Mang theo hoài bão làm đẹp cho đời, chị Nguyễn Thị Hiếu, chủ thương hiệu áo dài Trung Đồng không ngừng sáng tạo trong thiết kế áo dài cũng như đào tạo những người thợ kế cận có tâm với nghề.
Chị Hiếu chỉnh sửa áo cho khách hàng.
Dù nằm khuất sâu trong con ngõ nhỏ ở thôn Ái Quốc, xã Nam Trung (Tiền Hải) nhưng cửa hàng của chị Hiếu luôn tấp nập người ra vào. Hình thức cửa hàng không có gì nổi bật, điều thu hút khách đến mua, đặt may áo dài tại đây là sự tận tâm, nhiệt tình của chị Hiếu và nhân viên.
Chị Nguyễn Thị Hoa, khu 1, thị trấn Tiền Hải cho biết: Mua áo dài ở đây tôi rất ưng ý từ chất vải, đường may đến kiểu dáng, giá cả phải chăng. Tôi mua một chiếc rồi lại muốn mua thêm nữa để mặc dịp kỷ niệm, ngày lễ, tết… Mọi người thấy tôi mặc đẹp nên hỏi thăm để đến mua. Chị em trong cửa hàng niềm nở, trân trọng khách hàng, mỗi khi tới đây cảm giác như chị em trong gia đình.
Chị Hiếu là một luật sư. Những tưởng giấy tờ, pháp lý, những vụ án sẽ tạo nên một người phụ nữ nghiêm nghị nhưng càng trò chuyện càng thấy ở chị nét duyên dáng, sự nhẹ nhàng. Chị kể về cơ duyên đến với nghề: Tôi thích áo dài từ nhỏ. Câu nói gói trọn tâm huyết của chị. Trước khi đến với áo dài, chị Hiếu đã dự định mở văn phòng luật sư. Sau thời gian “giằng co” giữa hai lựa chọn, cuối cùng chị quyết định gắn bó với giấc mơ thuở thiếu thời.
Nhớ lại ngày đầu khởi nghiệp, chị Hiếu chia sẻ: Tôi sinh ra trong gia đình nghèo khó ở huyện Đô Lương (Nghệ An). Để theo học tại Trường Đại học Luật Hà Nội là nỗ lực của cả gia đình. Bởi vậy, khi quyết định tạm dừng việc làm luật sư để về quê chồng khởi nghiệp, cha mẹ hai bên, họ hàng, làng xóm cũng lo lắng, hoài nghi: Đang làm luật sư ổn định, thu nhập khá như thế lại bỏ về bán quần áo không biết có làm nên trò trống gì không, áo dài ở quê người ta may đo mới vừa vặn chứ ai mua sẵn bao giờ mà bán… Nhưng vượt lên tất cả, tôi đã làm cho họ tin, tôi đã làm được vì đam mê.
Cũng theo chị Hiếu, thời gian đầu rất vất vả, chị kiêm nhiệm đủ mọi vị trí từ lên ý tưởng nội dung, phát tờ rơi, liên hệ đài truyền thanh các xã, viết bài quảng cáo, học may, chỉnh sửa, khâu đính kết hoa hạt trang trí đến thu ngân, bán hàng… “Nghề chọn người”, chỉ sau một thời gian ngắn áo dài Trung Đồng đã phủ sóng gần khắp các tỉnh, thành phố. Vốn là luật sư và thấy được sự phát triển đó cũng như mong muốn tạo một thương hiệu vững chắc, chị đã làm thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký nhãn hiệu. Năm 2020, nhãn hiệu áo dài Trung Đồng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp đăng ký bảo hộ độc quyền tại Việt Nam.
Từ người ngoại đạo với thời trang, vốn ban đầu chỉ 30 triệu đồng, đến nay chị Hiếu có 2 cửa hàng may đo, bán áo dài. Chị liên kết với xưởng may lớn, có hơn 30 công nhân cắt may và trang trí áo dài, thu nhập từ 6 – 10 triệu đồng/người/tháng. Nhân sự của 2 cơ sở áo dài đều duy trì ổn định các bộ phận như bán hàng, kế toán, thu ngân, cắt may, là đồ, trang trí, marketing để phục vụ khách hàng tốt hơn, chuyên nghiệp hơn.
Chị Nguyễn Thị Phượng, thu ngân cửa hàng áo dài Trung Đồng cho biết: Nhân viên đa phần là người ở quanh khu vực nên đi làm rất thuận lợi. Tuy cửa hàng ở nông thôn nhưng rất nhiều khách hàng biết đến, chế độ lương, thưởng rất tốt. Tôi làm ở cửa hàng đã gần 1 năm. Tôi mong cửa hàng ngày một phát triển để tạo việc làm cho nhiều lao động.
Tâm huyết với nghề, sự chân thành, thấu hiểu, đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, suy nghĩ tích cực, lạc quan, ứng xử văn hóa, trao giá trị, cho đi yêu thương và biết ơn cuộc sống là bí quyết để áo dài Trung Đồng chinh phục trái tim, tình cảm của người tiêu dùng. Chị Hiếu cũng không ngừng học hỏi nâng cao kỹ năng, kiến thức mới để bắt kịp xu hướng của thời đại. Chị cho biết thêm: Áo dài Trung Đồng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến với tất cả nhân sự, khách hàng cũng như những người xung quanh đó là tình yêu đối với công việc, đối với sản phẩm, tình yêu đối với khách hàng, đối với đồng nghiệp, tình yêu đối với gia đình, cộng đồng, xã hội… Cũng bởi thế, tùy từng thời điểm mà chị có những chương trình từ thiện phù hợp như đổi áo dài cũ lấy áo dài mới tặng phụ nữ khó khăn, trích lợi nhuận giúp người nghèo…
Theo chị Hiếu, hạnh phúc lớn nhất của người làm nghề chính là được nhìn thấy sản phẩm của mình góp phần tôn lên nét đẹp cho người phụ nữ Việt và niềm vui mỗi ngày nhận được lời khen của khách hàng về sản phẩm… Những người thợ may áo dài như chị Hiếu tự hào đã, đang tiếp tục giữ nghề, nâng niu, gìn giữ văn hóa dân tộc cho mai sau.
Thêu tay tại cửa hàng Áo dài Trung Đồng.
Xuân Phương