3 năm qua, tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; đại dịch Covid-19 kéo dài gây hậu quả nặng nề; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt… ảnh hưởng lớn đến các ngành, lĩnh vực. Cùng với triển khai nhiều giải pháp phục hồi kinh tế, tỉnh xác định ngành than, điện và công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò trụ cột trong tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách.
Theo đó, tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU (ngày 16/11/2020) của Tỉnh ủy về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó, từng bước tạo đột phá trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thế hệ mới, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao vào GRDP và thu ngân sách. Đồng thời, thực hiện tái cơ cấu ngành du lịch phù hợp với bối cảnh mới của thị trường khách nội địa và quốc tế sau đại dịch.
Xác định ngành than, điện và công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò trụ cột trong tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách, bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Nghị quyết số 01-NQ/TU, tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn cho ngành than phát triển ổn định và tăng sản lượng tối đa đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế; tạo điều kiện tối đa để các ngành xi măng, điện tử, dệt may, dầu ăn, bột mì… đẩy mạnh sản xuất, gia tăng số lượng sản phẩm, kết nối phát triển thị trường tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa. Với các giải pháp quyết liệt, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu GRDP của tỉnh tăng dần theo từng năm. Năm 2021 chiếm 11,3%, năm 2022 chiếm 11,5%; dự kiến năm 2023 chiếm 12,3%, tăng 2,5% so với năm 2020. Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân năm 2021-2022 đạt 23,6%/năm, cao hơn chỉ tiêu Nghị quyết số 01-NQ/TU (Nghị quyết là 17%/năm). Riêng 6 tháng đầu năm 2023, ước tăng 12,4%. Thu hút vốn đầu tư của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sau 2 năm triển khai Nghị quyết số 01-NQ/TU đạt trên 41.300 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn FDI đạt trên 1,3 tỷ USD (đạt trên 80% mục tiêu đề ra trong Nghị quyết là 50.000 tỷ đồng đến năm 2025, bình quân 10.000 tỷ đồng/năm).
Cùng với đó, phân bố không gian, quy hoạch các KKT, KCN, định hướng thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo cũng được thể hiện rõ nét, bước đầu hình thành chuỗi công nghiệp dệt công nghệ cao, như KCN Texhong Hải Hà (giai đoạn 1); chuỗi công nghiệp sản xuất ô tô tại các KCN Việt Hưng, Sông Khoai, Đông Mai, Bắc Tiền Phong; cơ khí chế tạo, lắp ráp thiết bị điện, điện tử tại KCN Đông Mai, KCN Sông Khoai.
Tỉnh đã đẩy mạnh lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, công nghệ sạch, bước đầu thu hút được một số nhà đầu tư, tập đoàn lớn có năng lực, kinh nghiệm và nghiên cứu đầu tư vào địa bàn, như: Tập đoàn TCL, Foxconn, Jinko Solar…
Công nghiệp khai khoáng tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tổng sản lượng than sạch 3 năm (2021-2023) ước đạt 135,56 triệu tấn. Tuy nhiên, để phù hợp với lộ trình đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh, tỷ trọng ngành khai khoáng trong GRDP giảm dần từ 21,3% (năm 2015) xuống còn 18,3% (năm 2022), từng bước hiện thực lộ trình kết thúc khai thác than lộ thiên theo quy hoạch. Tuy nhiên, đóng góp vào thu nội địa của ngành than vẫn chiếm tỷ trọng lớn (năm 2020 là 39,1%, năm 2021 là 36,7%, năm 2022 là 40,9%).
Công nghiệp sản xuất điện trên địa bàn tỉnh cũng có bước phát triển. Đến nay, trên địa bàn có Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh – đây là dự án điện đầu tiên sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu tại miền Bắc, có công suất lên tới 1.500MW, dự án này có vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp điện, tạo cơ hội để phát triển các ngành công nghiệp khác, nhất là ngành công nghiệp khí hóa lỏng. Từ năm 2020 đến nay, sản lượng điện sản xuất có sự sụt giảm, ước đạt 87,4 tỷ kWh, bình quân giảm 1,01%/năm. Nguyên nhân chính được xác định là trên địa bàn tỉnh không phát sinh nhà máy điện mới đưa vào vận hành; nhu cầu huy động công suất của hệ thống lưới ưu tiên cho các nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, thủy điện)… Tuy nhiên, Quảng Ninh vẫn là địa phương có sản lượng điện sản xuất cao.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng khẳng định là ngành quan trọng và là một trong những trụ cột chính trong nền kinh tế của tỉnh; đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh bình quân giai đoạn 2021-2023, ước tăng 10,4%/năm (cao hơn tốc độ tăng bình quân hằng năm theo Nghị quyết Đại hội XV của tỉnh). Cơ cấu kinh tế dự kiến đến hết năm 2023 (so với năm 2020), khu vực công nghiệp – xây dựng đạt 49,8% (tăng 0,7%); dịch vụ và thuê sản phẩm đạt 45,5% (tăng 1,16%). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2023, ước đạt 294.058 tỷ đồng, tăng bình quân giai đoạn này đạt 10,2%/năm (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XV của tỉnh đề ra)…