Đồng chí Huỳnh Thanh Hải (phải) thăm hỏi vợ chồng hội viên Hồ Văn Sáu Nhỏ về sử dụng nguồn vốn nông dân khởi nghiệp của Hội đầu tư.
Cùng nông dân “bắt tay” hướng đến nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch
Trước đây, nông dân Cầu Kè chỉ quen với sản xuất nông nghiệp, quanh năm gắn bó với đồng ruộng, nhưng nay, một số hội viên nông dân ở huyện Cầu Kè đã có thêm việc làm mới – làm du lịch. Việc kết hợp du lịch với nông nghiệp được kỳ vọng góp phần tăng nguồn thu nhập cho nông dân, đồng thời khai thác những lợi thế về nông nghiệp, cảnh quan thiên nhiên trên địa bàn huyện.
Để thúc đẩy và hình thành chuỗi phát triển du lịch cộng đồng cao, cùng với sự vào cuộc của người dân trong tham gia phát triển loại hình du lịch sinh thái vườn, Hội Nông dân tỉnh và huyện đã hỗ trợ đầu tư cho 07 hộ ở cù lao Tân Qui (70 triệu đồng/hộ) để phát triển, khôi phục lại vườn cây ăn trái kết hợp với phát triển du lịch sinh thái vườn. Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện còn phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện “Dự án nông dân khởi nghiệp phát triển kinh tế nông hộ” triển khai 05 dự án, tổng vốn 2,43 tỷ đồng, đầu tư cho 49 hộ trên các lĩnh vực trồng màu, cải tạo vườn cây kém hiệu quả.
Hội viên nông dân Trương Thị Đúa, ấp Tân Qui 1, xã An Phú Tân chia sẻ: gia đình có gần 0,7ha vườn cây ăn trái, trong đó có 0,3ha trồng cây chôm chôm. Do ảnh hưởng mặn những năm qua, nên một số diện tích chôm chôm bị chết, nay được hỗ trợ nguồn vốn vay 70 triệu đồng từ Hội Nông dân. Gia đình đã đầu tư vào chăm sóc, khôi phục, trồng mới thêm 70 gốc cây chôm chôm; kết hợp với nguồn vốn của gia đình khoảng 150 triệu đồng để xây dựng 01 gian hàng trưng bày và bán các loại trái cây kết hợp làm điểm dừng chân cho khách nghỉ khi ghé vào tham quan vườn.
Hội viên Hồ Văn Sáu Nhỏ, ấp Tân Qui 1, xã An Phú Tân cho biết: gia đình có 0,9ha chôm chôm (170 gốc), năm 2022 được hỗ trợ nguồn vốn khởi nghiệp phát triển kinh tế nông hộ của Hội Nông dân tỉnh; gia đình đã đầu tư 70% số vốn vay vào chăm sóc, khôi phục lại vườn chôm chôm và vụ mùa năm nay, đã bắt đầu cho hiệu quả (ước đạt 18 tấn/ha), năng suất tăng hơn 70% so với mùa vụ 2020 – 2021. Còn lại 30% vốn vay sẽ xây dựng khoảng 03 – 04 thum để cho khách đến nghỉ ngơi và ăn uống.
Qua các mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch tại Cầu Kè có thể thấy, từ những nhà vườn thuần túy, đến nay, nhiều nhà vườn là hội viên nông dân đã chủ động tham gia các lớp tập huấn, tự trang bị cho mình những kỹ năng, kiến thức ứng xử trong giao tiếp với du khách. Từ đó, giới thiệu những đặc trưng về cuộc sống, hoạt động sản xuất hằng ngày.
Chung tay xây dựng huyện NTM nâng cao
Với quyết tâm phấn đấu xây dựng đạt huyện NTM nâng cao vào cuối năm 2023 được Ban Thường vụ Huyện ủy Cầu Kè đề ra. Hội Nông dân huyện đã tích cực tuyên truyền và vận động hội viên, nông dân tham gia phát triển kinh tế, cải thiện, nâng cao đời sống và XDNTM đặc biệt là hướng tới hoàn thành huyện NTM nâng cao. Trong đó, trọng tâm là xây dựng kế hoạch tuyên truyền, lựa chọn các tiêu chí XDNTM để chỉ đạo các cấp Hội trong huyện tổ chức thực hiện.
Đồng chí Tô Hoàng Anh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Châu Điền cho biết: với đặc thù là xã thuần nông và có trên 80% đồng bào Khmer, nên trong quá trình XDNTM, Hội luôn quan tâm đến việc nâng cao thu nhập cho nông dân thông qua việc đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất (đất lúa sang trồng màu, cây ăn trái…), liên kết trong sản xuất lúa với doanh nghiệp, xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn gắn với phát động và hưởng ứng “Ngày thứ Bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh” và đảm nhận tuyến đường hoa dài 500m ở ấp Ô Mịch… Đến nay, Hội đã xây dựng được 02 tổ trồng màu (ấp Ô Tưng A, Châu Hưng) có 26 thành viên, với 3,5ha, thu nhập từ 250 – 300 triệu đồng/ha/năm; 84 hộ/130ha tham gia với Công ty Lộc Trời thực hiện liên kết sản xuất lúa (vụ đông – xuân) và dự kiến diện tích trong vụ hè – thu tăng lên 300ha.
Cũng theo đồng chí Huỳnh Thanh Hải, xác định rõ vai trò của Hội đối với chương trình XDNTM (Hội tham gia đảm nhận 05/19 tiêu chí), các cấp Hội trong huyện phối hợp với các ngành đã tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật, dạy nghề cho lao động nông thôn; nâng cao đời sống hội viên, nông dân nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo. Đồng thời, vận động hội viên, nông dân thực hiện các tiêu chí về vệ sinh môi trường, xây dựng gia đình đạt tiêu chí gia đình NTM gắn với phong trào XDNTM, phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi… Hội củng cố 10 Câu lạc bộ “Chung sức XDNTM” ở 10/10 xã, có 94 thành viên và 01 Câu lạc bộ “Chung sức xây dựng thị trấn văn minh” ở thị trấn Cầu Kè.
Qua đó, các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động Nhân dân hiến đất, góp tiền, ngày công lao động, tham gia giải phóng hành lang, mở rộng đường giao thông nông thôn, thực hiện làm đường, nâng cấp, kiên cố kết cấu hạ tầng nông thôn, chỉnh trang đô thị, xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư.
Trong nhiệm kỳ 2018 – 2023, đã vận động hội viên và nông dân thực hiện thu gom và xử lý 24 tấn rác thải; phát quang 14 tuyến đường nông thôn (dài 15,8km) và chăm sóc cây xanh; xây dựng, sửa chữa 62,7km đường liên ấp, 38 cây cầu, nạo vét 13,8km kênh nội đồng… hội viên và nông dân đóng góp hơn 450 triệu đồng, trên 11.760 ngày công lao động.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