Dưới hang sâu 220 m, trung tá Nguyễn Chí Thành “cô đơn tột cùng”, nhưng nghĩ đến nạn nhân nằm lạnh lẽo 3 năm qua nên vội đào bới, lượm từng đoạn xương mang lên.
Câu chuyện tìm kiếm nạn nhân dưới hang sâu được trung tá Nguyễn Chí Thành, Đội phó Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (Công an TP HCM) chia sẻ trong phóng sự phát tại hội nghị Tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc ở Hà Nội, sáng 11/6. Anh kể nạn nhân mất đã 3 năm, hài cốt vẫn nằm dưới hang sâu 220 m ở Hà Giang. Tháng 12/2019, khi tổ chức tìm kiếm, lực lượng cứu hộ cần người có kinh nghiệm, bản lĩnh xuống đó bởi có đoạn lòng hang chỉ rộng 50 cm.
Anh Thành khi ấy xung phong với suy nghĩ “nếu mình không xuống thì nạn nhân mãi nằm lạnh lẽo ở đó, nỗi đau người thân không bao giờ vơi”. Mò mẫm hơn hai tiếng mới tiếp cận được vị trí, trung tá Thành cảm nhận “cô đơn trong sợ hãi tột cùng”. Do hài cốt đã bị lớp đất đá vùi sâu hơn một mét, anh phải dùng tay cào bới rồi lượm lặt xương cốt đưa lên. Nhìn giọt nước mắt của người nhà nạn nhân khi nhận hài cốt, anh hiểu vất vả mà mình trải qua không vô nghĩa.
22 năm làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn, trung tá Thành nói động lực luôn thôi thúc anh lao vào nơi nguy hiểm là tiếng kêu cứu của nạn nhân hay những giọt nước mắt người thân của họ. “Cứu cái còn trong cái mất hoặc chí ít tìm được một phần của nạn nhân để mình cũng an lòng. Chết ai cũng sợ, nhưng vì nhiệm vụ, người dân cần thì mình luôn sẵn sàng”, anh nói qua phóng sự. Không hiếm lần, người lính cứu hộ rơi từ tầng 3 xuống đất, trên người chằng chịt vết thương, viêm da, viêm phổi mãn tính phải đi chích thuốc điều trị 3-6 tháng.
Dày kinh nghiệm cùng bản lĩnh, tháng 2/2023, trung tá Thành được Bộ Công an tuyển chọn cùng Đoàn công tác Cứu hộ cứu nạn của công an Việt Nam tham gia tìm kiếm các nạn nhân thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại hội nghị, gần 1.200 đại biểu lặng đi khi xem phóng sự thể hiện tình yêu lẫn hy sinh thầm lặng của trung tá quân y Phạm Văn Hướng (Nhà giàn DK1/20, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân) và vợ Ngô Thị Hiên. Gần 30 năm gắn bó với biển đảo, anh Hướng cũng như nhiều đồng đội hải quân đang làm nhiệm vụ nơi đảo xa lẫn nhà giàn DK1 thường vắng mặt trong những sự kiện trọng đại của gia đình. Khi cha mẹ, con cái đau ốm, vợ anh phải gánh vác hết.
Trung tá Hướng nói mình khổ ít, vợ con khổ nhiều hơn. Nhưng nhà ai cũng có vất vả riêng, anh chỉ có thể động viên gia đình bằng lời nói, thư từ, điện thoại, khó trực tiếp đỡ đần. “Dù khó khăn thế nào người lính cũng sẽ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, chốt giữ nhà giàn DK1 bảo vệ Tổ quốc”, anh chia sẻ.
Gần 30 năm yêu lẫn làm vợ, chị Ngô Thị Hiên thường gửi gắm nỗi nhớ chồng qua những lá thư theo tàu ra biển và giờ là những cuộc điện thoại đôi lúc bập bõm vì sóng kém. Chị hiểu công việc của anh, ví tình cảm vợ chồng như câu chuyện giữa thuyền và biển. Đôi lúc chị vẫn trêu chồng “nhà là quán trọ, biển khơi mới thực sự là nhà của anh”.
