làm trong thập niên 1960, 1970 và 1980, nhưng cũng có khả năng mất đi những phim điện ảnh hiện nay.
Vậy có thể làm gì để cải thiện việc bảo tồn di sản điện ảnh Việt Nam?
Bảo tồn di sản điện ảnh Việt Nam là trách nhiệm chung của ngành công nghiệp điện ảnh, các kho lưu trữ phim công và phi lợi nhuận, cũng như công chúng.
Giống như để làm ra được một bộ phim thành công sẽ cần toàn bộ sự cống hiến và nỗ lực của hàng trăm người, bảo đảm sự tồn tại của phim sẽ cần nỗ lực hợp tác từ tất cả các cơ quan và tổ chức điện ảnh.
Lưu trữ di sản điện ảnh Việt Nam vẫn là bài toán nan giải. (Ảnh: Freepik). |
Tại RMIT, với tư cách là một cơ sở giáo dục đại học, tôi muốn sinh viên nắm bắt và hiểu được sự thiếu ổn định của các phương tiện kỹ thuật số cũng như cách mọi thứ hoạt động về mặt kỹ thuật nhằm duy trì và giải thích di sản văn hóa của chúng ta cho các thế hệ tương lai.
Các sáng kiến gần đây của ngành điện ảnh phải được tiếp tục và mở rộng để di sản điện ảnh Việt Nam tồn tại, với nỗ lực độc lập của từng hãng cũng như thông qua liên minh giữa hãng phim và cơ quan lưu trữ để kết hợp sức mạnh của hai bên.
Phim Việt Nam là một biểu hiện văn hóa quan trọng của đất nước trong thế kỷ qua và xứng đáng nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ công chúng.