Ngày 10/6/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 72/NQ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Mộc Châu, thành lập huyện Vân Hồ, với tổng diện tích tự nhiên 97.984 ha, gồm 14 xã với 115 bản, tiểu khu. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh và nỗ lực, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội cùng nhân dân các dân tộc huyện Vân Hồ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
|
Ngay khi thành lập, hệ thống tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội được kiện toàn và từng bước được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được chú trọng; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên ngày càng được nâng lên. Khi thành lập, Đảng bộ huyện có 17 tổ chức cơ sở đảng, có 204 chi bộ trực thuộc 14 đảng bộ cơ sở xã, với 2.458 đảng viên. Đến nay, Đảng bộ huyện có 51 tổ chức cơ sở đảng, 187 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, 3.750 đảng viên. Hệ thống chính quyền có nhiều đổi mới tiến bộ; vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội được phát huy; khối đại đoàn kết toàn dân được giữ vững và tăng cường.
Qua 10 năm thành lập, huyện Vân Hồ đã chuyển mình vươn lên mạnh mẽ. Kinh tế phát triển; tổng giá trị sản xuất tăng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản có bước phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Vân Hồ tập trung nguồn lực hỗ trợ nhân dân triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị; lựa chọn các cây, con chủ lực, hình thành vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Diện tích và sản lượng rau các loại tăng 238% và 324% so với năm 2013; diện tích và sản lượng cây ăn quả tăng 572% và 278%; diện tích chè tăng 150%. Từ chỗ chưa có diện tích áp dụng VietGAP, chưa có sản phẩm OCOP; đến nay, Vân Hồ có 162 ha cây trồng áp dụng VietGAP; 7 sản phẩm đạt OCOP. Chăn nuôi tăng mạnh về quy mô và tổng đàn bò; sản lượng khai thác, nuôi thủy sản tăng cao.
Từ địa bàn gần như “trắng” cơ sở công nghiệp, dịch vụ, sau gần 10 năm, huyện Vân Hồ trở thành điểm đến của các nhà đầu tư với nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, đặc biệt là công nghiệp chế biến nông sản và du lịch. Đến nay, trên địa bàn huyện có 48 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn trên 4.100 tỷ đồng; đặc biệt đã thu hút 2 dự án nhà máy chế biến quả và thảo dược của Công ty cổ phần chế biến thực phẩm công nghệ cao (Tập đoàn TH) và nhà máy chế biến nông sản công nghệ cao của Công ty TNHH IC FOOD. Sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tập trung cho công nghiệp chế biến và công nghiệp điện. Tuyến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu – Sơn La và khu công nghiệp Vân Hồ đang được triển khai xây dựng, hứa hẹn sẽ thu hút nhiều dự án về hạ tầng, công nghiệp, du lịch và nông nghiệp sớm có mặt trên địa bàn.
Từ xuất phát điểm chưa có các sản phẩm du lịch, đến nay, du lịch được coi là lợi thế, có bước phát triển mạnh, thu hút được các doanh nghiệp có tiềm lực đến đầu tư. Thương mại, dịch vụ phát triển nhanh, hiện nay, huyện có 923 cơ sở kinh doanh; 67 HTX.
Diện mạo Vân Hồ ngày càng “thay da đổi thịt”. Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư theo hướng đồng bộ, hoàn thiện, mang tính kết nối, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế – xã hội phát triển. Tổng kế hoạch vốn đầu tư toàn xã hội từ tháng 7/2013 đến nay đạt 13.368 tỷ đồng. Một số Dự án đường giao thông quốc lộ 6 đi trung tâm hành chính, chính trị huyện; Dự án trụ sở Huyện ủy, HĐND và UBND huyện và các dự án trọng điểm khác tại khu trung tâm đã góp phần thay đổi bộ mặt của huyện. Đồng thời, tập trung triển khai Dự án tỉnh lộ 102 (khu vực Pa Cốp) qua các bản Lũng Xá, Tà Dê của xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ đến xã Hang Kia, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, ổn định an ninh trật tự trên địa bàn. Chuẩn bị khởi công Dự án Bệnh viện đa khoa huyện Vân Hồ. Huyện đã tổ chức triển khai quy hoạch chung đô thị Vân Hồ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo cơ sở, tiền đề để đầu tư phát triển kinh tế – xã hội.
