Thay vào đấy, trong chuyến đi trên, Washington và London đạt nhiều thỏa thuận riêng lẻ về hợp tác kinh tế và thương mại, về chế tài việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo và tiếp tục hậu thuẫn Ukraine, phối hợp đối phó Nga và Trung Quốc.
Tuy chưa hoàn toàn toại nguyện nhưng ông Sunak đã thành công với việc gia tăng quan hệ đặc biệt giữa hai nước. Từ góc độ đối tác và đồng minh chiến lược mà nói thì Mỹ coi trọng Anh hơn EU. Ngược lại, Anh cũng coi trọng Mỹ hơn EU. Brexit đã tạo cơ hội cho Mỹ để lựa chọn như vậy và buộc Anh phải lựa chọn như thế.
Chỉ trong 4 tháng qua, Thủ tướng Sunak và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gặp nhau 4 lần. Ông Sunak chẳng những không phàn nàn hay phản đối – như EU – về chính sách hỗ trợ công nghiệp và bảo hộ thương mại của Mỹ, mà còn hòa đồng nước Anh vào quỹ đạo kinh tế và thương mại của Mỹ cho thấy Thủ tướng Sunak dành cho Mỹ vị trí quan trọng như thế nào trong chính sách cầm quyền ở Anh. Hai bên đều công khai coi trọng lẫn nhau hơn coi trọng EU.
Chủ trương “bên trọng, bên khinh” này biểu lộ ở chỗ Washington và London không chỉ đồng hành mà còn tiền hô hậu ủng trong việc dẫn dắt phương Tây hậu thuẫn Kyiv và đối địch Moscow, Bắc Kinh. Cứ tiếp tục như thế, Mỹ và Anh tiếp tục là cặp bài trùng về quyền uy và ảnh hưởng nổi nhất ở phương Tây.