Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất cho các tổ chức, đơn vị khoa học và công nghệ (KH&CN), những năm qua Thanh Hóa đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ KH&CN, nhằm tạo sự thay đổi lớn cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh.
Hơn 90% học viên của Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm, có thu nhập ổn định và được các đơn vị tuyển dụng đánh giá cao. (Ảnh minh họa)
Xác định việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đa ngành, đa lĩnh vực, có chất lượng, trình độ cao, có khả năng thích ứng với sự thay đổi và yêu cầu của thị trường lao động, nhiều năm qua Trường Đại học Hồng Đức đã không ngừng nỗ lực, nâng cao chất lượng đội ngũ, đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá theo hướng đáp ứng chuẩn năng lực nghề nghiệp, giúp sinh viên ra trường có thể thích ứng tốt với thị trường lao động. Hiện, trường có 409 giảng viên cơ hữu, trong đó có 24 giảng viên có trình độ phó giáo sư, 170 giảng viên có trình độ tiến sĩ. Nhờ chiến lược đúng đắn trong công tác xây dựng đội ngũ và cơ sở vật chất, chú trọng phát triển đào tạo và KH&CN, nhà trường đã tổ chức đào tạo 5 chuyên ngành trình độ tiến sĩ, 20 chuyên ngành trình độ thạc sĩ, 1 chương trình thạc sĩ liên kết với Trường Đại học Soongsil của Hàn Quốc. Quy mô đào tạo hàng năm từ 650 – 700 học viên cao học và nghiên cứu sinh; đã tổ chức bảo vệ thành công trên 2.250 luận văn thạc sĩ, 6 luận án tiến sĩ. Ngoài ra, còn liên kết với các trường đại học trong nước đào tạo được 266 thạc sĩ các chuyên ngành…
Đặc biệt, nhà trường chú trọng mở rộng hợp tác với hơn 50 đối tác trên 25 quốc gia, như: Đức, Pháp, Singapore, Ba Lan, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Lào… với nhiều chương trình hợp tác về đào tạo, nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, Trường Đại học Hồng Đức còn là đơn vị chủ lực tham gia đào tạo hơn 1.000 lưu học sinh Lào thuộc các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, học sinh của tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng… Sau khi tốt nghiệp về nước, nhiều người hiện đang giữ những chức vụ quan trọng trong các cơ quan, sở, ban, ngành của tỉnh Hủa Phăn.
Với phương châm: “Chất lượng đào tạo là lựa chọn hàng đầu và giải quyết việc làm là ưu tiên số 1”, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp, các tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực du lịch trong và ngoài tỉnh để gửi học viên đi thực tế, thực tập. Ngoài ra, hệ thống chương trình giảng dạy cho sinh viên chuyên ngành du lịch được nhà trường thiết kế trên cơ sở được tích hợp đầy đủ kiến thức, kỹ năng, trình độ theo yêu cầu chuẩn đầu ra của ngành du lịch Việt Nam. Hơn 90% số học viên của nhà trường sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm, có thu nhập ổn định và được các đơn vị tuyển dụng đánh giá cao. Năm 2022, nhà trường đã đào tạo và cung ứng được hơn 1.000 lao động du lịch. Theo kế hoạch, năm 2023 nhà trường sẽ tuyển dụng và đào tạo cho gần 2.700 người các bậc hệ. Hiện Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang chú trọng đa dạng hóa các hình thức đào tạo, đẩy mạnh ứng dụng KH&CN tiên tiến trong đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề, ngoại ngữ và đạo đức nghề nghiệp cho lực lượng lao động du lịch. Qua đó từng bước chuyên nghiệp hóa đội ngũ nhân lực du lịch, xây dựng nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao.
Theo thống kê của Sở KH&CN, toàn tỉnh hiện có trên 3.200 cán bộ tham gia nghiên cứu khoa học, tăng 8% so với năm 2015 (đứng thứ 3 cả nước về số lượng doanh nghiệp KH&CN). Đóng góp của KH&CN cho tăng trưởng kinh tế thông qua yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) giai đoạn 2016-2020 đạt 38,7%, tăng 27,6% so với giai đoạn 2011-2015. Sự gia tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng của nguồn nhân lực KH&CN trong thời gian qua đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế – xã hội trên tất cả các lĩnh vực khoa học- kỹ thuật và công nghệ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn…, góp phần nâng cao chất lượng các chương trình, đề án, chính sách do Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành. Cùng với đó, các cơ quan chuyên môn cũng đã xây dựng được cơ sở dữ liệu chuyên gia KH&CN để tham gia các hội đồng KH&CN chuyên ngành; tham gia giải quyết các vấn đề KH&CN của địa phương; đồng thời tập hợp và thu hút nhiều cán bộ KH&CN trình độ cao đã hết tuổi lao động tham gia công tác nghiên cứu và đào tạo KH&CN.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, nguồn nhân lực KH&CN của tỉnh còn những hạn chế như là nhân lực KH&CN tuy có tăng về số lượng và chất lượng nhưng vẫn còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Còn thiếu cán bộ đầu ngành, chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực công nghệ trình độ cao. Nhân lực KH&CN phân bố không đồng đều, cơ cấu, trình độ chưa hợp lý theo vùng, miền và lĩnh vực hoạt động; phần lớn tập trung ở khu vực Nhà nước, thành thị; ở các khu vực tư nhân, doanh nghiệp và nông thôn còn thấp…
Trước những khó khăn, thách thức nêu trên, để tạo bước đột phá trong việc phát triển nguồn nhân lực KH&CN đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, thiết nghĩ các ban, sở, ngành liên quan cần xây dựng chiến lược, tầm nhìn dài hạn về công tác tạo nguồn nhân lực KH&CN, trong đó chú trọng phát triển nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao gắn với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, cần xây dựng mạng lưới hợp tác và mở rộng các chương trình đào tạo ở nước ngoài, để cán bộ KH&CN được cọ xát môi trường học thuật quốc tế và được đào tạo trong hoạt động nghiên cứu và phát triển quốc tế. Cùng với thực hiện tốt cơ chế, chính sách, cần đẩy mạnh xã hội hóa, huy động có hiệu quả các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước, nhất là từ doanh nghiệp cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực KH&CN. Tăng cường huy động đầu tư ngoài ngân sách để phát triển tiềm lực, đặc biệt là cơ sở vật chất, kỹ thuật của các tổ chức KH&CN, góp phần cải thiện điều kiện làm việc cho nhân lực KH&CN. Qua đó, phát huy tiềm năng sáng tạo của đội ngũ KH&CN, phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH quê hương, đất nước.
Bài và ảnh: Trần Hằng