Phạm Thị Y Hòa luôn đam mê nghề dệt thổ cẩm.

Cầm trên tay chiếc áo cưới thổ cẩm cách tân mới hoàn thành cho khách, chị Phạm Thị Y Hòa-một người dân Làng Teng có nhiều duyên nợ với nghề dệt thổ cẩm, chia sẻ: “Nghề dệt thổ cẩm ở đây được xem là nghề “mẹ truyền con nối”, con gái lớn lên ai cũng cần phải biết dệt vải…”. Cũng như bao cô gái dân tộc Hơ Rê khác, ngay từ khi còn nhỏ, Y Hòa đã được tiếp xúc với khung dệt và học cách dệt từ bà, từ mẹ của mình. Năm 13 tuổi, Y Hòa đã kiếm sống được từ nghề dệt thổ cẩm. Chị đam mê dệt thổ cẩm từ ngày ấy và có thể suốt ngày ngồi bên khung dệt. Lớn lên, tuy đi học để trở thành cô giáo mầm non, thế nhưng Y Hòa vẫn không quên nghề dệt thổ cẩm và luôn trăn trở làm sao để phát triển nghề truyền thống. “Thổ cẩm làng mình đẹp, chất lượng tốt, không thua kém sản phẩm của nơi khác, thế nhưng tại sao vẫn cứ loay hoay ở địa phương, chưa được nhiều người nơi khác biết đến. Làm gì để bà con mình sống được với nghề dệt thổ cẩm?”, những câu hỏi ấy cứ đau đáu với Y Hòa. Để tự trả lời những câu hỏi mà mình đặt ra, chị tìm tòi, nghiên cứu và bắt đầu hành trình khởi nghiệp bằng nghề dệt thổ cẩm. Năm 2018, Y Hòa xác định chuyên tâm vào nghề dệt, chú trọng cải tiến hình thức, nâng cao chất lượng sản phẩm. Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, bên cạnh các sản phẩm thổ cẩm truyền thống, chị còn thiết kế, cho ra đời các sản phẩm cách tân hiện đại, bắt mắt, hợp xu thế. Sản phẩm thổ cẩm không chỉ dừng lại ở quần áo, khăn mà còn có túi xách, cà vạt, áo dài, trang phục đám cưới, đồ cách tân… Nhận thấy sự phát triển của mạng xã hội, thay vì sản xuất và chờ đợi du khách đến mua thổ cẩm như trước đây, Phạm Thị Y Hòa mạnh dạn đi đầu trong việc quảng bá sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử… Không dừng lại ở đó, khi có các hội chợ kết nối cung cầu, các triển lãm về thổ cẩm, trang phục đồng bào các dân tộc, Y Hòa đều chủ động tham gia nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm thổ cẩm Hơ Rê của quê hương mình. Đến nay, các sản phẩm do Y Hòa thiết kế được quảng bá và giới thiệu đến 14 quốc gia trên thế giới.

Phạm Thị Y Hòa chia sẻ: “Ước mong lớn nhất của mình là nghề dệt thổ cẩm của địa phương được mọi người biết đến nhiều hơn nữa, thổ cẩm Hơ Rê ngày càng vươn xa để có thể tạo việc làm, thu nhập ổn định cho bà con, đồng thời góp phần giữ gìn, phát huy nghề truyền thống của cha ông”.

Bài và ảnh: KIM ANH