Coi văn hóa là trụ cột cho phát triển du lịch bền vững, những năm qua, tại Quảng Ninh đã xuất hiện nhiều sản phẩm du lịch trình diễn khai thác tốt văn hóa truyền thống, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể. Hy vọng, đây sẽ là những bước đi đầu tiên đưa Quảng Ninh đến gần hơn với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp văn hóa.
Theo đánh giá của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tại Diễn đàn “Phát triển Du lịch văn hóa Việt Nam” diễn ra tháng 4/2023 tại Hà Nội, du lịch Việt Nam lâu nay mới khai thác văn hóa trên khía cạnh di sản vật thể, các điểm di tích mà bỏ ngỏ kho tàng di sản văn hoá phi vật thể.
Với đặc điểm là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác nên muốn phát huy các giá trị di sản văn hoá phi vật thể cần phải dựa vào cộng đồng dân cư, lấy người dân làm chủ thể. Đây cũng là cách làm của Bình Liêu, huyện miền núi biên giới phía Đông Bắc của tỉnh, một điểm sáng về phát triển du lịch văn hóa dựa vào cộng đồng.
Đưa văn hóa bản địa đến gần hơn với du khách
Xác định văn hóa là thế mạnh, là trụ cột cho du lịch phát triển, thời gian qua, huyện Bình Liêu đặc biệt coi trọng công tác nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng những nghi lễ, truyền thống văn hóa đang có nguy cơ bị mai một. Để biến các chất liệu văn hóa thành sản phẩm du lịch, phù hợp với sự tiếp nhận của đông đảo du khách, thời gian qua, Bình Liêu đã phối hợp với Công ty CP Đầu tư Du lịch Hà Nội (Hanoi Tourism) xây dựng, thiết kế các sản phẩm du lịch vừa độc đáo vừa gần gũi với du khách.
Ông Tô Đình Hiệu, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Truyền thông – Văn hóa huyện Bình Liêu, chia sẻ: Câu chuyện văn hóa được chúng tôi khai thác để kể cho du khách xuyên suốt trong 4 mùa. Mùa xuân – hạ chúng tôi có Ngày hội Văn hóa thể thao các dân tộc huyện Bình Liêu, bắt đầu với điệu hát giao duyên Soóng Cọ của người Sán Chỉ rồi đến Hội Kiêng Gió của người Dao Thanh Phán. Mùa thu – đông chúng tôi tiếp tục kể câu chuyện của Hội mùa vàng và Hội hoa Sở với điệu Hát then – đàn tính của người Tày.
Tại các hội và lễ hội, Bình Liêu trình diễn những tiết mục sân khấu hóa nét văn hóa, phong tục tập quán đặc trưng của đồng bào như trình diễn trang phục truyền thống, tái hiện lễ thôi nôi của người Tày, lễ cấp sắc của người Dao, phong tục cưới hỏi của các dân tộc… Những lát cắt văn hóa được mang tới du khách thường là trích đoạn của những nghi lễ đang được bà con thực hành trong cuộc sống thường nhật, không chỉ giới thiệu mà còn khơi gợi sự tò mò, mong muốn khám phá của du khách, thôi thúc du khách đi sâu vào các bản làng để tìm hiểu rõ hơn về những phong tục tập quán bản địa.
Đánh giá cao những chất liệu văn hóa của Bình Liêu, bà Nhữ Thị Ngần, Tổng Giám đốc Công ty Hanoi Tourism chia sẻ: “Những công ty du lịch như chúng tôi rất cần những địa phương có chất liệu văn hóa đậm chất, nguyên bản để đưa vào sản phẩm du lịch. Tuy nhiên không phải du khách nào cũng có thể hiểu hết ngôn ngữ, câu chuyện văn hóa đằng sau mỗi phong tục tập quán, chúng ta cần thay đổi lại cách tổ chức, cần sự giải thích, sự cách điệu hiện đại để văn hóa bản địa gần gũi với du khách hơn”.
Được biết, Hanoi Tourism còn phối hợp với Uỷ ban Nhân dân huyện Bình Liêu xây dựng những sản phẩm du lịch mang chiều sâu văn hóa như trải nghiệm ẩm thực, văn hóa diễn xướng hay trải nghiệm đời sống của bà con các dân tộc thiểu số, chuẩn hóa các sản phẩm du lịch, thực hiện các chương trình sự kiện để xúc tiến, quảng bá hình ảnh văn hóa của địa phương.
Phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, trình diễn
Thực tế cho thấy, để đưa các chất liệu văn hóa vào sản phẩm du lịch, cụ thể là sản phẩm du lịch văn hóa, trình diễn là bài toán khó. Lựa chọn chất liệu văn hóa nào và công chúng tiếp nhận sản phẩm văn hóa du lịch này là ai? sẽ quyết định tới việc sản phẩm du lịch văn hóa có diện mạo như thế nào.
Show diễn “Vũ điệu biển khơi” được đưa vào phục vụ du khách tham quan Vịnh Hạ Long trên du thuyền nhà hàng Paradise Delight từ tháng 4/2023 là show diễn nghệ thuật mang dấu ấn văn hóa Việt Nam đậm nét, được thiết kế dành riêng cho sản phẩm du lịch du thuyền trên Vịnh. Đến nay, đây vẫn là show diễn nghệ thuật thường nhật hiếm hoi trên Vịnh Hạ Long khai thác thành công yếu tố văn hóa Việt Nam, giới thiệu hình ảnh và con người Quảng Ninh qua ngôn ngữ nghệ thuật và chạm được tới sự cảm nhận chung của du khách quốc tế.
“Vũ điệu biển khơi” gói ghém trong đó truyền thuyết rồng hạ, cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ và phác họa những người dân chài hào sảng. Đạo diễn Hoàng Nhật Nam, đạo diễn nghệ thuật show trình diễn đa phương tiện chia sẻ: “Vũ điệu biển khơi sử dụng nhân vật tượng hình là Tráng sĩ rồng, để kể câu chuyện về vùng đất được tạo tác từ xa xưa, trải qua những năm tháng đấu tranh, thách thức từ thiên nhiên. Với sự độ trì của đất trời, vùng đất đó đã tỏa sáng và người dân có được cuộc sống bình yên bên bờ biển xanh.”
Thông qua ngôn ngữ của âm nhạc, vũ đạo, ánh sáng, ngôn ngữ của sân khấu, du khách có thể hiểu được phần nào về văn hóa và vẻ đẹp của Quảng Ninh. Điểm cộng của show diễn là sự trọn vẹn và vừa vặn khi đạo diễn kết hợp đa dạng các loại hình nghệ thuật để mang tới trải nghiệm đa giác quan cho du khách. Quan trọng hơn, dù du khách có đến từ những nền văn hóa khác nhau, nói những ngôn ngữ khác nhau thì sự tiếp nhận của họ với thông điệp của sản phẩm nghệ thuật này vẫn là nhất quán.
Ông Nguyễn Hữu Tân, Trưởng Ban sản phẩm dịch vụ Công ty Du lịch Vietravel chi nhánh TP Hồ Chí Minh đánh giá: Tôi không nghĩ rằng show diễn “Vũ điệu biển khơi” lại có thể đáng kinh ngạc đến vậy. Show diễn mang lại cho tôi cảm xúc rất rõ ràng khi giới thiệu được lịch sử của Hạ Long. Những nội dung khiến du khách phải trầm trồ. Có thể nói show diễn đã tiệm cận với đẳng cấp quốc tế, đủ khả năng để thuyết phục khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, đến Quảng Ninh để cảm nhận.
Xây dựng những chương trình nghệ thuật quảng bá văn hóa, lịch sử, truyền thống và bản sắc dân tộc như “Vũ điệu biển khơi” tại các điểm du lịch là vô cùng thiết thực, ý nghĩa, góp phần kích hoạt và hỗ trợ sự phát triển cho ngành du lịch trong thời đại hội nhập quốc tế.
Thưởng thức những show nghệ thuật truyền thống góp phần làm dày trải nghiệm của du khách và tạo sự khác biệt, ấn tượng cho du khách khi đến Quảng Ninh. Ông Eduardo Pozo Tome, Giám đốc thương mại Công ty Du lịch Asian Continent cho biết: Tôi nghĩ sản phẩm này rất phù hợp với các buổi làm việc gặp gỡ đối tác hay các chuyến công tác kết hợp nghỉ dưỡng. Đây là một sản phẩm du lịch khác biệt và độc đáo, một sản phẩm mới sau Covid-19.
Quảng Ninh có trên 360 di sản văn hoá phi vật thể đã được kiểm kê với 6 di sản nằm trong danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Đây chính là nguồn tài nguyên vô giá cho phát triển du lịch, tuy nhiên từ di sản văn hoá phi vật thể đến sản phẩm du lịch văn hóa, sản phẩm du lịch trình diễn là một câu chuyện dài, cần phải có những chiến lược bài bản, với sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước, địa phương và doanh nghiệp.