(GLO)- Ngoài tác dụng bảo vệ môi trường, mô hình “Ngôi nhà xanh”, “Ngôi nhà 100 đồng” thu gom rác thải do các hội, đoàn thể huyện Ia Pa triển khai còn gây quỹ hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Những câu chuyện ấm tình người cũng được viết lên từ đó.
Nhân rộng mô hình
Hàng ngày, các loại phế liệu như: vỏ lon, chai nhựa, giấy vụn… sau khi sử dụng thường bị vứt bừa bãi, vừa lãng phí, vừa ảnh hưởng tới môi trường. Từ thực tế đó, đầu năm 2021, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Kim Tân ra mắt mô hình “Ngôi nhà xanh”.
Theo bà Nguyễn Thị Nương-Chủ tịch Hội LHPN xã, để huy động được sự chung tay của cả cộng đồng, “Ngôi nhà xanh” đặt tại các vị trí công cộng như trụ sở UBND xã, cổng trường học và thời gian tới là cổng chợ. Từ khi ra mắt đến nay, “Ngôi nhà xanh” của Hội LHPN xã đã gom bán phế liệu 4 lần, thu về hơn 2 triệu đồng. Số tiền này được dùng vào việc giúp đỡ 2 cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.
Mô hình “Ngôi nhà 100 đồng” của Hội Cựu chiến binh xã Ia Kdăm được đông đảo cán bộ, công chức xã cũng như hội viên cựu chiến binh hưởng ứng nhiệt tình. Ảnh: V.C |
Tương tự, tháng 1-2023, Đoàn xã Ia Tul ra mắt “Ngôi nhà xanh thu gom rác thải” để lấy kinh phí thực hiện mô hình “dân vận khéo” nhận đỡ đầu trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài việc thu gom rác thải nhựa ngay tại cơ quan, mỗi buổi sinh hoạt, đoàn viên, thanh niên còn mang theo rác tái chế đến ủng hộ. Ngoài ra, hàng tháng, Ban Chấp hành Đoàn xã tiến hành quyên góp thêm từ các cửa hàng, quán nước trong xã kết hợp tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia phòng-chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.
Cũng với mục đích trên, tháng 4-2023, Hội Cựu chiến binh xã Ia Kdăm triển khai mô hình “Ngôi nhà 100 đồng”. Mô hình được Đảng ủy, UBND xã và Hội Cựu chiến binh huyện đánh giá cao và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của hội viên cựu chiến binh.
Ông Kpă Hoang-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã-cho hay: “Hội tổng hợp kết quả “Ngôi nhà 100 đồng” theo quý, dự kiến đợt thu đầu tiên vào cuối tháng 6 này. Chúng tôi phối hợp với các trường học trong xã tìm hiểu, thống kê những học sinh có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ mua sách, vở, đồ dùng học tập chuẩn bị cho năm học mới. Thời gian tới, tùy theo nguồn vận động thêm từ các nhà hảo tâm, Hội có thể hỗ trợ xe đạp giúp các cháu có phương tiện đến trường”.
Lan tỏa những hành động đẹp
Theo chị Ksor H’Mrơn-Phó Bí thư Đoàn xã Ia Tul, nhờ có sự chung tay của mọi người, quý I-2023, từ việc bán rác thải tái chế, Đoàn xã hỗ trợ 2 em học sinh nhận đỡ đầu 300.000 đồng/em. Quý II, nhờ có sự hỗ trợ thêm kinh phí của Mạnh Thường Quân, Đoàn xã hỗ trợ 500.000 đồng/em.
Là 1 trong 2 học sinh được Đoàn xã Ia Tul nhận đỡ đầu, em Rah Lan Triệu (buôn Tơ Khế) vui mừng chia sẻ: “Không chỉ được hỗ trợ nhu yếu phẩm, năm nay, chuẩn bị vào lớp 1 nên em được anh chị đoàn viên mua tặng cặp, sách vở và đồ dùng học tập cần thiết. Các anh chị còn nhiệt tình dạy em học chữ, kể cho em nghe các câu chuyện cổ tích. Em hứa sẽ học giỏi để không phụ sự giúp đỡ của các anh chị”.
Đoàn xã Ia Tul nhận đỡ đầu em Rah Lan Triệu (buôn Tơ Khế) nhờ nguồn kinh phí thu được từ Ngôi nhà xanh thu gom rác thải. Ảnh: Vũ Chi |
Cũng nhờ Hội LHPN xã Kim Tân giúp đỡ, chị Nay H’Nghit (buôn Mơ Năng 2) trở thành “người quen” của “Ngôi nhà xanh”. Năm 2022, chồng chị qua đời do đuối nước, bỏ lại chị và 3 con nhỏ. Gia đình vốn thuộc diện hộ nghèo càng thêm khó khăn sau biến cố. Trước hoàn cảnh gia đình chị, Hội LHPN xã thường xuyên quan tâm, tặng quà trích từ nguồn quỹ của “Ngôi nhà xanh” và các Mạnh Thường Quân hỗ trợ.
“Trước mỗi lần tặng quà, Hội LHPN xã đều tìm hiểu nguyện vọng, mong muốn của tôi và các con để có kế hoạch giúp đỡ phù hợp. Mỗi khi có chai nhựa đã qua sử dụng, tôi đều để dành bỏ vào “Ngôi nhà xanh”. Mong rằng sẽ có nhiều chị em cùng các cháu nhỏ được hỗ trợ như mẹ con tôi”-chị H’Nghit tâm sự.
Trao đổi với P.V, ông Ksor Suy-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa-khẳng định: Mô hình ngôi nhà thu gom rác thải do các hội, đoàn thể của huyện triển khai vừa nâng cao ý thức phòng-chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường vừa tạo nguồn kinh phí hỗ trợ trẻ em nghèo. Thời gian tới, UBND huyện chỉ đạo các địa phương nhân rộng mô hình, góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, đồng thời đảm bảo công tác an sinh xã hội tại địa phương, tạo điều kiện cho trẻ em yếu thế hòa nhập cộng đồng, có động lực vươn lên trong cuộc sống.