Nông thôn có nhiều đổi mới, qua rà soát, đánh giá thực hiện Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới năm 2022, trên địa bàn huyện bình quân đạt 8,21 tiêu chí/xã, có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới. 100% số xã có đường cứng hóa tới trung tâm xã và các bản; 100% số bản có điện lưới quốc gia; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%.
Văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; giáo dục, đào tạo phát triển khá toàn diện. Vân Hồ không còn thiếu phòng học và đã giảm phòng học tạm; trang thiết bị đáp ứng yêu cầu dạy và học. Toàn huyện có 10/34 trường đạt chuẩn quốc gia. Năm 2014, huyện được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Năm 2022, có 14/14 xã duy trì kết quả phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi; 10/14 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 và 4/14 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2. Mạng lưới y tế được xây dựng củng cố và kiện toàn, 13/14 trạm y tế xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, đến nay, toàn huyện có 95,9% dân số tham gia bảo hiểm y tế; có 8,73 bác sĩ trên 1 vạn dân.
Lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm đầu tư và có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác xóa đói, giảm nghèo được triển khai đồng bộ và đạt kết quả tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên, Vân Hồ đã thoát khỏi huyện nghèo.
Quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường. Thế trận quốc phòng toàn dân, biên phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân thường xuyên được củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định. Tăng cường công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế.
Ghi nhận những thành tích trong 10 năm xây dựng và phát triển huyện Vân Hồ, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì cho 1 cá nhân; Chính phủ tặng Cờ thi đua cho 1 tập thể, tặng bằng khen cho 1 tập thể; UBND tỉnh tặng 30 cờ thi đua cho các tập thể và nhiều bằng khen cho các tập thể, cá nhân…
Nhìn lại 10 năm, hướng tới tương lai, với quyết tâm chính trị cao, Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị, nhân dân các dân tộc huyện Vân Hồ chung sức, đồng lòng tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tăng cường xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị – xã hội trong sạch, vững mạnh. Tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền; phát huy vai trò MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội. Không ngừng củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh khối đoàn kết các dân tộc.
Hai là, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cụ thể hóa, vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tiễn của địa phương. Phát huy nội lực, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương; tranh thủ tối đa các nguồn lực, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư đầu tư vào địa bàn, nhất là khu công nghiệp Vân Hồ, phát triển du lịch; phấn đấu đưa Khu trung tâm hành chính, chính trị huyện trở thành đô thị loại V vào năm 2025.
Ba là, đẩy mạnh phát triển toàn diện các lĩnh vực, địa bàn, trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến; khai thác tiềm năng thế mạnh nằm trong khu du lịch quốc gia Mộc Châu để phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng.
Bốn là, quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội; triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, hỗ trợ kịp thời người dân vùng bị thiên tai ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất; đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, phấn đấu giảm từ 2,5-3% tỷ lệ hộ nghèo.
Năm là, tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh; xây dựng khu vực phòng thủ huyện vững chắc; đấu tranh phòng chống, ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, tội phạm, trọng tâm là tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới; tập trung chuyển hóa địa bàn bàn phức tạp, trọng điểm về ma túy.
Sáu là, đẩy mạnh công tác đối ngoại, nhất là giữa huyện Vân Hồ với huyện Sốp Bâu; phối hợp tổ chức và tham dự các cuộc họp giao ban định kỳ được tổ chức luân phiên tại 3 huyện Vân Hồ – Sốp Bâu – Mộc Châu. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về biên giới lãnh thổ quốc gia.
Với những thành tựu tự hào 10 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội, nhân dân các dân tộc huyện Vân Hồ tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết, nêu cao ý chí tự lực tự cường và sức sáng tạo, tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn thách thức, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế; thực hiện tốt phương châm “Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới, phát triển” quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ II đã đề ra, tạo thế và lực để phát triển nhanh, bền vững, vươn lên trở thành huyện phát triển kinh tế – xã hội đạt mức khá của tỉnh vào năm 2030.