3 tháng đầu năm, người dân gửi thêm vào ngân hàng 415.000 tỷ đồng – mức cao nhất trong hơn 10 năm qua, dù mặt bằng lãi suất giảm.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi của dân cư tại hệ thống ngân hàng vào cuối tháng 3 là 6,28 triệu tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm.
Chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, người dân “gửi ròng” thêm vào hệ thống 415.000 tỷ đồng. Bình quân của 7-8 năm gần đây, lượng tiền gửi của dân cư gửi thêm vào hệ thống ngân hàng trong quý đầu năm chỉ khoảng 150.000 tỷ đồng.
Trên thực tế, tiền gửi của dân cư bắt đầu chảy mạnh vào hệ thống từ tháng 10 năm ngoái, trước sức hấp dẫn của lãi suất tiết kiệm. Lãi suất trong 3 tháng đầu năm nay có giảm nhiệt so với cuối 2022 nhưng vẫn duy trì mặt bằng cao so với giai đoạn trước Covid-19.
Từ tháng 4 đến nay, lãi suất tiết kiệm giảm nhanh và mạnh hơn, khiến kênh tiền gửi trở nên bớt hấp dẫn hơn. Vào cuối tháng 5, hầu hết nhà băng đều điều chỉnh lãi suất đưa mức niêm yết cao nhất về 8,5% một năm, sau động thái hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước.
Ngược với xu hướng của dân cư, lượng tiền gửi của các tổ chức tại ngân hàng vào cuối quý I giảm gần 4,9% so với đầu năm, xuống còn 5,66 triệu tỷ đồng.
Tiền gửi của tổ chức ở hệ thống ngân hàng có xu hướng đi ngang trong một năm gần đây trong khi các năm trước vẫn tăng trưởng đều đặn. Điều này diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp bất động sản khó khăn về thanh khoản còn nhóm doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thiếu đơn hàng, thu hẹp quy mô.
Xu hướng trái chiều giữa tiền gửi của dân cư và doanh nghiệp khiến tổng lượng tiền gửi chảy vào hệ thống ngân hàng chỉ tăng 1%, tương đương gần 150.000 tỷ so với đầu năm. Tuy nhiên hiện nay, thanh khoản của hệ thống ngân hàng theo chuyên gia có phần dư thừa trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng thấp chưa từng có trong nhiều năm qua.
Quỳnh Trang