Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang Hồ Việt Hiệp trao đổi tại “Cà phê doanh nghiệp”
Trao đổi, chia sẻ tại “Cà phê doanh nghiệp”
Tại buổi cà phê, Phó Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh An Giang Lê Việt Trung đã chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp An Giang kỹ năng quản trị tài chính doanh nghiệp. Trong đó, lưu ý doanh nghiệp cần lựa chọn sử dụng phần mềm kế toán phù hợp, đáp ứng yêu cầu mở rộng phát triển về lâu dài bởi phần mềm sẽ lưu trữ toàn bộ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Chủ doanh nghiệp cần nghiên cứu, tham gia các lớp học tài chính ngắn hạn để có cái nhìn tổng quan về tài chính doanh nghiệp, trang bị nghiệp vụ kế toán để cùng tham gia quản trị tài chính chứ không giao khoán hoàn toàn cho kế toán. Đồng thời, lưu ý thực hiện tốt các báo cáo về cân đối kế toán; báo cáo kết quả kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Từ đó, tách bạch nguồn tiền của cá nhân và doanh nghiêp, không để lẫn lộn, khó quản trị lời, lỗ.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang cho biết, 5 tháng của năm 2023, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn An Giang đạt 106.303 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng đứng thứ 3 vùng ĐBSCL (sau Long An và Kiên Giang). Trong đó, dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp là 27.017 tỷ đồng; nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Từ nay đến cuối năm 2023, với tình hình lãi suất huy động giảm, lãi suất cho vay dự báo sẽ tiếp tục giảm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn để phục hồi và phát triển sản xuất – kinh doanh.
Chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp An Giang, ông Lê Ngọc Lâm (kiều bào Việt Nam đang định cư và kinh doanh tại Nhật Bản, Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ doanh nhân Việt Nam tại Nhật Bản) cho biết, kinh tế Nhật Bản đang bùng nổ trở lại, đây là thị trường có nhu cầu lớn về các mặt hàng nông sản của Việt Nam.
Ông Lâm hướng dẫn doanh nghiệp An Giang cách thức thành lập công ty ở Nhật Bản để làm ăn lâu dài, tạo sự tin cậy với đối tác Nhật Bản. Nếu có sự hợp tác tốt, sẽ tạo đột phá về thị trường và giá trị cho nông sản An Giang.
Tại buổi “Cà phê doanh nghiệp”, các doanh nghiệp và đại diện các sở, ngành tỉnh đã trao đổi những vướng mắc, khó khăn về quy trình xây dựng sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), nhất là tiêu chí về môi trường; bất cập trong cấp phù hiệu cho xe ô tô kinh doanh; việc phạt lãi suất do chậm nộp thuế trong thời gian ngắn; cần giải đáp về thủ tục mua bảo hiểm tự nguyện 100% cho người lao động…