Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, các phương tiện giảng dạy và học tập hiện đại trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) góp phần đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề cao, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Học sinh, sinh viên thực hành tại phòng học thực hành đa năng – Khoa Cơ điện (Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa).
Năm 2022, Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa đã được bố trí 437 triệu đồng để hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị từ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để nâng cao chất lượng đào tạo và tham gia đào tạo cho các đối tượng người nghèo, người dân tộc thiểu số và lao động nông thôn. Theo đó, nhà trường đã tích cực phối hợp với các huyện trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các huyện miền núi thực hiện đào tạo nghề theo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 (xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi). Ngoài ra, Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa cũng tập trung nghiên cứu chế tạo, đầu tư, mua sắm trang thiết bị máy móc giúp sinh viên có điều kiện tiếp cận với máy móc hiện đại trong các giờ học. Tại khoa cơ điện, ngành điện công nghiệp, ngoài các phòng thực hành tiêu chuẩn còn được trang bị phòng học thực hành đa năng, học sinh, sinh viên đọc và phân tích được các bản vẽ thiết kế lắp đặt điện công nghiệp, dân dụng; lắp đặt, vận hành, kiểm tra, hiệu chỉnh, bảo dưỡng và sửa chữa hệ thống cung cấp điện, tủ phân phối điện, máy điện và thiết bị điện trong các nhà máy, xí nghiệp. Qua đó, giúp học sinh, sinh viên dễ dàng tiếp thu kiến thức và áp dụng vào thực tế…
Nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng môi trường học nghề thông minh, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa được đầu tư trang thiết bị phòng thí nghiệm về công nghệ thông tin, phần mềm hỗ trợ đào tạo, học tập, quản lý tại trường thuộc Dự án “Chính quyền điện tử và các dịch vụ thông minh” với số tiền 12,5 tỷ đồng. Sau một thời gian sử dụng, phòng học mô phỏng thuộc khoa công nghệ đã phát huy tốt chức năng, hỗ trợ quá trình giảng dạy của giảng viên, sinh viên trong khoa. Với các thiết bị thông minh giảng viên có thể số hóa bài giảng, mô phỏng những kiến thức về ô tô trên máy tính, giúp sinh viên dễ hiểu, dễ tiếp thu và rèn luyện kỹ năng quan sát, thực hành mô phỏng, lập trình. Đồng thời, hạn chế được những sai sót khi thực hành trên các mô hình thực tế… Hiện, phần lớn các phòng khoa chuyên môn trong trường đều đã có hệ thống phần mềm riêng phục vụ việc quản lý và giảng dạy.
Theo số liệu thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có 66 cơ sở GDNN, gồm 11 trường cao đẳng, 15 trường trung cấp, 31 trung tâm GDNN. Những năm gần đây, nhiều cơ sở GDNN đã thực sự coi trọng chất lượng đào tạo, từng bước phấn đấu trở thành cơ sở đào tạo chất lượng cao, gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Vì vậy, số lượng người đăng ký tham gia học nghề ngày càng tăng; tỷ lệ người học sau tốt nghiệp các trường cao đẳng, trung cấp, các trung tâm GDNN có việc làm cao, thu nhập ổn định. Chủ trương xã hội hóa về GDNN được phát triển, đa dạng về loại hình và trình độ đào tạo. Đặc biệt, các chương trình mục tiêu, các dự án hàng năm từ nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương đã mang lại hiệu quả thiết thực cho các cơ sở GDNN được thụ hưởng, góp phần trang bị thêm máy móc, thiết bị hiện đại, tiên tiến đáp ứng nhu cầu xã hội trong đào tạo nghề, đưa chất lượng đào tạo các ngành, nghề trọng điểm nhanh chóng tiếp cận mục tiêu chuẩn về trình độ tay nghề quốc gia và khu vực ASEAN.
Cụ thể: Giai đoạn 2016-2020, ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, kiểm định chất lượng cơ sở GDNN, kiểm định chương trình đào tạo từ nguồn chương trình mục tiêu GDNN – việc làm và an toàn lao động cho 5 trường, với tổng kinh phí là 37 tỷ đồng, trong đó đầu tư cơ sở vật chất 2 tỷ đồng, mua sắm thiết bị đào tạo 34.725 tỷ đồng, kiểm định chất lượng cơ sở GDNN 170 triệu đồng, kiểm định chương trình đào tạo 105 triệu đồng… Từ năm 2021 đến nay, các cơ sở GDNN đã và đang triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và các chương trình mục tiêu quốc gia với tổng mức đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương đạt trên 169,41 gồm: Dự án “Đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa” với tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng; hỗ trợ kinh phí thực hiện tiểu dự án Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 cho Trường Cao đẳng nghề Nghi Sơn với tổng mức đầu tư là 57,5 tỷ đồng và Trường Trung cấp nghề Nga Sơn trên 41,91 tỷ đồng…
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc huy động các nguồn lực đầu tư cho GDNN vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới. Thêm vào đó, ngân sách Nhà nước đầu tư cho GDNN những năm gần đây tuy có tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa tương xứng với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; nhiều địa phương chưa ưu tiên nguồn lực đầu tư cho phát triển GDNN; nhiều trường dạy nghề thiếu thiết bị, công nghệ cao trong thực hành nên chất lượng đào tạo còn chưa cao.
Thực hiện Quyết định số 2239/QĐ-TTg, ngày 30-12-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 136/KH-UBND về triển khai, thực hiện chiến lược trên địa bàn tỉnh. Với mục tiêu phát triển nhanh GDNN nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển tỉnh nhà trong từng giai đoạn; khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng lao động qua đào tạo nghề, tăng cường hợp tác đào tạo giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tham gia đầu tư vào hoạt động GDNN… Phấn đấu đến năm 2025 chất lượng đào tạo của một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%. Đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%. Tầm nhìn đến năm 2045 trở thành tỉnh phát triển về GDNN của miền Trung, cả nước và khu vực ASEAN, bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo.
Để tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN, tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Thời gian tới, các ban, sở, ngành liên quan và các địa phương tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng; trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GDNN; gắn kết chặt chẽ các cơ sở GDNN với doanh nghiệp và thị trường lao động và phát triển GDNN đáp ứng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất, hiện đại hóa trang thiết bị đào tạo nghề. Ứng dụng khoa học công nghệ, hướng nghiệp, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, tăng cường hợp tác quốc tế, đổi mới chương trình đào tạo. Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý trong GDNN. Truyền thông, nâng cao hình ảnh, thương hiệu và giá trị xã hội của GDNN. Tích cực tham mưu rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh theo hướng mở, linh hoạt, hình thành mạng lưới có đủ năng lực đào tạo nhân lực các cấp trình độ trong GDNN.
Bài và ảnh: Trần Hằng