Ảnh minh họa: Hưng Thịnh/TTXVN
Cụ thể, trong 5 tháng, Việt Nam xuất khẩu được 131.777 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 119.832 tấn, tiêu trắng đạt 11.945 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 408,9 triệu USD; trong đó, tiêu đen đạt 354,1 triệu USD, tiêu trắng đạt 54,7 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái lượng xuất khẩu tăng 30%, tuy nhiên giá trị xuất khẩu giảm 12,7%. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen đạt 3.443 USD/tấn, tiêu trắng đạt 4.955 USD/tấn, giảm lần lượt 21,7% và 18,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Về thị trường, xuất khẩu sang khu vực châu Á tiếp tục là điểm sáng, đạt 78.907 tấn, tăng 77,2% và chiếm 59,9% tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam; trong đó Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính đạt 46.169 tấn, chiếm 35% và tăng 1.668,9% so với cùng kỳ năm 2022, xuất khẩu vào Philippines đạt 3.305 tấn, tăng 26,1%. Cũng tại khu vực châu Á nhưng xuất khẩu hồ tiêu sang Ả Rập 5 tháng đầu năm 2023 giảm 25,3%, đạt 6.230 tấn; xuất khẩu sang Ấn Độ đạt 4.989 tấn, giảm 40,7%. Xuất khẩu sang khu vực châu Phi tăng 38,9%; trong đó, Ai Cập đạt 2.179 tấn, tăng 140%; Senegal đạt 1.523 tấn, tăng 104,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở khu vực châu Mỹ, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam 5 tháng đầu năm giảm 13,1% chiếm 18% thị phần; trong đó, lượng xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm 15,5% đạt 21.093 tấn. Khu vực EU hiện chiếm 16,8% tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam nhưng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng giảm 9,4% so với cùng kỳ.
Về nguyên nhân xuất khẩu hồ tiêu vào Hoa Kỳ và EU sụt giảm, bà Hoàng Thị Liên Chủ tịch VPA lý giải, các nhà mua hàng khu vực này có tâm lý chờ đón thêm hàng vụ mới từ Indonesia (tháng 7-8 và) Brazil với hy vọng giá mua giảm xuống. Ngoài ra, lượng hàng tồn từ các năm trước đang còn cũng giúp cho các nhà mua từ EU và Hoa Kỳ nấn ná chưa vội tham gia thị trường trong 5 tháng qua.
Phân tích về vấn đề cạnh tranh, bà Hoàng Thị Liên cho biết, hai quốc gia cạnh tranh xuất khẩu với Việt Nam và có tác động đến giá hồ tiêu thế giới là Indonesia và Brazil. Tuy nhiên, Indonesia đang trong thời kì thoái trào cây tiêu. Số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC) năm 2021 sản lượng tiêu cho thấy Indonesia đạt 83.000, năm 2022 đạt 65.000 tấn và năm 2023 giảm xuống còn 55.000. Theo đánh giá từ đối tác và khách hàng, số liệu của IPC vẫn quá cao so với thực tế vì ở Indonesia hiện nay người dân không mặn mà với cây tiêu trong bối cảnh giá cà phê tốt hơn, đồng thời có sự chuyển dịch phổ biến hơn sang cây cọ.
Theo bà Hoàng Thị Liên, tiêu Brazil luôn cạnh tranh về giá hơn tiêu Việt Nam nhưng đang bị kiểm soát về vấn đề nhiễm vi khuẩn Samonella ở thị trường EU nên hàng của Việt Nam tương vẫn có lợi thế ở thị trường này. Gần đây để đa dạng thị trường, tiêu Brazil cũng đã dần xuất hiện tại Trung Đông và châu Phi với giá chào thấp hơn Việt Nam nhờ có lợi thế về chi phí vận tải, vị trí địa lý.
Dự báo trong thời gian tới Việt Nam sẽ tiếp tục bị Brazil cạnh tranh rất lớn về giá trên thị trường. Đó là chưa kể đến việc Brazil có thể tăng nhanh sản lượng, có nhiều vườn tiêu mới trong khi tiêu của Việt Nam đang ở vào giai đoạn khai thác vườn lâu năm. Nếu giá tiêu không đủ cạnh tranh với các loại cây trồng khác để khuyến khích trồng mới, tái canh và tăng diện tích thì dự báo sản lượng tiêu Việt Nam những năm tới có thể giảm.
Với tâm lý chờ đơn hàng từ thị trường như hiện nay, VPA khuyến cáo doanh nghiệp cần cân nhắc và tỉnh táo, cẩn trọng đánh giá khả năng tài chính khi ký hợp đồng số lượng lớn, giao xa, với giá thấp. Nguyên nhân là khi vào vụ thu hoạch, giá tiêu các nước sẽ hạ xuống nhưng đến thời điểm doanh nghiệp cần giao hàng thì giá đã tăng, không mua đủ để giao sẽ gặp rủi ro và tổn thất như đã xảy ra trong vụ mùa 2022, ảnh hưởng đến uy tín kinh doanh. Ngoài ra, doanh nghiệp cần chủ động trong việc tìm kiếm thị trường mới, tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế và đăng ký sớm để có vị trí tốt, kết nối với khách hàng trước sự cạnh trạnh của các nước sản xuất khác như Brazil, Indonesia, Sri Lanka…