Tiếp tục nội dung giám sát về kết quả triển khai thực hiện đổi mới chương trình và lựa chọn SGK phổ thông trên địa bàn tỉnh, chiều 7/6, đoàn giám sát Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh do bà Trần Thị Huỳnh Dao – Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND TP. Bạc Liêu.
Bà Trần Thị Huỳnh Dao – Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh kết luận tại buổi làm việc với UBND TP. Bạc Liêu.
Qua 3 năm triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018, các trường tiểu học, THCS trên địa bàn đã xây dựng kế hoạch giáo dục năm học phù hợp với tình hình chung của đơn vị; phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục, tổ chức sắp xếp cho lớp 1, 2, 3 được học cả ngày. Từ đó không gây quá tải, chương trình giáo dục mới được xây dựng theo hướng mở, đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Theo đó, các trường tiểu học (lớp 1, 2, 3) trên địa bàn thành phố đã chọn bộ “Chân trời sáng tạo”. Các trường THCS (lớp 6, 7) đa số lựa chọn bộ “Chân trời sáng tạo”, riêng lớp 6 có một số trường chọn bộ “Cánh diều” và bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” (gồm môn Ngữ văn, Tiếng Anh, Khoa học tự nhiên, Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất), đối với lớp 7 các trường chọn bộ SGK “Cánh diều” (môn Giáo dục thể chất) và bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” (môn Tiếng Anh).
Giai đoạn này, thành phố đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho 811 cán bộ quản lý, giáo viên và đã hoàn thành các mô-đun 1, 2, 3, 4, 5 và 9 của Chương trình GDPT 2018 (các mô-đun 6, 7, 8 đang chuẩn bị thực hiện). Có 688 cán bộ quản lý, giáo viên tham gia bồi dưỡng, tập huấn do Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT tổ chức và tổ chức tập huấn lại ở các địa phương đúng quy định. Bên cạnh đó, trong 3 năm triển khai thực hiện chương trình mới, thành phố còn đầu tư xây mới thêm 190 phòng có kèm theo trang thiết bị bên trong cho các trường tiểu học, THCS; thực hiện dự án mua sắm bàn ghế, trang thiết bị giảng dạy… với tổng mức đầu tư hơn 177 tỷ đồng.
Kết luận buổi làm việc, bà Trần Thị Huỳnh Dao – Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh đặc biệt ghi nhận những nỗ lực của thành phố trong thực hiện đổi mới chương trình và lựa chọn SGK phổ thông. Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những khó khăn, vướng mắc hiện nay thì cần quan tâm hơn nữa trong việc lựa chọn SGK phù hợp cho năm học 2024 – 2025; rà soát lại cơ sở vật chất các trường và có kế hoạch bổ sung, sửa chữa để tạo thuận lợi cho hoạt động giảng dạy theo chương trình GDPT mới tốt hơn; có kế hoạch tuyển đủ giáo viên theo số lượng biên chế được giao bổ sung kịp thời cho các trường. Đồng thời, tạo điều kiện để tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ… cho giáo viên dễ dàng tiếp cận chương trình mới…
Tin, ảnh: Đ.K.C