Chủ tịch Ủy ban châu Âu khẳng định EU sẵn sàng cung cấp cho Tunisia 100 triệu euro để chi cho công tác quản lý biên giới, tìm kiếm cứu nạn, các biện pháp chống buôn lậu và giải quyết vấn đề di cư.
Theo Reuters, ngày 11/6, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng huy động tới 900 triệu euro để hỗ trợ cho nền kinh tế Tunisia, cộng thêm 150 triệu euro hỗ trợ ngân sách ngay lập tức sau khi “đạt được thỏa thuận cần thiết.”
Phát biểu trong chuyến thăm Tunisia, bà Ursula von der Leyen khẳng định EU sẵn sàng cung cấp cho Tunisia 100 triệu euro để chi cho công tác quản lý biên giới, tìm kiếm cứu nạn, các biện pháp chống buôn lậu và giải quyết vấn đề di cư.
Tuy nhiên, trước chuyến thăm của Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tới Tunisia do lo ngại về số lượng người di cư vượt Địa Trung Hải gia tăng, ngày 10/6, Tổng thống Tunisia Kais Saied cho biết nước này sẽ không chấp nhận trở thành lực lượng bảo vệ biên giới cho các quốc gia khác.
Trong chuyến thăm đến thành phố cảng Sfax, điểm khởi đầu của những người di cư tìm cách đến Italy bằng thuyền, Tổng thống Saied nói: “Giải pháp sẽ không gây bất lợi cho Tunisia… chúng ta không thể là người bảo vệ cho đất nước của họ.”
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch hôm 9/6 đã hạ bậc nợ của Tunisia sâu hơn xuống mức “junk,” nhấn mạnh khả năng nước này sẽ không trả được các khoản vay, khiến nền tài chính công sụp đổ và có thể gây ra khó khăn trên diện rộng.
Các nước châu Âu lo ngại rằng điều đó sẽ làm tăng thêm làn sóng di cư xuyên Địa Trung Hải trong năm nay, đặc biệt là từ Tunisia.
Tuy nhiên, gói giải cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã bị đình trệ trong nhiều tháng với việc ông Saied từ chối các cải cách kinh tế cần thiết để giải phóng các khoản vay. Các nước tài trợ đã thúc giục ông thay đổi chính sách và Italy đã hối thúc IMF hoàn tất khoản vay.
Những chuyến vượt Địa Trung Hải nguy hiểm tăng vọt sau khi Tổng thống Saied tuyên bố đàn áp người di cư cận Sahara vào tháng 2 bằng cách sử dụng ngôn ngữ mà Liên minh châu Phi tố cáo là phân biệt chủng tộc./.