20:56, 09/06/2023
BHG – Giữ tình yêu lớn lao với rừng, quản lý và bảo vệ rừng nghiêm ngặt, tích cực trồng rừng sản xuất, phát triển kinh tế dưới tán rừng… và người dân được rừng “trả công”, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Sản xuất ván ép tại Công ty Cổ phần Trạch Duy, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên). |
Gia đình ông Bàn Văn Tràng, thôn Khuổi Luông, xã Cao Bồ (Vị Xuyên) trồng quế từ nhiều năm trước, giờ là thời điểm gặt hái “quả ngọt” từ rừng. Ông Tràng chia sẻ: “Cây quế dễ trồng, sinh trưởng và phát triển tốt, những năm gần đây, giá quế tăng, tôi tập trung trồng nhiều, chú trọng chăm sóc theo quy trình kỹ thuật. Năm 2021, gia đình bán các sản phẩm từ quế được trên 150 triệu đồng, năm nay, tỉa bán tiếp những cây đủ tuổi và trồng dặm thêm vào diện tích đã khai thác”. Chủ tịch UBND xã Cao Bồ Đặng Văn Chung nhấn mạnh: “Toàn xã hiện có gần 700 ha quế, trong đó gần 100 ha đang cho thu hoạch. Năm 2022, sản lượng vỏ quế khô đạt gần 60 tấn, doanh thu đạt 3,5 tỷ đồng; nhiều hộ dân trồng quế có thu nhập hàng chục đến hàng trăm triệu đồng”.
Cụ thể hóa Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và Nghị quyết số 16 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển lâm nghiệp bền vững, UBND huyện Vị Xuyên ban hành Đề án trồng quế giai đoạn 2021 – 2025 với mục tiêu đến năm 2025, toàn huyện trồng mới 1.000 ha; huyện hỗ trợ khoa học kỹ thuật, phân bón, 100% giống cây theo hình thức hỗ trợ sau đầu tư. Sau 2 năm thực hiện, diện tích cây quế tăng gấp 3 lần so với năm 2020, đạt trên 2.622 ha với 4.185 hộ trồng, trong đó, diện tích quế trồng theo đề án đạt 129,69% kế hoạch. Huyện chỉ đạo các địa phương tiếp tục trồng quế, phấn đấu đến năm 2025, tổng diện tích quế đạt trên 8.000 ha, đảm bảo nguồn nguyên liệu mở nhà máy chế biến lớn, xây dựng cây quế trở thành sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hàng hóa của huyện, giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững từ rừng.
Người dân xã Tùng Bá (Vị Xuyên) chăm sóc rừng keo sắp đến tuổi khai thác. |
Hiện nay, tổng diện tích rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo mục đích sử dụng và nguồn gốc hình thành rừng trên 451.705 ha, chiếm 97,8% diện tích rừng toàn tỉnh; trong đó, diện tích rừng phòng hộ trên 185.952 ha, rừng đặc dụng trên 51.735 ha, rừng sản xuất trên 201.369 ha, rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng trên 12.648 ha. Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh đã ký với các đơn vị sử dụng DVMTR 47 hợp đồng. Giai đoạn 2017 – 2022, tổng số tiền chi trả DVMTR thu được trên 700 tỷ đồng; thực hiện giải ngân đạt trên 600 tỷ đồng. Có trên 43.570 hộ là chủ rừng được nhận tiền DVMTR, trong đó 42.825 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Số hộ được nhận tiền DVMTR thông qua nhận khoán bảo vệ rừng 192.042 hộ, thuộc 1.909 thôn, tổ nhận khoán bảo vệ rừng với UBND cấp xã. Trung bình mỗi hộ nhận được 560 nghìn đồng/năm, đặc biệt có hộ nhận 54,8 triệu đồng/năm, mỗi cộng đồng dân cư nhận trung bình 35,5 triệu đồng/năm, đặc biệt có cộng đồng dân cư nhận hơn 1,4 tỷ đồng/năm. Nguồn tiền chi trả DVMTR góp phần không nhỏ hỗ trợ người dân nâng cao đời sống, từ đó ý thức bảo vệ rừng được nâng lên. Nhiều thôn sử dụng tiền DVMTR đầu tư mua cây giống trồng rừng, xây dựng cơ sở vật chất, đường giao thông, làm nhà văn hóa, chi trả cho tổ tuần tra, bảo vệ rừng. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Xín Mần Cháng Văn Kinh cho biết: “Toàn huyện có 182 thôn được hưởng tiền DVMTR, tổng kinh phí DVMTR năm 2022 kế hoạch năm 2021 trên 8,26 tỷ đồng; trong đó, chi cho hộ gia đình, cá nhân trên 2 tỷ đồng; chi cho công tác quản lý, bảo vệ rừng của UBND các xã, thị trấn, cộng đồng dân cư trên 6,2 tỷ đồng. Chính sách chi trả DVMTR góp phần nâng cao nhận thức bảo vệ và phát triển rừng cho cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân”.
