Lịch sử phát triển của tỉnh Quảng Ninh gần 100 năm qua luôn gắn kết chặt chẽ với lịch sử ngành Than. Hiếm có ngành công nghiệp nào có tổ nghề như ngành Than và Quảng Ninh vinh dự là nơi ra đời của ngành nghề này.
Theo sử liệu nhà Nguyễn, thời Minh Mạng rồi Thiệu Trị, các quan hệ thương mại với nước ngoài, nhất là phương Tây bị hạn chế. Đó là một khó khăn cho sự phát triển kinh tế, thương mại của Quảng Yên vốn có thế mạnh về kinh tế biển. Những năm 30-40 của thế kỷ XIX, nông nghiệp của Quảng Yên cũng gặp nhiều khó khăn. Vùng thị xã Quảng Yên và Đông Triều ngày nay diện tích đất hoang hoá lên tới hơn 10.000 mẫu.
Bù lại, nghề đánh cá biển rất phát triển. Triều đình lập ra các sở tuần ty để thu thuế củ nâu, gỗ tạp, môn bài… Giai đoạn này, trên địa bàn tỉnh Quảng Yên đã ra đời nhiều chợ, khu phố, trong đó lớn nhất là phố Thác Mang (Móng Cái ngày nay) với nhiều dãy nhà xây, lợp ngói.
Vào đầu thế kỷ XIX, do ít nhiều tiếp xúc với tư bản phương Tây và nền kinh tế của họ nên nghề khai thác mỏ đã được nhà nước chú ý hơn. Nửa đầu thế kỷ XIX, cả nước có hơn 120 mỏ quặng kim loại được khai thác. Tại Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đang lưu bức dụ ngày 10/1/1840 của vua Minh Mạng, với nội dung cho phép Tổng đốc hạt Hải Yên (Hải Dương và Quảng Yên) là Tôn Thất Bật khai thác than đá ở núi Yên Lãng, xã Yên Thọ, huyện Đông Triều (nay là phường Yên Thọ, thị xã Đông Triều).
Sau nhiều hội thảo và tọa đàm, tính xác thực và khoa học của bức dụ này đã được công nhận. Bức dụ cổ đặc biệt quan trọng và quý giá đối với ngành than – khoáng sản Việt Nam, bởi tính nhân văn của nó: Việc phát hiện ra than đá và những người đầu tiên đã khai thác than đá ở Đông Triều đều là người Việt Nam. Trong triều vua Minh Mạng, đã có lần triều đình cho vận chuyển 10.000 cân than về kinh đô Huế.
Như vậy là từ năm 1840, nhà nước mới đứng ra khai thác than đá với quy mô lớn, nhưng từ trước đó, nhân dân đã biết khai thác than đá. Các tài liệu để lại cho biết, công cuộc khai thác than đá này đã bước đầu tạo ra đội ngũ thợ mỏ ở địa phương – những “công nhân mỏ” đầu tiên tại Việt Nam – trước khi Triều đình nhà Nguyễn ký bán khu mỏ Đông Triều cho người Pháp để lập Công ty Than Đông Triều vào năm 1888.
Năm 2008, UBND tỉnh Quảng Ninh đã công nhận di tích Địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam tại núi Yên Lãng là di tích lịch sử cấp tỉnh. Nơi đây giờ trở thành nơi du lịch về nguồn của ngành Than Việt Nam.
Từ giữa thế kỷ XIX trở đi, ở Quảng Ninh mới có một vài công trường khai thác mỏ than đá với quy mô nhỏ hẹp và phương pháp lạc hậu. Người đứng làm trung gian khai thác hoặc là thương nhân Trung Quốc (số đông) hoặc là quan lại, thổ tù ở địa phương. Nhân công trong các công trường của thương nhân Trung Quốc chủ yếu là người Hoa từ Vân Nam, Quế Châu sang.
Với các công trường của người Việt, nhân công phần lớn là dân lưu tán. Than khai thác, hoặc chở về Trung Quốc bán, hoặc bán cho các chủ lò rèn, lò vôi trong nước. Triều đình mua lại khi thấy cần thiết sau khi đã thu thuế của họ. Trong các công trường, quan hệ sản xuất chưa phải là chủ – thợ. Công nhân khai thác chưa phải là nhân công hợp đồng mà chỉ là người tự do, làm việc theo thời vụ.
Nhìn chung, giai đoạn trước khi thực dân Pháp xâm lược nước ta (1858), nghề khai thác mỏ ở Quảng Ninh chưa có điều kiện phát triển.