Qua gần 7 năm triển khai thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 đã tạo cơ sở pháp lý để thực hiện chức năng giám sát của HĐND thuận lợi. Tuy nhiên, nhiều quy định của Luật mới chỉ dừng ở tính nguyên tắc, việc tổ chức một số hoạt động giám sát của HĐND còn bất cập, hạn chế, phát sinh vướng mắc, dẫn tới hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Bên cạnh đó, một vấn đề đặt ra là hoạt động giám sát của HĐND các cấp chưa có sự thống nhất, đồng bộ, thông suốt trong thực hiện chức năng giám sát của hệ thống cơ quan dân cử.
Thường trực HĐND tỉnh chủ trì giao tại Phú Quý
Gần 7 năm triển khai thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 đã tạo cơ sở pháp lý để thực hiện chức năng giám sát của HĐND thuận lợi. Tuy nhiên, do chưa có văn bản hướng dẫn thi hành chi tiết nên hoạt động giám sát của HĐND vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc: Trình tự, thủ tục giám sát, việc thành lập Đoàn giám sát của Tổ đại biểu, đại biểu HĐND còn lúng túng; triển khai hoạt động giám sát của Tổ đại biểu; hoạt động giải trình, chất vấn trong các phiên họp của Thường trực HĐND trên thực tế còn hạn chế; việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị sau giám sát của các cơ quan hiệu quả chưa cao, chưa xác định rõ được trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát… Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV ban hành Nghị quyết số 594 là hết sức cần thiết, cơ bản đầy đủ để bảo đảm cho hoạt động giám sát của HĐND được thực hiện đúng nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, tổ chức thực hiện được thống nhất trên phạm vi toàn quốc từ ngày 12/9/2022.
Qua thực tiễn hoạt động của HĐND cấp huyện nổi lên một số vấn đề: Việc chuẩn bị các tài liệu và yêu cầu trong hồ sơ trình HĐND về Chương trình giám sát của HĐND hàng năm sẽ bắt đầu thực hiện từ kỳ họp thường lệ giữa năm 2023. Thực hiện tốt nội dung này sẽ chuẩn hóa việc xây dựng chương trình giám sát, tránh trùng lắp với các hoạt động giám sát giữa các năm gần nhau, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức cá nhân để HĐND, Thường trực HĐND có căn cứ xem xét, thông qua, làm cơ sở để việc thực hiện chương trình giám sát của HĐND, Thường trực HĐND hiệu quả, chất lượng.
Một số cơ quan, đơn vị được giám sát gửi các tài liệu theo yêu cầu để phục vụ hoạt động giám sát vẫn chưa đảm bảo thời gian theo quy định làm ảnh hưởng chất lượng, hiệu quả giám sát. Việc lựa chọn chuyên đề giám sát, nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn tại kỳ họp HĐND chưa toàn diện, chưa đáp ứng với yêu cầu thực tiễn và chưa bám sát quy định. Phương thức giám sát chủ yếu vẫn nghe trình bày báo cáo; chưa tổ chức được các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, khảo sát thực tế để thu thập thông tin trước khi hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát như hướng dẫn.
Đa số các địa phương chưa tổ chức hoạt động chất vấn, hoạt động giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND huyện. Hoạt động chất vấn của đại biểu HĐND tại kỳ họp và giữa hai kỳ họp còn hạn chế; một số đại biểu kiêm nhiệm, có chức danh lãnh đạo ít tham gia chất vấn.
Nhiều nội dung được Thường trực HĐND cấp huyện đề cập tại hội nghị
Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HĐND cấp huyện
Để nâng cao chất lượng giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Tiêu Hồng Phúc đề nghị Thường trực HĐND các huyện tập trung một số nhiệm vụ và giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HĐND cấp huyện theo quy định của Luật và Nghị quyết 594. Trong đó, tập trung nghiên cứu, quán triệt triển khai có hiệu quả Nghị quyết 594; chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch và tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị để nâng cao hiệu quả công tác. Trước mắt là chuẩn bị thật tốt các nội dung các kỳ họp thường lệ trong năm 2023; tăng cường hoạt động giám sát, khảo sát, chất vấn, giải trình; Tiếp tục đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân; theo dõi, đôn đốc, giám sát giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cử tri, của nhân dân. Thông qua công tác giám sát cần lưu ý: Lựa chọn nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả. Tăng cường giám sát chuyên đề, tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc ở địa phương, đáp ứng nguyện vọng của cử tri. Xây dựng kế hoạch giám sát kỹ lưỡng, chất lượng; đề cương đặt ra phải sát với yêu cầu, trong đó gợi ý đề cương phải chính xác, có thể cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến nội dung giám sát. Chương trình, kế hoạch, đề cương giám sát phải được gửi sớm cho đối tượng giám sát để có thời gian chuẩn bị báo cáo chu đáo, đầy đủ; cho các thành viên Đoàn giám sát để có nhiều thời gian nghiên cứu. Ngoài thành phần chính tham gia giám sát là Thường trực, thành viên các Ban của HĐND, tùy theo tính chất chuyên đề giám sát, có thể mời thêm những người có chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến nội dung giám sát. Vì đây là những người có kinh nghiệm trong công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý nhà nước lĩnh vực thuộc nội dung giám sát, đại diện các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp để tranh thủ được những hiểu biết và kinh nghiệm của đội ngũ này phục vụ cho việc giám sát.
Báo cáo, kết luận giám sát phải đảm bảo trung thực, khách quan, phát hiện những vấn đề cốt lõi cần phải giải quyết, thể hiện được chính kiến của Đoàn giám sát và có những kiến nghị cụ thể, xác đáng, có tính khả thi để các cơ quan, tổ chức có cơ sở thực hiện được, tránh việc kết luận, kiến nghị chung chung, gây khó khăn cho việc thực hiện.