Tại huyện Hoàng Su Phì, nơi có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi để phát triển dược liệu, người dân đã có thu nhập từ việc trồng và khai thác dược liệu dưới tán rừng. Giai đoạn 2018 – 2022, toàn huyện khai thác được trên 8.462 tấn dược liệu, trong đó Thảo quả tươi 8.250 tấn, Sa nhân tím 3,7 tấn, gừng 110,5 tấn, nghệ 185,5 tấn, Ấu tẩu 46 tấn, dược liệu tự nhiên khác 52 tấn. Ngoài ra, các địa phương còn phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm, chinh phục đỉnh núi Tây Côn Lĩnh, Chiêu Lầu Thi với thảm thực vật rừng nguyên sinh phong phú, đa dạng gắn với bảo vệ rừng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Qua đó, nâng cao ý thức bảo vệ rừng, tỷ lệ che phủ rừng của huyện năm 2022 đạt 55,1%.
Việc đầu tư, thu hút nguồn lực cho công tác QLBVPTR được tỉnh chú trọng. Tổng nguồn vốn ngân sách thực hiện chương trình QLBVPTR giai đoạn 2017 – 2022 trên 405.670 triệu đồng; hỗ trợ gạo cho công tác bảo vệ rừng 15.100 tấn. Toàn tỉnh có 190 cơ sở chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tập trung nhiều nhất tại các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên. Các sản phẩm chủ yếu gồm: Ván ép, ghép thành, viên gỗ nén, gỗ xẻ, gỗ bóc, dăm gỗ, giây, các cơ sở gỗ mộc gia dụng. Đặc biệt một số nhà máy tại khu công nghiệp Bình Vàng, cụm công nghiệp Nam Quang được đầu tư công nghệ hiện đại, đồng bộ, công suất lớn. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng lâm sản giai đoạn 2018 – 2022 đạt hơn 30,4 triệu USD. Anh Phùng Thưa Ấn, đại diện Công ty Cổ phần Trạch Duy, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) chia sẻ: “Phần lớn gỗ nguyên liêu của nhà máy được mua từ vườn rừng của người dân Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình. Giá mua nguyên liệu tại vườn từ 800 – 900 nghìn đồng/m3, mỗi ha keo đủ tuổi khai thác, người dân có thể thu nhập 50 – 60 triệu đồng“.
Từ khi có Chỉ thị số 13 và Nghị quyết số 16, việc phát triển kinh tế lâm nghiệp trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế, giá trị đa dụng của rừng mang lại giá trị tích cực. Rừng được bảo vệ, phát triển giúp gìn giữ môi trường sinh thái, đóng góp quan trọng vào phát triển KT – XH của tỉnh, đảm bảo QP – AN, tạo việc làm, cải thiện sinh kế cho người dân; tạo ra không gian sống hài hòa, thân thiện, bền vững giữa con người với thiên nhiên.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Biên cương xanh màu hy vọng: Kỳ cuối: Phát triển lâm nghiệp bền vững