Trong 700 đại biểu đại diện tập thể, cá nhân tiêu biểu được tuyên dương, có nhiều gương mặt quen thuộc với công chúng, như HLV Mai Đức Chung. Không nói nhiều về mình, ông Chung chia sẻ về tập thể, về cách ban huấn luyện luôn có cách khích lệ tinh thần thi đua của các nữ cầu thủ. Mỗi buổi tập, các cô gái được chia nhóm hoặc 1 đối 1, ai về nhất, nhì đều được thưởng. Phần thưởng có khi là chai nước ngọt nhưng luôn cổ vũ ý chí của cầu thủ.
Ông Chung nói thách thức lớn nhất với tuyển nữ trong kỳ World Cup tháng 7-8 tới là sự góp mặt của toàn đội mạnh như Mỹ, Thụy Sĩ, Bồ Đào Nha. Các cô gái Việt với thể lực, chiều cao kém hơn có thể gặp bất lợi, song đây cũng là dịp mà quốc ca Việt Nam được hát vang ở giải bóng đá lớn nhất hành tinh. “Chặng đường ở World Cup không dễ đi, thành tích có thể không như kỳ vọng, nhưng toàn đội tuyển sẽ cố gắng hết mình để lại dấu ấn trong từng trận đấu”, ông nói.
Xuất hiện trên sân khấu, Nguyễn Thị Oanh, cô gái vàng của làng điền kinh Việt Nam, nói tinh thần yêu Tổ quốc, đồng bào là nguồn động lực cổ vũ cô mỗi ngày trong thi đấu. Già làng K’Tiếu (Lâm Đồng), gương điển hình tiên tiến trong vận động người dân hiến đất làm đường, gõ điệu cồng chiêng khuấy động hội trường.
Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Thanh Đạo, phi công chiến đấu từng lái Mig-21, cũng như anh hùng Ngô Thị Tuyển, nữ dân quân năm xưa khiến thế giới kinh ngạc khi vác hai hòm đạn nặng gần một tạ, bày tỏ sự tin tưởng vào thế hệ trẻ sẽ nối tiếp tinh thần thi đua ái quốc của cha ông. Bà Tuyển nói lòng yêu nước, tinh thần thi đua luôn có sẵn trong máu người Việt từ trẻ đến già. Bà tin thế hệ trẻ được học hành đầy đủ, sẵn sàng tiếp thu cái mới có thể gánh vác trọng trách đưa đất nước đi lên và sẽ làm tốt hơn thế hệ cha anh.
Biểu dương các gương điển hình, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại lời kêu gọi thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh 75 năm trước như lời hiệu triệu non sông, trở thành động lực đưa dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Từ kháng chiến đến hòa bình, các phong trào thi đua ngoài gắn kết sự chung sức, đồng lòng của cả nước còn tạo nên sức mạnh vật chất, tinh thần to lớn thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng tin nhiều cá nhân dù chưa được xướng tên hôm nay vẫn ngày đêm lặng lẽ cống hiến như câu hát “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai” và xứng đáng được tôn vinh. Ông giao nhiệm vụ cho các cấp, các ngành đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; thi đua cần có trọng tâm, trọng điểm, tránh phô trương, hình thức, lợi dụng cho mục đích cá nhân hay lợi ích nhóm…
Thủ tướng cũng dặn dò các điển hình tiên tiến không được thỏa mãn mà cần giữ nhiệt huyết, cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng, đất nước. “Trọng trách này đặt lên vai các bạn, đạt được sự tôn vinh đã khó, giữ được danh hiệu lẫn lòng yêu mến còn khó hơn. Tôi mong mỗi điển hình tiên tiến như những bông hoa tỏa hương sắc, truyền cảm hứng về những điều tốt đẹp”, ông nói.
Hồng Chiêu