Hôm qua (12.6), Sở GD-ĐT TP.HCM đã thống nhất, triển khai đáp án và gần 2.000 giám khảo các môn toán, ngữ văn, tiếng Anh… chính thức bước vào giai đoạn chấm các bài thi lớp 10.
Theo quy định của Sở GD-ĐT, mỗi bài thi được chấm 2 vòng độc lập bởi hai cán bộ chấm thi của 2 hai tổ chấm khác nhau. Bài thi được chấm theo thang điểm 10, điểm lẻ của tổng điểm toàn bài được làm tròn đến 2 chữ số thập phân.
DÀNH 0,25 ĐIỂM CHO DIỄN ĐẠT SÁNG TẠO
Đề thi môn ngữ văn của TP.HCM luôn thu hút sự quan tâm của thí sinh (TS) và phụ huynh, đặc biệt trong kỳ tuyển sinh lớp 10 năm nay.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên chiều qua, ngay khi triển khai đáp án đến các tổ chấm, chuyên viên phụ trách môn ngữ văn của Sở GD-ĐT nói rằng: “Nhiều năm nay, đề thi tuyển sinh môn ngữ văn của Sở GD-ĐT luôn có độ mở để học sinh (HS) được thể hiện suy nghĩ, cảm xúc của các em trước những vấn đề cuộc sống và văn học. Năm nay, đề thi có độ mở cao hơn các năm trước, mở để các em chủ động trong việc lựa chọn tác phẩm theo chủ đề cho sẵn”.
Theo vị chuyên viên này, với đề thi năm nay, TS có cơ hội được lựa chọn tác phẩm đã học, đã đọc mà các em quan tâm, yêu thích. Trong cùng một chủ đề, TS có thể chọn tác phẩm em yêu thích để viết. Từ đó có nhiều cảm hứng hơn khi viết bài. Để làm tốt, HS phải có kỹ năng làm bài, phải đáp ứng các yêu cầu về lập luận, diễn đạt, cách vận dụng các thao tác nghị luận, đặc biệt là thao tác phân tích.
Những mốc thời gian thí sinh lưu ý sau ngày 12.6
Ngày 20.6, Sở GD-ĐT TP.HCM công bố kết quả thi của khoảng 96.000 TS tham dự kỳ thi lớp 10.
Bạn đọc có thể truy cập địa chỉ thanhnien.vn với số báo danh của mỗi TS để tra cứu điểm thi.
Ngày 24.6, Sở công bố điểm chuẩn vào lớp 10 trường, lớp chuyên, tích hợp.
Ngày 10.7, Sở công bố điểm chuẩn tuyển sinh và danh sách TS trúng tuyển vào lớp 10 thường của các trường công lập.
Theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên trong buổi thi môn ngữ văn vừa qua, có nhiều phụ huynh lo lắng khi có khá nhiều TS chọn nhầm đoạn văn và tác phẩm truyện để nghị luận về tình yêu đất nước của con người VN thay vì chọn đúng theo yêu cầu là một khổ thơ hoặc một đoạn thơ như đề 1 của câu 3.
Trước những lo lắng này, chuyên viên Sở GD-ĐT trấn an, đáp án đã được hội đồng chấm thi thống nhất và có đề cập đến tình huống này trong nội dung và thang điểm. Theo đó, giám khảo căn cứ cách lập luận của TS để xác định bài làm có sát nội dung, chủ đề mà đề yêu cầu không. Tránh việc đánh giá bài làm chỉ dựa vào đoạn thơ TS lựa chọn. Trường hợp TS chọn phân tích truyện, giám khảo vẫn đánh giá và cho điểm phần kỹ năng và phần đúng chủ đề như hội đồng chấm thi đã thống nhất.
