BTO – Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công Thương vừa đề nghị sở ngành, địa phương, đơn vị liên quan triển khai Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động triển khai các biện pháp cấp bách nhằm giảm ùn ứ và thúc đẩy xuất khẩu nông sản tại cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Điều này cũng hướng đến đảm bảo hoạt động xuất khẩu nông sản, đặc biệt là thanh long Bình Thuận sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc được thuận lợi, tránh ùn ứ phương tiện và hàng hóa xuất khẩu, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất cũng như nông dân địa phương… Theo đó đề nghị các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả những giải pháp được Chủ tịch UBND tỉnh giao về tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới phía Bắc, nhất là tập trung cho giải pháp lâu dài.
Liên quan vấn đề này, Sở Công Thương Bình Thuận sẽ chủ động liên hệ cơ quan chuyên môn của Bộ Công Thương và sở đồng chức năng ở các tỉnh biên giới phía Bắc. Qua đó theo dõi, đánh giá, dự báo tình hình lưu thông, tập trung hàng hóa nông sản tại cửa khẩu nhằm tổ chức, phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan để kịp thời có biện pháp điều tiết, quản lý phương tiện đưa hàng lên cửa khẩu.
Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện các thủ tục để được cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói sản phẩm nông sản xuất khẩu của Bình Thuận. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói ghi nhãn hoặc các yêu cầu khác có liên quan để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa phù hợp Quy định về tiêu chuẩn nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh đó, tiếp tục hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đáp ứng các quy định của phía Trung Quốc tại Lệnh 248 (về “Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu”), Lệnh 249 (về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu”). Thường xuyên liên hệ cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như phối hợp Sở Công Thương để cung cấp thông tin, khuyến cáo người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp tổ chức lại sản xuất nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Ngoài ra đảm bảo đáp ứng các quy trình, quy định, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, vận chuyển, truy xuất nguồn gốc để đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch.
Trong khi đó Sở Khoa học và Công nghệ được đề nghị chủ trì, phối hợp tổ chức thực hiện hiệu quả giải pháp đăng ký bảo hộ thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực của Bình Thuận. Các giải pháp ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ, hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ thương hiệu nông sản trong nước và trên thị trường quốc tế.
Riêng các doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến, xuất khẩu thanh long trên địa bàn tỉnh cần chủ động điều tiết hàng hóa lên phía cửa khẩu một cách hợp lý để tránh phát sinh thêm các chi phí lưu kho bãi. Mặt khác cân nhắc việc lựa chọn, chuyển đổi phương thức vận tải ngoài đường bộ (như đường sắt) hoặc lựa chọn cửa khẩu phù hợp để giảm thiểu tình trạng chờ đỗ dài ngày, giảm thiểu rủi ro hàng hóa bị hư hỏng cho doanh nghiệp. Trong đó lưu ý thực hiện tốt việc nghiêm chỉnh chấp hành công tác điều tiết của lực lượng chức năng tại cửa khẩu để giải quyết tình trạng ùn tắc, kê khai đúng và đủ các thủ tục thông quan theo quy định, đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất khẩu…