Bức tranh kinh tế Bình Dương dần sáng lên sau 5 tháng đầu năm 2023 nhờ sự nỗ lực và nhạy bén trong điều hành, hỗ trợ tìm kiếm thị trường của các cấp, các ngành. Hiện các doanh nghiệp (DN) đang “ngược dòng” làn sóng suy giảm, gầy dựng thêm thực lực cho các bước phát triển mới.
Sản xuất tại Công ty Cơ khí Kim Chung, TP.Tân Uyên
Nắm bắt tín hiệu tốt
Tuy thị trường trong và ngoài nước có nhiều khó khăn song đến nay nhiều DN vẫn đạt mức tăng trưởng ổn định trong sản xuất, kinh doanh. Theo ông Lưu Trí, Giám đốc Công ty Nghệ Năng (NNi), năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn song công ty đã nỗ lực để duy trì sản xuất. “Điều may mắn là công ty vẫn có rất nhiều khách hàng tín nhiệm để hợp tác nhiều công trình, dự án ngay cả khi sản xuất gặp nhiều khó khăn. Đây là một dấu ấn rất rõ nét để NNi có thể tồn tại và vượt qua thách thức. Nền tảng của sự tồn tại ấy được lý giải là NNi luôn đi đầu trong việc áp dụng công nghệ xanh, siêu tiết kiệm năng lượng và điều khiển thông minh”, ông Lưu Trí nói.
Ra đời trong thời điểm dịch bệnh, tuy nhiên nhờ ứng dụng công nghệ kỹ thuật, ông Nguyễn Thái Phú, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại thực phẩm T.P Food (phường Vĩnh Phú, TP.Thuận An), cho biết công ty có bước phát triển ổn định so với ngày đầu thành lập. T.P Food đã xác định sẽ hoạt động lâu dài và hướng tới xuất khẩu. Những sản phẩm của công ty phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, có đăng ký về nhãn hiệu và kiểu mẫu công nghiệp. Hiện công ty đang định vị sản phẩm ở phân khúc trung bình cao. Công ty cũng đã được sự hỗ trợ của của các ngành để T.P Food phát triển.
“Chúng tôi đã được kết nối với các chương trình xúc tiến thương mại từ bộ đến các địa phương. Thông qua đó chúng tôi đã và đang có kế hoạch kết nối thị trường trong nước. Nỗ lực nắm bắt cơ hội từ xu hướng tiêu dùng xanh để phát triển, đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng. Từ sự tăng trưởng của sản phẩm tỏi đen, rượu, công ty sẽ tập trung đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất, nâng công suất, giữ vững chất lượng trở thành đầu mối phân phối và cũng như xây dựng các đại lý thứ cấp của mình ở khắp cả nước và cả ở thị trường xuất khẩu”, ông Thái Phú tâm huyết về hướng đi trong khó khăn.
Ở lĩnh vực cơ khí khuôn mẫu, Công ty Kim Chung (TP.Tân Uyên) tiếp tục định hướng các sản phẩm của mình ở phân khúc cận cao cấp và cao cấp. Công ty cũng đang nỗ lực mở rộng khâu phân phối sản phẩm đối với các đối tác FDI, có điều kiện hợp tác với các nhãn hàng lớn. Bà Trịnh Thị Hồng Châu, Giám đốc Công ty Kim Chung, cho biết: “Nếu được kết nối với các đối tác lớn chúng tôi sẽ nỗ lực tổ chức “hệ sinh thái” mới trong ngành cơ khí khuôn mẫu. Lan tỏa những giá trị mà chúng tôi đã nỗ lực xây dựng và trụ vững với các đối tác khó tính như châu Âu, Nhật Bản. Chúng tôi đã và đang cảm thấy rất tiếc nuối khi đơn hàng nhiều hơn năng lực của mình nhưng không thể nhận thay cho các đơn vị khác. Nếu được tổ chức, kết nối với các DN FDI chúng tôi sẽ có cơ hội hiểu kỹ hơn về yêu cầu họ đặt ra và tiến hành sản xuất lớn trên tinh thần muốn đi xa thì đi cùng nhau”.
Tính kỹ bước đi dài hạn
Không thể phủ nhận những thách thức sẽ ngày càng phức tạp hơn đối với cộng đồng DN còn đang ở phía trước. Trong thực tế, tình hình sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của cộng đồng DN vẫn còn rất khó khăn. Một khảo sát sơ bộ mới đây cho thấy có nhiều DN có nguy cơ phải giảm quy mô hoạt động. Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, bức tranh kinh tế những tháng còn lại trong năm đang phải đối mặt với nhiều thách thức, ngoài nỗ lực tự thân, DN cần nhiều hơn sự hỗ trợ, nhất là việc xúc tiến thương mại, kết nối thị trường.
Ông Lưu Trí cho biết, Công ty Nghệ Năng đã và đang áp dụng công nghệ xanh vào tất cả dự án mà mình thiết kế. Luôn được các nhà đầu tư đánh giá cao, từ đó Nghệ Năng đã có thêm động lực phát triển. Trong đó, phải kể đến hệ thống điều hòa không khí siêu tiết kiệm điện, có thể tiết kiệm đến 50% điện năng tiêu thụ so với máy lạnh truyền thống, điều khiển thông minh qua app thiết bị di động…
|
Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, vừa qua nhằm tìm thêm thị trường mới cho DN, ngành công thương chủ động phối hợp với các sở, ngành đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại ở các thị trường tiềm năng. Bên cạnh đó, ngành cũng nỗ lực kết nối cơ quan tham tán thương mại Việt Nam nước ngoài để hỗ trợ khâu kết nối, cập nhật thông tin thị trường, giúp DN thích ứng các biến đổi.
Ông Nguyễn Thanh Toàn cho rằng vẫn cần nhìn nhận thực tế từ đầu năm đến nay, những DN phục hồi tốt, có kết quả tăng trưởng khá nhưng chưa thật sự vững vàng, sóng gió vẫn đang ở phía trước. Bởi kinh tế toàn cầu vẫn trong giai đoạn suy thoái, lạm phát tăng cao, rủi ro vẫn rình rập. Tình hình chính trị, kinh tế thế giới vẫn khó đoán định, xuất khẩu giảm. Do đó, DN vẫn phải nỗ lực cải thiện năng lực. Cùng với việc tìm cách tồn tại, DN phải tính tới những bước đi dài hạn như phải đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất ngày càng cao từ các thị trường phát triển, nhất là các hàng rào về tiêu chuẩn xanh, sản xuất bền vững và những biện pháp phòng vệ thương mại khác.
TIỂU MY – CẨM TÚ