Đồng thời thang điểm của đáp án có dành 0,25 điểm cho TS sáng tạo, có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
“Việc TS chọn tác phẩm nào không quyết định điểm số của TS. Chính việc TS trình bày quan điểm, lập luận vấn đề và đưa ra những kiến giải hợp lý sẽ quyết định điểm số. Hướng dẫn chấm đặt ra các yêu cầu về kỹ năng làm bài, cách lập luận để nêu bật được vấn đề, cách diễn đạt. Sở GD-ĐT tin rằng với trình độ và sự công tâm các giám khảo sẽ phát hiện ra các điểm sáng trong bài TS để cho điểm một cách hợp lý, không bỏ sót TS”, vị chuyên viên phụ trách môn ngữ văn khẳng định.
CÂU TOÁN ĐANG GÂY TRANH LUẬN, CHẤM RA SAO ?
Ngoài ra, bài toán thực tế số 5 trong đề thi môn toán cũng có nhiều luồng ý kiến xung quanh về dẫn liệu kiến thức vật lý xuất hiện trong đề bài.
Thầy Mai Văn Túc, giáo viên chuyên lý Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội, đã chỉ ra những “sạn” về kiến thức vật lý đưa vào bài toán thực tế. Đồng thời đề nghị Sở GD-ĐT TP.HCM cần điều chỉnh đáp án câu 5 cho công bằng với các TS.
Trong khi đó, thầy Lâm Vũ Công Chính, giáo viên môn toán Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), cho rằng nếu xét về kiến thức vật lý và thực tế thì dữ kiện câu 5 không “thuần” là bài toán vật lý nên có thể không sát thực tế. Tuy nhiên câu hỏi của đề ghi rõ công thức áp dụng được “mô hình hóa” để áp dụng các kiến thức toán học nên TS vẫn giải được bình thường, không ảnh hưởng đến kết quả làm bài của TS.
Đề thi toán có cần thiết dài 2 trang giấy ?
Có ý kiến cho rằng đề toán thực tiễn có cần thiết phải diễn giải và đưa nội dung tích hợp liên môn dài dẫn đến đề thi 2 trang giấy?
Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay: “Đề toán thực tiễn dài hay ngắn phụ thuộc vào mục tiêu, tình huống đặt ra và yêu cầu đánh giá năng lực ở các mức nhận biết, thông hiểu, vận dụng hay vận dụng cao. Nội dung chứa nhiều dữ liệu, công thức có thể hỗ trợ cho TS làm bài dễ dàng. Ít nội dung hoặc dữ liệu có thể yêu cầu HS phải biết vận dụng các kiến thức toán để giải quyết… Tuy nhiên, ban ra đề luôn cân nhắc việc sử dụng các dữ liệu như thế nào phù hợp với thời lượng TS đọc và làm bài. Sở tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp và rà soát các kết quả trong quá trình chấm thi để ngày càng hoàn thiện công tác kiểm tra đánh giá”.
Trước những ý kiến tranh luận, bên cạnh bày tỏ sự trân trọng, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng đã có phản hồi cụ thể với Báo Thanh Niên. “Bài toán có đưa ra nội dung liên quan hiện tượng thực tế là quá trình đun để làm sôi nước trong một ấm điện (một vật dụng quen thuộc trong nhiều gia đình). Quá trình khảo sát này chỉ là một giai đoạn ngắn của quá trình đun sôi nước; thời điểm bắt đầu khảo sát (t = 0) không phải là thời điểm bắt đầu quá trình đun nước. Các dữ kiện được mô tả mặt toán học bằng hình vẽ và một hàm số mà HS đã được học trong chương trình. Bằng các kiến thức: hàm số bậc nhất, đồ thị hàm số bậc nhất, điểm thuộc đồ thị, hệ phương trình bậc nhất hai ẩn, tính toán… và năng lực toán học của mình, HS có thể giải quyết được các yêu cầu do đề bài đặt ra”, đại diện Sở GD-ĐT nêu rõ.
Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, nhấn mạnh: “Trong quá trình chấm thi, theo quy định chung, các trường hợp HS có lời giải khác với hướng dẫn chấm nhưng hợp lý đều được xem xét và đánh giá. Giám khảo chấm tất cả các cách giải logic, đúng công thức và kết quả chính xác đến đâu chấm đến đó”.