NGƯỜI LỚN PHẢI THOÁT KHỎI “VÙNG AN TOÀN”
Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), cứ 5 trẻ em, thanh thiếu niên thì có 1 người bị bắt nạt trên mạng và 3/4 trong số đó không biết tìm sự giúp đỡ ở đâu. Thạc sĩ Nguyễn Tú Anh, chuyên ngành tâm lý trẻ em và thanh thiếu niên, nhà sáng lập dự án Happy Parenting (Làm cha mẹ hạnh phúc), nhận định đây là tỷ lệ khá cao và đáng lo ngại, chưa kể các trường hợp bị bắt nạt nhưng không nhận thức được nên không báo cáo.
“Trong giai đoạn trẻ em, thanh thiếu niên, việc là nạn nhân hay thủ phạm bắt nạt trực tuyến đều có nguy cơ dẫn đến các vấn đề tâm lý nghiêm trọng và lâu dài. Chẳng hạn, trẻ có thể bị trầm cảm, lo âu, chịu các hành vi rối nhiễu ngoài đời thực, không thể duy trì các mối quan hệ xã hội lành mạnh, ảnh hưởng đến kết quả học tập lẫn việc hình thành và nhận thức về bản thân theo cách đúng đắn”, thạc sĩ Tú Anh cho biết.
Để bảo vệ trẻ trước nạn
bắt nạt trực tuyến, bà Tú Anh cho rằng mọi người phải được phổ cập kiến thức về luật An ninh mạng 2019 cùng những cách ứng xử văn minh, tích cực và kỹ năng bảo vệ bản thân trên mạng xã hội. “Vì trẻ không thể tự học những điều này nếu thiếu sự giáo dục, hướng dẫn và luyện lập, cả từ gia đình lẫn nhà trường, thông qua nhiều hình thức khác nhau, như dưới dạng kỹ năng sống”, nữ thạc sĩ lý giải.
Bà Tú Anh cũng lưu ý những gì xảy ra trên mạng khá âm thầm, và nếu trẻ không chia sẻ thì người lớn khó lòng biết được. Vì lẽ đó, vị phụ huynh có 2 con nhỏ này khuyên người lớn phải thoát khỏi “vùng an toàn” của bản thân để cập nhật những mối quan tâm của trẻ, đồng thời nên hiểu rằng việc cấm đoán dùng mạng xã hội thường chỉ mang lại hệ quả tiêu cực trong hành vi của trẻ như lén lút, giấu giếm hay nói dối.
“Cha mẹ, thầy cô cần lưu tâm đến mọi thay đổi trong hành vi, nếp sinh hoạt và cách ứng xử hằng ngày của trẻ để nhận ra sự khác thường và hỗ trợ khi cần thiết. Song song đó, giám sát trẻ dùng mạng một cách đúng đắn như thiết lập tính năng chặn nội dung, website xấu độc, dạy trẻ đối diện với những nội dung hữu ích và trái ngược với nó là nội dung vô bổ, thậm chí là nhảm nhí. Khi ấy, trẻ sẽ chủ động chia sẻ và tìm về chúng ta khi có khó khăn dù ở bất kỳ môi trường nào”, thạc sĩ Tú Anh đúc kết.
BỔ SUNG “VẮC XIN SỐ”, “HÀNG RÀO ẢO”
Theo tiến sĩ Nguyễn Vinh Quang, chuyên ngành quản lý giáo dục, Giám đốc Tổ chức giáo dục hướng nghiệp quốc tế Mr.Q, có 5 yếu tố quan trọng góp phần vào sự gia tăng các hành vi bắt nạt trực tuyến, gồm sự phổ biến của công nghệ và mạng xã hội; tính ẩn danh và không gian ảo; mất quyền kiểm soát thông tin khi đã đăng tải nội dung; sự thiếu nhận thức và giáo dục; vấn đề tâm lý và xã hội.
“Bắt nạt trực tuyến đang là thách thức lớn không chỉ ở VN mà còn với nhiều quốc gia như Anh, Mỹ”, ông Quang nói.
Theo tiến sĩ Quang, bắt nạt trực tuyến có thể diễn ra dưới một số hình thức phổ biến như chia sẻ thông tin xấu, thậm chí là giả mạo bằng công nghệ; quấy rối bằng tin nhắn; lăng mạ trên mạng xã hội; bắt nạt qua trò chơi trực tuyến, email, blog…
Để đẩy lùi vấn nạn này, tiến sĩ Quang kiến nghị cho trẻ tiếp nhận “vắc xin số” thông qua những chương trình giáo dục định kỳ tại nhà trường, gia đình về bạo lực trực tuyến và những biện pháp bảo vệ, ứng phó phù hợp. Đồng thời, để thực sự tạo ra “kháng thể”, trẻ cũng cần được học cách chủ động dùng mạng xã hội có cân nhắc và đa góc nhìn, thay vì chỉ đăng ảnh hay bình luận trong vô thức, từ đó dẫn đến mâu thuẫn không đáng có.
