SGGP
Ngày 10-6, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm, kiểm tra ứng trực tìm kiếm cứu nạn tại Cục Cứu hộ – Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam), Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Ngày 10-6, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới thăm, kiểm tra công tác ứng trực tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tại Cục Cứu hộ – Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) – Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia |
Tham dự chương trình làm việc có Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang.
Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo Cục Cứu hộ – Cứu nạn cho biết, từ năm 1996 đến nay đã tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương ứng phó khắc phục 222 cơn bão, 84 áp thấp nhiệt đới và gần 63.600 sự cố, thiên tai, dịch bệnh. Với việc điều động hơn 3,4 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia, lực lượng quân đội đóng vai trò chủ đạo trong công tác cứu nạn, cứu hộ. Trong đó, lực lượng quân đội đã cứu được gần 57.000 người và gần 5.000 phương tiện các loại… Quá trình thực hiện nhiệm vụ đã có 66 cán bộ, chiến sĩ quân đội hy sinh.
Sau khi nghe báo cáo tình hình hoạt động, qua hệ thống vệ tinh VSAT, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã kiểm tra ứng trực tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ bằng hình thức trực tuyến với lực lượng quân đội đang trực tiếp cứu nạn, cứu hộ. Trong đó tại khu vực phía Đông Nam đảo Phú Quý, vào đêm 9-6 có một tàu cá gồm 5 ngư dân bị chìm. Nhận được tin báo từ lực lượng tuần tra, Cục Cứu hộ – Cứu nạn đã tham mưu Bộ Tổng Tham mưu phối hợp các cơ quan chức năng cử tàu của cảnh sát biển ra tìm cứu.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá cao và biểu dương những đóng góp của cán bộ, chiến sĩ trong công tác phòng thủ dân sự, khắc phục hậu quả chiến tranh, ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn trong suốt thời gian qua. Trong thời gian tới, Cục Cứu hộ – Cứu nạn, Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cần tham mưu kiện toàn hệ thống tổ chức, lực lượng phòng thủ dân sự các cấp đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền kiến thức, kỹ năng cho các lực lượng và toàn dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác phòng thủ dân sự, xem đó là một bộ phận của phòng thủ đất nước, là một nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, gắn với thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia, các vùng, ngành, địa phương. Từ đó, nâng cao nhận thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức và cộng đồng, góp phần trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phối hợp thông tin kịp thời, chính xác, trước và trong khi có thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, giúp chính quyền và người dân chủ động trong phòng ngừa, ứng phó.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng yêu cầu phải làm tốt việc tham mưu hướng dẫn xây dựng chiến lược, kế hoạch phòng thủ dân sự các cấp, chuẩn bị các biện pháp ứng phó, khắc phục phù hợp trong từng cấp độ phòng thủ dân sự. Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng”, chủ động, chuẩn bị từ sớm, từ xa, từ trước khi xảy ra thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh. Đầu tư trang thiết bị, phương tiện cho các tình huống; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH-CN; nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế trong phòng thủ dân sự, trong chuyển giao công nghệ, chia sẻ thông tin, dự báo thảm họa, thiên tai, hỗ trợ các nguồn lực tài chính, trang thiết bị, năng lực, kinh nghiệm trong ứng phó với sự cố, thảm họa, thiên tai và biến đổi khí hậu. Tích cực tham gia nghĩa vụ quốc tế, khẳng định chính sách đối ngoại, trách nhiệm cao trước cộng đồng quốc tế của Việt Nam, khẳng định uy tín, tinh thần trách nhiệm và năng lực của Quân đội nhân dân Việt Nam trong hội nhập, hợp tác quốc tế.