(Baoquangngai.vn)- Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 10/6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận toàn thể ở hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.
|
||
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tại các phiên thảo luận tại tổ, đã có 99 lượt ý kiến phát biểu về dự án luật này. Cơ bản các ý kiến tán thành với sự cần thiết sửa đổi luật để thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành, tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục xử lý nợ xấu, tăng cường phòng ngừa rủi ro, nâng cao năng lực kiểm tra, kiểm soát, nâng cao năng lực của các tổ chức tín dụng, đảm bảo an toàn, lành mạnh ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các đại biểu tiếp tục thảo luận về các nội dung đã nêu trong tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cùng các vấn đề các đại biểu quan tâm.
Tham gia đóng góp ý kiến vào dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vũ Thị Liên Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đồng thuận với những nội dung mà Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án luật đưa ra. Đồng thời khẳng định sự cần thiết của việc sửa đổi luật để phù hợp hơn với thực tiễn đời sống hiện nay. Việc sửa đổi luật cũng là nhằm đổi mới và hội nhập sâu rộng về hoạt động ngân hàng trong nền kinh tế toàn cầu; tương thích với các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
|
Để hoàn thiện dự án luật, đại biểu Vũ Thị Liên Hương đóng góp ý kiến về người ủy quyền, người có liên quan đến hoạt động tín dụng. Về bảo mật thông tin của khách hàng, trong dự án luật cần được quy định rõ hơn trường hợp nào thì được cấp thông tin của khách hàng…
Theo đó, đại biểu Vũ Thị Liên Hương đề nghị bổ sung trường hợp được cấp thông tin của khách hàng hoặc thực hiện theo quy định của pháp luật vào Khoản 3, Điều 14. Ví dụ trường hợp khách hàng chết, mất năng lực hành vi dân sự, người thừa kế đến để yêu cầu cung cấp thông tin hoặc pháp luật yêu cầu ngân hàng phải thực hiện báo cáo định kỳ. Vì vậy, đề nghị quy định những trường hợp nào thì được cung cấp thông tin của khách hàng một cách rõ nét trong dự án luật.
Về quyền của cổ đông phổ thông tại Khoản 5, Điều 53 về xem xét, tra cứu và trích lục thông tin về tên và địa chỉ liên lạc trong danh sách cổ đông có quyền biểu quyết và yêu cầu sửa đổi thông tin không chính xác của mình. Với quy định của dự án luật có thể hiểu rằng cổ đông có quyền yêu cầu xem tên, địa chỉ không chỉ của mình mà của cả các cổ đông khác.
Để đảm bảo tính bảo mật thông tin, đại biểu Vũ Thị Liên Hương đề xuất sửa thành cổ đông phổ thông được quyền xem xét, tra cứu và trích lục thông tin về tên và địa chỉ liên lạc của mình trong danh sách. Cổ đông có quyền biểu quyết và yêu cầu sửa đổi thông tin không chính xác của mình.
|
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong phiên thảo luận có 21 ý kiến phát biểu, 1 đại biểu tranh luận, còn 9 ý kiến đã đăng ký nhưng chưa phát biểu, đề nghị các đại biểu gửi ý kiến bằng văn bản qua Ban Thư ký để tổng hợp tiếp thu đầy đủ. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã giải trình, làm rõ một số vấn đề các ĐBQH đã nêu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết sửa đổi luật để khắc phục bất cập của luật hiện hành, thể chế hóa chủ trương của Đảng, đảm bảo an toàn, lành mạnh các hệ thống tổ chức tín dụng, tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác xử lý nợ xấu, tiếp tục phát huy vai trò kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế của các tổ chức tín dụng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan nghiên cứu các ý kiến thảo luận để tiếp thu, hoàn chỉnh dự án luật trình Quốc hội xem xét.
QH – DCH – HA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: