08:41, 11/06/2023
Tây Nguyên là một trong những khu vực có sự đa dạng về động vật quý hiếm, tuy nhiên tình trạng săn bắt và buôn bán trái pháp luật các loài động vật hoang dã liên tục diễn ra đang làm gia tăng nguy cơ tuyệt chủng của nhiều giống, loài quý hiếm, gây mất cân bằng sinh thái và môi trường sống…
Nhiều loài có nguy cơ bị xóa sổ
Diện tích rừng Tây Nguyên rất rộng lớn, với 2,57 triệu ha, chiếm 17,5% diện tích có rừng toàn quốc, đây cũng là nơi tập trung động vật hoang dã phong phú và giàu có nhất cả nước. Trong đó, Đắk Lắk là một trong những tỉnh có tính đa dạng sinh học cao, hệ sinh thái rừng tự nhiên của tỉnh là nơi cư ngụ của nhiều loài động vật hoang dã, bao gồm một số loài quý hiếm, nguy cấp, có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới.
Cụ thể: có 35 loài quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng hoặc bị đe dọa trên toàn cầu theo đánh giá của Liên minh Quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN) năm 2012; có 71 loài quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng hoặc bị đe dọa ở Việt Nam theo Sách đỏ năm 2007; có 75 loài quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng, cấm khai thác theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP, ngày 22/1/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Mô hình du lịch thân thiện không cưỡi voi tại Vườn Quốc gia Yok Đôn đã góp phần bảo tồn động vật hoang dã này trước nguy cơ tuyệt chủng. |
Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng động vật hoang dã đứng trước nguy cơ tuyệt chủng là do việc săn bắn, bẫy bắt, buôn bán, xuất khẩu trái phép; giết mổ các loài động vật hoang dã tại các nhà hàng, quán ăn diễn ra ngày càng nghiêm trọng do đem lại lợi nhuận rất cao. Cùng với đó là tập quán đốt phá rừng làm nương rẫy đã hủy hoại nghiêm trọng môi trường sống của các loài động vật hoang dã, trong đó có một số loài nguy cơ bị tuyệt chủng…
Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh (VCCI-HCM) cho biết, Việt Nam được xem là quốc gia cung ứng, trung chuyển và là thị trường tiêu thụ trong chuỗi buôn bán động, thực vật hoang dã trái phép toàn cầu. Các loại hàng hóa giá trị cao từ động vật hoang dã nguy cấp bị buôn bán trái phép bao gồm: ngà voi, thịt và vảy tê tê, sừng tê giác và các sản phẩm từ các loài mèo lớn. Những sản phẩm này hiện đang được khá nhiều người sử dụng làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh, đồ trang sức, thời trang, quà tặng… Việc gia tăng nhu cầu và hành vi sử dụng những sản phẩm này đã trở thành mối đe dọa cho sự sinh tồn và phát triển bền vững của các quần thể động vật hoang dã này.
Hai đối tượng dùng súng săn, bẫy thú để săn bắt động vật hoang dã bị bắt tại Vườn Quốc gia Chư Yang Sin. Ảnh: Vạn Tiếp |
Theo Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk, từ năm 2019 đến nay, đơn vị đã bắt giữ và xử lý 46 vụ vi phạm, tịch thu 44 cá thể và 325 kg động vật hoang dã. Mặc dù vậy, các hành vi vi phạm pháp luật trong mua, bán, vận chuyển động vật hoang dã vẫn diễn ra phức tạp, thủ đoạn phạm tội và vi phạm ngày càng tinh vi, liều lĩnh, manh động và thách thức là rất lớn. Bên cạnh đó, nhận thức của nhiều người về sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã vẫn chưa được thay đổi, vẫn đang có xu hướng gia tăng, trong khi các quy định của pháp luật về động vật hoang dã vẫn còn nhiều bất cập, nhiều vấn đề chưa được hướng dẫn, giải thích một cách cụ thể; chồng chéo về việc phân định chức năng, nhiệm vụ trong công tác quản lý, bảo vệ động vật hoang dã… Đây là những hạn chế gây rất nhiều khó khăn cho công tác bảo vệ động vật hoang dã.
Trách nhiệm bảo tồn và ứng xử văn minh
Trong nhiều năm qua, Đắk Lắk đã có những hành động tích cực để bảo tồn các loài động vật hoang dã với nhiều hình thức như tuyên truyền, kiểm tra, xử lý để ngăn chặn các hành vi vi phạm… Qua công tác tuyên truyền, từ năm 2019 đến nay đã tiếp nhận và xử lý 62 cá thể động vật rừng nguy cấp, quý hiếm do người dân tự nguyện giao nộp, trong đó có nhiều loài cực kỳ nguy cấp, quý hiếm, nhiều loài thuộc nhóm IIB phụ lục CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp)… Và các cá thể này đã được Chi cục Kiểm lâm hoàn thành thủ tục thả về tự nhiên.
Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk cho biết, mặc dù đã có nhiễu nỗ lực trong việc bảo tồn các loài động vật hoang dã, tuy nhiên để ngăn chặn hoạt động buôn bán, hoặc ít nhất là giảm thiểu hoạt động này, chúng ta cần sự chung tay phối kết hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và các tổ chức, người dân trong việc tăng cường kiểm soát những hành vi này và đồng thời triển khai các hoạt động giáo dục, thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã. Khi không còn nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã, nguy cấp, hoạt động buôn bán trái phép này chắc chắn sẽ chấm dứt.
Hoạt động trải nghiệm cưỡi voi tại Trung tâm Du lịch Cầu treo Buôn Đôn đã được chấm dứt hoàn toàn nhằm bảo tồn đàn voi nhà. |
Theo Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã không chỉ là cuộc khủng hoảng về môi trường, mà còn là sự gia tăng đáng báo động của loại hình tội phạm có tổ chức, gây lũng đoạn kinh tế… Ngoài ra, vấn nạn này còn làm ảnh hưởng đến quá trình tiến đến những mục tiêu phát triển bền vững mà các quốc gia đang theo đuổi.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phòng, chống vận chuyển, buôn bán các loài hoang dã nguy cấp, quý hiếm, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, chiến lược, đồng thời tăng cường thực thi pháp luật nhằm ngăn chặn các hoạt động xâm hại đến động vật, thực vật hoang dã. Các cơ quan thực thi pháp luật cũng đã đẩy mạnh việc phối hợp, tăng cường phòng chống buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức trong bảo vệ động vật hoang dã và vấn đề này cần được xác định và đề cao hơn trong các chương trình nghị sự, chính sách quốc gia. Cách tiếp cận này sẽ huy động được sự tham gia rộng rãi của cả các cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và người dân để giải quyết tận gốc vấn đề buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã.
Theo ông Nguyễn Đức Bình, Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp nhỏ và vừa (thuộc VCCI-HCM), đơn vị đã kết nối được nhiều doanh nghiệp trên cả nước tham gia hoạt động bảo vệ động vật hoang dã với các cam kết, như: không tham gia các hoạt động buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật; ban hành các quy định nội bộ, chính sách thể hiện quan điểm “nói không” với buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã; khuyến khích khách hàng, đồng nghiệp, người thân, bạn bè và đối tác không ủng hộ việc buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật… nhằm bảo vệ bền vững hệ sinh thái nói chung và động vật hoang dã nói riêng. |
Minh Thuận