Chủ đề về chiến tranh luôn là kho tài nguyên quý giá mà các nhà làm phim mong muốn khai thác và truyền tải thông điệp cho người xem.
Khi đàn sếu bay qua (Cranes Are Flying 1957)
Bộ phim “Khi đàn sếu bay qua'” của đạo diễn Mikhail Kalatozov được sản xuất vào năm 1957. Bộ phim đã khắc họa rất ấn tượng thân phận người phụ nữ trong chiến tranh thông qua nhân vật Veronica, khiến hàng triệu người xem thổn thức. Hàng triệu người xem cũng không thể quên ánh mắt buồn thăm thẳm của Veronica khi cô phải trải qua những ngày tháng chiến tranh khốc liệt trong sự chờ đợi và hy vọng. Bộ phim sau đó đã xuất sắc đoạt giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes năm 1958.
Mishima: A Life in Four Chapters (1985)
Đây là một sản phẩm hợp tác giữa Nhật Bản và Mỹ. Bộ phim do nhà biên kịch và làm phim người Mỹ Paul Schrader đạo diễn cùng sự góp mặt của dàn diễn viên Nhật Bản. Trong những đoạn hồi tưởng làm nổi bật các tình tiết trong kiếp trước của nhân vật Mishima, người xem thấy sự tiến bộ của Mishima từ một cậu bé ốm yếu trở thành một trong những nhà văn nổi tiếng nhất của Nhật Bản thời hậu chiến (người ở tuổi trưởng thành đã rèn luyện bản thân thành thạo kỷ luật cơ bắp, do bệnh tật và nỗi ám ảnh quân phiệt với nam tính và văn hóa thể chất ). Sự “ghê tởm” của ông đối với chủ nghĩa duy vật của Nhật Bản hiện đại đã khiến ông hướng tới một chủ nghĩa truyền thống cực đoan.
The Human Condition I, II, III (1959)
“The Human Condition” là một bộ ba phim chính kịch chiến tranh sử thi của Nhật Bản do Masaki Kobayashi – một trong những nhà làm phim Nhật Bản vĩ đại nhất mọi thời đại đạo diễn. Bộ phim dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Junpei Gomikawa. “The Human Condition” là một cái nhìn bao quát về tinh thần con người trong bối cảnh chiến tranh ám ảnh vô cùng.
Ngôi mộ đom đóm (Grave of the Fireflies – 1988)
“Ngôi mộ đom đóm” là một bộ phim hoạt hình Nhật Bản, của hãng phim hoạt hình Ghibli sản xuất và được Toho phát hành năm 1988. Phim do đạo diễn Takahata Isao viết kịch bản và đạo diễn. Bộ phim được dựa theo cuốn tiểu thuyết cùng tên của Nosaka Akiyuki vốn được tác giả viết dưới dạng bán tự truyện như là một lời xin lỗi với người em gái của chính tác giả.
Một vài nhà phê bình phim (trong đó phải kể tới Roger Ebert) coi “Grave of the Fireflies” là một trong những bộ phim phản chiến mạnh mẽ nhất đã từng được thực hiện. Nhà nghiên cứu lịch sử hoạt hình Ernest Rister cho biết, đây là bộ phim hoạt hình nhân văn nhất mà ông từng được xem. Với người Nhật thì bộ phim thường được hiểu như một câu chuyện ngụ ngôn về lòng tự trọng hơn là về tinh thần phản chiến.
Night and Fog (1956)
“Night and Fog” là một bộ phim tài liệu của Pháp do Alain Resnais đạo diễn, mô tả sự khủng khiếp của các trại tập trung của Đức Quốc xã ở Châu Âu. Bộ phim mô tả sự đối xử vô nhân đạo đối với các tù nhân trong các trại tập trung, không chỉ bao gồm hình ảnh của các phòng hơi ngạt và đống xác chết mà còn cả cảnh các thí nghiệm khoa học và y tế phi đạo đức, hãm hiếp và hành quyết các nạn nhân bị cầm tù. Được ca ngợi vì tính trung thực khắc nghiệt, “Night and Fog” là một bộ phim tài liệu được giới phê bình đánh giá cao, ghi nhận sự khủng khiếp của chiến tranh.
Schindler’s List (1993)
Bộ phim dựa trên cuộc đời của Oskar Schindler, một doanh nhân người Đức đã cứu sống hơn một ngàn người, trong đó phần lớn là người Do Thái gốc Ba Lan tị nạn trong thời kỳ phát xít Đức tàn sát người Do Thái, bằng cách thuê họ vào làm trong các nhà máy của ông.
“Schindler’s List” đã xuất sắc giành được 7 giải Oscar (trong tổng số mười hai đề cử), trong đó có giải quan trọng như : Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất và Nhạc phim hay nhất, cùng nhiều giải thưởng khác. Viện phim Mỹ xếp bộ phim này đứng thứ 8 trong danh sách 100 phim Mỹ hay nhất mọi thời đại. Đồng thời, Thư viện Quốc hội Mỹ đã lựa chọn bộ phim này để bảo tồn tại Viện lưu trữ phim Quốc gia Hoa Kỳ vào năm 2004.
Shoa (1985)
“Shoa” là bộ phim sử thi hoành tráng của Claude Lanzmann về Holocaust – cuộc tàn sát chủng tộc đối với 6 triệu người Do Thái ở châu Âu, gồm 3 triệu đàn ông, 2 triệu phụ nữ và 1 triệu trẻ em trong thời gian Thế chiến II do phát xít Đức và các nước cùng phe gây ra. Bộ phim được giới phê bình ca ngợi là một kiệt tác khi phát hành và hiện được coi là một trong những bộ phim tài liệu hay nhất từng được thực hiện.
Đến mà xem (Come and see – 1985)
“Come and see” là một bộ phim điện ảnh chiến tranh thời Xô Viết do Elem Klimov làm đạo diễn, lấy bối cảnh lúc Đức Quốc xã chiếm đóng Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết Byelorussia. Câu chuyện kinh hoàng trong “Come and see” được nghe và nhìn thông qua cậu bé Flyora 14 tuổi. Bất chấp can ngăn của mẹ, cậu nhất quyết gia nhập lực lượng du kích Belarus và sau đó chứng kiến tận mắt sự tàn bạo của quân Phát xít cũng như thương đau mà người dân Đông Âu phải chịu đựng trong thời kỳ này./.
Kim Nhung/VOV.VN