Bước ra từ điểm thi Trường THCS Chánh Hưng, Q.8, TP.HCM, thí sinh tên Công Minh cho biết đề ngữ văn thú vị và em đã làm được 2 tờ giấy.
“Các ý phần đọc hiểu không gây khó khăn cho em. Em thích ý C của câu đọc hiểu ‘Lời chia sẻ của bác sĩ Đặng Thùy Trâm giúp em hiểu gì về tuổi trẻ Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh?’. Phần nghị luận văn học, em chọn đề 1. Em đã lấy một đoạn thơ trong bài thơ Đồng chí bởi theo em đây là đoạn thơ khiến em suy nghĩ về tình yêu nước của con người Việt Nam. Đây cũng là bài thơ em ôn khá kỹ”, thí sinh Công Minh cho biết.
Thi lớp 10 Giáo viên ngữ văn dự đoán về phổ điểm năm nay
Thí sinh Thủy Tiên, học sinh Trường THCS Chánh Hưng, Q.8, cho biết em đã làm thử những đề thi văn vào lớp 10 của TP.HCM các năm trước và nhận thấy rằng đề thi chính thức năm nay thú vị hơn, không gây khó cho học sinh và cho phép thí sinh thể hiện nhiều góc nhìn.
Thí sinh đặt nguyện vọng 1 vào Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM chia sẻ: “Với đề này thì khó mà có thể học tủ được. Nhưng em thích cách đưa ra ngữ liệu cũng như đặt vấn đề của đề bài. Từ chủ đề năm nay được nêu ra trong đề thi “Để những suy nghĩ cất lên thành lời” em cũng thấy đây là chủ đề rất thời sự. Bởi hình như cuộc sống hiện đại thì mọi người hay khép lòng lại với nhau, người trẻ cũng không chia sẻ, giữ những suy nghĩ trong lòng mình, khiến cho khoảng cách giữa mọi người ngày càng xa. Từ đây, sự vô cảm cũng nhiều hơn. Nên có những suy nghĩ cần phải cất lên, để mọi người thấu cảm, yêu thương nhau nhiều hơn. Thông điệp này đã được đưa ra khéo léo cho các thí sinh sắp bước vào lớp 10″.
Đề mang nét sáng tạo, cá tính, chất riêng của TP.HCM
Nhận xét về đề thi ngữ văn lấy chủ đề xuyên suốt “Để những suy nghĩ cất lên thành lời”, thạc sĩ Trần Nguyễn Tuấn Huy, tổ trưởng tổ văn Trường THCS Trần Bội Cơ, Q.5, TP.HCM, cho biết: “Đề thi mang nét sáng tạo, cá tính và chất riêng của TP.HCM. Vẫn là những mảnh ghép thật đẹp trong trái tim mỗi con người được mở ra dần dần theo từng mùa thi tuyển sinh lớp 10”.
Nhận xét kỹ hơn về các câu hỏi, thạc sĩ Tuấn Huy nói: “Đề đọc hiểu rất mới lạ nhưng vừa sức với học sinh. Các câu hỏi vẫn theo định hướng phát triển năng lực khá rõ ràng. Dù là đọc hiểu nhưng câu hỏi không chỉ mang tính đọc và trả lời một cách máy móc mà vẫn cần sự khơi gợi trong tâm thức của người thi”.
“Câu nghị luận xã hội năm nay tương đối khó và mang tính mở rất cao. Học sinh được đặt trong một chủ đề được gọi tên, để từ đó bày tỏ những suy nghĩ của bản thân mình. Ở đây, theo tôi, học sinh không chỉ bàn luận một vấn đề mang tính giáo điều, tư tưởng mà khi đặt vấn đề trong hoàn cảnh xã hội, các em phải có những suy nghĩ, trăn trở để từ đó rút ra cho bản thân những bài học và hành động thiết thực”, thạc sĩ Tuấn Huy nói.
Thạc sĩ Tuấn Huy nhấn mạnh: “Điểm sáng nhất trong đề thi năm nay có lẽ là phần nghị luận văn học không hề áp đặt. Chẳng hạn, mọi năm học sinh sẽ là những người thợ ngôn từ tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của một đơn đặt hàng thì năm nay là một đơn hàng chỉ mang tính gợi và trao trọn sự lựa chọn, sáng tạo và tìm kiếm khai phá những cảm xúc đích thực trong các em. Các em được làm chủ sự lựa chọn và cảm xúc của mình để tạo ra sản phẩm. Một đề văn tuyển sinh 10 không chỉ mang tính lựa chọn, thi thố mà còn khiến thí sinh thỏa mãn với những cảm xúc của mình. Khi chính các em được lựa chọn điều mình xúc cảm nhất để tạo ra sản phẩm mà chính mình được chịu trách nhiệm”.
Trong khi đó, thủ khoa khối C (văn, lịch sử, địa lý) năm 2021 Phan Thị Hương nhận xét, đề thi ngữ văn năm nay của TP.HCM vừa sức với các thí sinh. “Với chủ đề xuyên suốt về yêu nước, gia đình và những trải nghiệm trong cuộc cũng là đề tài khá quen thuộc, các thí sinh có thể dễ dàng triển khai cũng như lấy minh chứng trong bài văn của mình. Chủ đề ‘Để những suy nghĩ cất lên thành lời’ rất ý nghĩa, thông qua đó thấy được quan điểm, cách nhìn, cách thể hiện riêng của từng học sinh đối với các vấn đề trên. Tôi tin rằng mỗi thí sinh sẽ có một góc nhìn và cách triển khai khác nhau, tạo ấn tượng với ban giám khảo”, thủ khoa khối C Phan Thị Hương nói.