Sáng ngày 8/6, tại phiên họp của Quốc hội về nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, giao thông công cộng rất cần thiết cho các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Bộ trưởng chia sẻ rất bất ngờ sau 19 tháng vận hành đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, hằng ngày có 31.000 – 33.000 người đi, cao điểm có 55.000 người. Tàu chạy 6 phút/chuyến, lần đầu tiên báo lãi gần 100 tỷ đồng.
Trước đó, vào trung tuần tháng 5, báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội – Hanoi Metro (đơn vị vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông) công bố, kết quả kinh doanh của công ty đạt tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 483 tỷ đồng, tăng gấp 7 lần năm 2021.
Tính cả năm 2022, Hanoi Metro ghi nhận doanh thu trợ giá 417 tỷ đồng, tăng gấp 6,6 lần 2021. Khoản doanh thu này giúp Hanoi Metro thoát tình trạng kinh doanh lỗ và có lãi gộp 109,5 tỷ đồng. Trước đó, năm 2021, khi tuyến vừa vận hành công ty có doanh thu lỗ 64 tỷ đồng.
Hiện tại Hanoi Metro có cơ cấu chi phí gồm: Khấu hao vận hành chiếm 60%, tương đương 225 tỷ đồng; nhân công với 99,4 tỷ đồng (tăng gần gấp đôi năm ngoái); chi phí dịch vụ mua ngoài gần 60 tỷ đồng (tăng gấp 3,7 lần)… Sau khi trừ hết các chi phí, doanh nghiệp này lãi trước thuế 96,8 tỷ đồng.
Ngày 12/6, trao đổi với phóng viên VietNamNet xung quanh khoản lãi gần 100 tỷ đồng khiến Bộ trưởng GTVT cũng “bất ngờ”, ông Vũ Hồng Trường – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội khẳng định, con số chênh lệch thu – chi trong báo cáo tài chính của công ty trên 96 tỷ đồng chưa phải là lợi nhuận. Tuy nhiên, theo quy định của tài chính, nếu thu – chi mà dương thì gọi là lợi nhuận.
Giải thích vì sao có khoản tiền chênh lệch trên 96 tỷ đồng, ông Trường chỉ ra các lý do:
Thứ nhất, định mức và đơn giá của Thành phố để đặt hàng là tính bình quân cho cả một quá trình.
“Tuy nhiên, trong 2 năm đầu, đoàn tàu, trang thiết bị và hạ tầng còn mới nên các chi phí phát sinh chưa nhiều. Đặc biệt là nhiều loại vật tư phụ tùng sửa chữa đắt tiền do đơn vị bảo hành chi”, ông Trường nói.
Lý do thứ hai, hết thời gian bảo hành các chi phí này sẽ phát sinh và tăng dần. Chính vì vậy, theo kế hoạch tài chính năm 2023 của Hanoi Metro dự kiến lợi nhuận còn thấp hơn lãi định mức trong đơn giá đặt hàng của Thành phố.
“Hiện nay, công ty đã báo cáo liên ngành về phương án xử lý chênh lệch thu chi 96 tỷ năm 2022 trên cơ sở cân đối hợp lý nguồn để đảm bảo duy trì vận hành tuyến, đảm bảo quyền lợi cho hành khách và quyền lợi cho người lao động theo quy định”, ông Trường cho biết.
Tổng Giám đốc Hanoi Metro cũng nhấn mạnh, đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng nói chung và đường sắt đô thị là đầu tư công không nhằm mục đích lợi nhuận.
Theo đó, việc phát triển loại hình vận tải hành khách công cộng mang lại hiệu quả xã hội, môi trường rất lớn như giảm thiểu ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và nguy cơ tai nạn giao thông.
Theo tính toán, cứ 1 triệu chuyến đi chuyển từ sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng đường sắt đô thị thì sẽ giảm được 487.000 giờ tham gia giao thông trên đường, đem lại hiệu quả kinh tế trên 30 tỷ đồng. Hơn thế, việc này cũng sẽ giảm được khoảng 100 tấn phát thải khí CO, HC và NOx.
Ngày 6/11/2021, tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh – Hà Đông là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội cũng như của cả nước được chính thức đưa vào vận hành khai thác.
Đến hết ngày 11/6/2023, tuyến đã vận hành được 583 ngày an toàn, vận chuyển trên 13,7 triệu hành khách.