(QNO) – Trong hoạt động tu bổ di tích, để không làm ảnh hưởng lớn đến môi trường xung quanh, đảm bảo điều kiện thi công thông suốt đồng thời bảo vệ các hiện vật sau khi hạ giải, việc đầu tư xây dựng nhà bao che thi công là hết sức cần thiết. Nhà bao che có công năng đảm bảo đủ diện tích cho dây chuyền gia công tu bổ cấu kiện gỗ, khu lưu trữ hiện vật, nơi để máy móc, trang thiết bị, khu thờ tạm, khu làm việc ban chỉ huy công trường, khu nghỉ công nhân và khu tham quan cho du khách…
Theo Điều 9, Thông tư 15/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2019 của Bộ VH-TT&DL có quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, trong đó có những quy định về sự cần thiết phải xây dựng hạng mục này.
Như vậy, có thể thấy rằng trong hoạt động tu bổ di tích, xây dựng hạng mục phụ trợ (nhà bao che, bảo quản cấu kiện) không chỉ đơn thuần là hạng mục để che mưa che nắng cho di tích, bảo vệ môi trường mà đó còn là nhân tố quan trọng để hoạt động thi công tu bổ di tích được thông suốt, đảm bảo theo quy trình, các quan điểm và giải pháp trùng tu.
Tùy vào quy mô, tính chất và giá trị của từng di tích cũng như vị trí địa lý, khí hậu, địa hình, vị trí dân cư đông đúc hay thưa thớt mà quy mô của hạng mục nhà bao che sẽ có những phương án thiết kế phù hợp. Tuy nhiên, dù có quy mô lớn hay nhỏ, đơn giản hay phức tạp thì về cơ bản, hạng mục này phải luôn đảm bảo một số yêu cầu sau:
– Dễ thi công, lắp dựng và tháo dỡ.
– Đảm bảo dây chuyền công năng sử dụng hợp lý.
– Đảm bảo thông gió, chiếu sáng cho di tích.
– Phương án thiết kế, màu sắc phải hài hòa, phù hợp với cảnh quan xung quanh.
– Việc gia công lắp dựng không tác động và làm ảnh hưởng di tích…
Để tạo điều kiện cho du khách và người dân nắm bắt thông tin và nhìn thấy hình ảnh của di tích trong khi hoạt động tu bổ vẫn đang diễn ra, các thông tin trên sẽ được in ấn và lắp đặt tại các vị trí thuận lợi và phù hợp, đồng thời trong dây chuyền công năng tu bổ sẽ bố trí lối đi, lối tham quan cho người dân và du khách.
Cạnh đó, theo xu hướng hiện nay, các hoạt động giới thiệu, học tập, nghiên cứu, truyền nghề thường tổ chức để tuyên truyền, phát huy giá trị di tích ngay cả khi di tích đang trong quá trình thi công tu bổ, góp phần quảng bá hình ảnh, nâng tầm giá trị di tích cũng như giúp cho người dân và du khách hiểu hơn về một hoạt động khoa học được tiến hành rất tỉ mỉ, khoa học, và hết sức ý nghĩa.
Tại Việt Nam, việc xây dựng nhà bao che trong những năm gần đây dần được quan tâm bởi những giá trị mang lại và sự cần thiết của nó.
Thông thường, hạng mục này sẽ được gia công lắp dựng bằng hệ khung thép, mái lợp tôn, các khu di tích khảo cổ khi khai quật ở diện lớn thường xây dựng nhà bao che thoáng xung quanh và diện tích mái rất lớn (nhà bao che khu khảo cổ di tích Óc Eo – Ba Thê, một số di tích trùng tu tại Huế, Hà Nội), hay cùng với cách làm trên nhưng ở quy mô nhỏ hơn nhiều, kích thước chừng 4m x 6m (trùng tu một số hạng mục tháp nhỏ trong cụm tháp tại Mỹ Sơn).
Tại một số nước phát triển như Pháp, Ý, Nhật Bản, hạng mục này được xây dựng quy mô, vật liệu sử dụng tương tự với khung giàn thép lớn, hoặc sẽ dùng hệ giàn giáo liên kết nhau.
Đặc biệt, tại Nhật Bản, một số dự án trùng tu, nhà bao che kết hợp cả vật liệu sắt, thép và gỗ (Nhật Bản là quốc gia có diện tích rừng chiếm đến 70% lãnh thổ đất nước).
Tại đó, nhà bao che là một sàn công tác, là nơi thực hiện toàn bộ các quá trình nghiên cứu, khảo sát, tháo dỡ, xử lý cấu kiện, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tu bổ di tích, góp phần hỗ trợ vào công tác nghiên cứu, khảo sát, và thi công công trình được tiến hành tỉ mỉ, khoa học và đạt được nhiều kết quả. Đồng thời, đây cũng là nơi tổ chức triển lãm, tập huấn và các hoạt động tuyên truyền, phát huy giá trị di tích liên quan.
Chùa Cầu (Lai Viễn Kiều) là di tích mang tính biểu tượng của di sản văn hóa thế giới Hội An. Với tuổi đời gần 400 năm, lại tồn tại trong khu vực có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, di tích đã và đang xuống cấp nghiêm trọng.