Ngăn chặn bắt nạt trên mạng nhưng không từ bỏ quyền truy cập internet
Nhiều người là nạn nhân của bắt nạt trên mạng đã sợ hãi khóa hết tài khoản mạng xã hội, thậm chí không dám sử dụng internet một thời gian. Theo UNICEF, việc truy cập internet có rất nhiều lợi ích. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều thứ trong cuộc sống, nó đi kèm với những rủi ro mà bạn cần để tâm và tự bảo vệ bản thân mình.
“Khi gặp phải tình trạng bắt nạt trực tuyến, bạn có thể muốn xóa một số ứng dụng nhất định hoặc ở chế độ ngoại tuyến một thời gian để bản thân có thời gian phục hồi. Nhưng tắt internet không phải là một giải pháp lâu dài. Bạn không làm gì sai, vậy tại sao bạn phải chịu thiệt thòi? Việc bạn tắt internet thậm chí có thể gửi tín hiệu sai cho những kẻ bắt nạt là đang khuyến khích hành vi không thể chấp nhận được của họ. Tất cả chúng ta đều muốn hành vi bắt nạt trên mạng chấm dứt, đó là một trong những lý do khiến việc báo cáo bắt nạt trên mạng rất quan trọng. Chúng ta cần phải suy nghĩ về những gì chúng ta chia sẻ hoặc nói có thể làm tổn thương người khác. Chúng ta cần đối xử tốt với nhau trên mạng và trong cuộc sống thực. Điều này dựa vào tất cả chúng ta”, UNICEF khuyến cáo.
“Hàng rào ảo”, tức môi trường an toàn trực tuyến cho trẻ, cũng cần được quan tâm xây dựng, ông Quang nhìn nhận. Cụ thể, đội ngũ an ninh mạng và hệ thống tường lửa quốc gia có thể phát triển công cụ kiểm soát hành vi, chặn những từ khóa nhạy cảm… để hạn chế tối đa nội dung độc hại. Cơ quan quản lý cũng cần đưa ra khung chính sách, quy định rõ ràng về cách xử lý bắt nạt trực tuyến, đồng thời khuyến khích giáo viên, nhân viên trường học can thiệp kịp thời khi có thông tin liên quan.
“Trong xử lý bắt nạt, phải luôn nhanh chóng và đúng thời điểm. Điều này yêu cầu sự sát sao trong các kênh liên lạc, đặc biệt giữa 3 bên là gia đình, nhà trường và học sinh, yếu tố vẫn đang còn thiếu ở nhiều nơi. Khi trẻ gặp bắt nạt trực tuyến, sẽ là điều hiển nhiên nếu cha mẹ, thầy cô không nắm rõ, nhưng phải tự vấn chính mình nếu trẻ không tìm đến chúng ta để xin giúp đỡ”, tiến sĩ Quang đặt vấn đề.
Trước quan điểm cấm con dùng điện thoại và mạng xã hội của một số phụ huynh, tiến sĩ Nguyễn Vinh Quang đánh giá đây không phải là quyết định hiệu quả. Theo ông, nếu cha mẹ loại bỏ yếu tố công nghệ khỏi cuộc sống của trẻ thì cũng chẳng khác gì loại bỏ chính con mình khỏi cơ hội phát triển trong tương lai. “Hãy cho trẻ tiếp cận dưới góc độ có giám sát, thậm chí tạo điều kiện cho con chủ động giám sát bản thân thay vì áp đặt phải làm thế này, thế kia”, tiến sĩ Quang đề xuất.
ĐỪNG ĐỢI XẢY RA HẬU QUẢ MỚI ĐI GIẢI QUYẾT
Theo chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện (Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, TP.HCM), trước tiên người lớn không đợi đến khi xảy ra hậu quả mới đi giải quyết vì như vậy dù ở mức độ nào thì con em mình đã bị tổn thương rồi. Phụ huynh cũng không thể kiểm soát hay thanh lọc hết môi trường internet để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con em mình. Vì thế, cần có các chương trình giáo dục kỹ năng để trẻ em biết cách tự bảo vệ mình khi sử dụng internet.
“Phụ huynh nên hướng dẫn các em cách chọn lọc thông tin tiếp nhận, tiết chế các thông tin cá nhân khi chia sẻ, cách ứng phó khi bị bắt nạt… để có thể sử dụng internet an toàn, hiệu quả. Muốn làm được điều đó, phụ huynh cần có thời gian để tương tác, trò chuyện và chia sẻ với con. Khi xây dựng một tương quan gia đình tốt, trẻ có thể dễ dàng chia sẻ các vấn đề đang gặp phải để phụ huynh kịp thời trợ giúp khi cần”, ông Thiện nói.
Đồng thời, theo chuyên gia tâm lý Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, khi phát hiện con em mình có biểu hiện bất thường về mặt tâm trí, cần đưa các em đến bệnh viện, phòng khám, trung tâm tâm lý để được can thiệp.