Nhận thức được giá trị đặc biệt và ý nghĩa của dự án, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản Văn hóa Hội An đã tham mưu UBND thành phố Hội An hoàn thành các thủ tục pháp lý để xây dựng phương án tu bổ khẩn cấp, toàn diện nhằm đảm bảo sự ổn định lâu dài cho di tích. Đặc biệt, trung tâm đã chủ động phối với đơn vị tư vấn xây dựng để đề xuất, thiết kế hạng mục nhà bao che phục vụ thi công tu bổ Chùa Cầu với mong muốn đây là mô hình thí điểm để cải tiến xây dựng các quy trình tu bổ kiến trúc gỗ tại địa phương.
Giải pháp thiết kế được đưa ra là xây dựng nhà bao che với quy mô 2 tầng: Chiều cao công trình đảm bảo vừa đủ cho không gian thi công, sắp xếp cấu kiện và các thao tác bên trong; thiết kế thông gió, chiếu sáng, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc; nhà làm việc và các hạng mục phụ trợ khác. Hạng mục nhà bao che này có bộ khung được làm bằng các cấu kiện thép vững chắc đảm bảo sức chống chịu trong điều kiện mưa bão thường xuyên xuất hiện ở Hội An vào các tháng cuối năm.
Nhà bao che được thiết kế nhiều không gian lấy ánh sáng và thông gió tự nhiên, tiết kiệm chi phí điện cho công trình. Sàn công tác được làm từ vật liệu chống ẩm mốc, trơn trượt, đảm bảo an toàn cho nhân công và hiện vật, nguyên vật liệu phục vụ thi công tu bổ. Công năng bố trí hợp lý cho sự di chuyển của công nhân, tính toán hợp lý nơi bố trí cấu kiện, vật liệu hạ giải và gia công.
Vị trí cây xanh trong nhà bao che được xử lý khéo léo, chừa các khoảng trống để cây xanh được chiếu sáng và phát triển bình thường, cách làm này vừa tôn trọng tự nhiên vừa tạo được tính thẩm mỹ cao cho công trường tu bổ.
Màu sắc vật liệu bao che (màu vàng và xanh ngọc) được chọn lựa hài hoà với cảnh quan xung quanh. Đặc biệt, trong hạng mục nhà bao che sẽ bố trí lối đi dân sinh, tạo điều kiện để bà con và du khách có thể thực hiện các nghi thức tín ngưỡng và tham quan di tích, điều mà rất hiếm một công trình tu bổ nào trước đây có thể làm được.
Theo kế hoạch triển khai thi công tu bổ di tích, hiện nay hạng mục nhà bao che đang được tiến hành lắp dựng và hoàn thiện. Quá trình thi công lắp dựng hạng mục này gặp rất nhiều khó khăn do đặt tại vị trí đông dân cư, địa hình phức tạp, di tích lại nằm trong khu vực I của khu phố cổ Hội An nên cần tuân thủ các quy định về giờ giấc, công tác vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng, công tác quản lý rác thải vật liệu, ô nhiễm bụi, tiếng ồn từ hoạt động xây dựng cũng gặp nhiều khó khăn…
Tuy nhiên, cán bộ kỹ thuật của trung tâm đã hết sức chủ động, trách nhiệm, thường xuyên phối hợp với đơn vị thi công, đơn vị tư vấn giám sát để khảo sát, xử lý những vướng mắc phát sinh, cải tiến phương pháp tổ chức thi công nhằm đảm bảo mỹ quan, an toàn lao động, ít ảnh hưởng nhất đến đời sống của người dân tại khu vực xung quanh.
Đặc biệt, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản Văn hóa Hội An đã nhận được sự hỗ trợ, hợp tác nhiệt tình của cộng đồng dân cư và chính quyền địa phương từ khi triển khai thi công cho đến nay nên đã hoàn thành các phần việc theo tiến độ đề ra. Sau khi hạng mục nhà bao che hoàn thiện, trung tâm cùng với các bên liên quan kiểm tra đánh giá hạng mục để thống nhất làm cơ sở chuẩn bị cho công tác hạ giải các hạng mục của di tích.
Đồng thời thực hiện nội dung hợp tác về di sản văn hóa, vào ngày 7/6/2023 Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An phối hợp với Cục Di sản văn hóa, Văn phòng JICA Nhật Bản, Viện Bảo tồn di tích và các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn bảo tồn di tích kiến trúc gỗ Hội An, Việt Nam (di tích Chùa Cầu là trường hợp điển hình).
Khoá tập huấn có sự tham gia của các thành viên từ các sở, ban ngành, ban quản lý các khu di sản văn hóa, di tích… từ nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Trong đợt tập huấn này, các hoạt động khảo sát thực tế, nghiên cứu, thảo luận thực địa sẽ được tổ chức tại nhà bao che tu bổ di tích Chùa Cầu. Có thể nói việc xây dựng nhà bao che tu bổ di tích đảm bảo sẽ góp phần hết sức quan trọng vào kết quả tu bổ di tích Chùa Cầu trong thời gian đến.