Cuộc sống của mỗi người, luôn là những đan cài giữa niềm vui và nỗi buồn. Những niềm vui luôn là những điều mong ước của bao người. Bởi niềm vui hướng người ta đến những điều tích cực, đem lại động lực cho những hoạt động mới. Rất nhiều những ca khúc Việt đã mang đến cho người nghe những năng lượng tích cực đó.
Những niềm vui đến từ đất nước, quê hương, gia đình
Đã có những niềm vui đến từ đất nước, ở những ngày đại thắng, ở những lúc thanh bình. “Đất nước trọn niềm vui” của nhạc sĩ Hoàng Hà là một ca khúc rất nổi tiếng. Bài hát ấy luôn được cất lên vào ngày kỷ niệm Đại thắng mùa xuân của dân tộc. Giai điệu rộn ràng, tươi vui đã chuyển tải những ca từ đầy hân hoan: “Hội toàn thắng náo nức đất nước. Ta muốn bay lên, say ngắm sông núi hiên ngang. Ta muốn reo vang, hát ca muôn đời Việt Nam. Tổ quốc anh hùng!”.
Trên những chặng đường hành quân, những người con thương yêu của Tổ quốc vẫn mang trong lòng tình cảm ấm nồng của quê hương. “Đường chúng ta đi”, một nhạc phẩm với lời thơ của nhà thơ Xuân Sách, nhạc: Nhạc sĩ Huy Du, đã có những lời ca với cảm xúc dâng tràn: “Việt Nam trên đường chúng ta đi… Nghe ấm lòng những khi đang dồn bước. Mà vui sao ta chẳng nói nên lời”.
Rồi có những mùa xuân, quê hương tràn những niềm vui. Nhạc sĩ Nguyễn Nam đã sáng tác nhạc phẩm “Dịu dàng sắc xuân” với những giai điệu tươi vui, những lời ca giản dị: “Một mùa xuân bao thắm tươi. Quê hương với bao niềm vui”, “Cùng mùa xuân em đến giữa đời vui/ Tiếng chim hót vui cho đời/ Tiếng em hát thêm yêu người/ Đẹp mùa xuân đang đến trong lòng tôi”. Và đây nữa, một ca khúc viết về mùa xuân của nhạc sĩ Trần Chung, “Mùa xuân đến rồi đó”, đầy những niềm vui, sự phấn chấn trong lòng người: “Xuân ước vọng ngàn năm lại tới/ Nghe lòng vui phơi phới/ Kìa em, nắng đã lên rồi, mừng xuân hát lên thôi”.
Không chỉ niềm vui của đất trời, còn có niềm vui của biển cả quê hương. Sau những ngày sóng gió, biển quê hương đón nhận những con tàu, những chuyến hải trình đầy năng lượng, sức trẻ trung. Nhạc sĩ Hồng Đăng đã góp vào tình ca Việt nhạc phẩm “Biển hát chiều nay”: “Chân trời rất xanh gọi nắng xôn xao/ Con thuyền rất vui, và gió hát ngọt ngào/ Môi cười rất xinh lung linh màu áo/ Mây trắng gợn lên những cánh chim hải âu”.
Giữa rất nhiều ca khúc để lại cho đời, đã có ca khúc, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chọn hẳn niềm vui gởi vào trong ấy. “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”, nhạc phẩm nói đến sự yêu đời, gần gũi với mọi người của người nhạc sĩ tài danh: “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui/ Cùng với anh em tìm đến mọi người/ Tôi chọn nơi này cùng nhau ca hát/ Để thấy tiếng cười rộn rã bay/ Và như thế tôi sống vui từng ngày…”.
“Ô Mê Ly”, một nhạc phẩm rộn ràng rất quen thuộc với biết bao người yêu nhạc, nhạc sĩ Văn Phụng đã viết những lời ca đầy những cảm xúc tươi vui: “Gió sớm đã về cùng tiếng hát tiếng cười/ Thấp thoáng bóng người ngoài đám lúa cất lời/ Thấy tiếng hát cười là gió sớm đến mời người ơi đàn đi”.
Bên cạnh những niềm vui về đất nước, quê hương, còn có những niềm vui từ những người thân yêu. Giữa những tình cảm về những người yêu dấu, hình ảnh người mẹ đem lại những điều ngọt ngào nhất cho những người con. “Bông hồng cài áo”, một nhạc phẩm của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã từng gây sự xúc động trong lòng biết bao người yêu nhạc: “Một bông hồng cho em, một bông hồng cho anh/ Và một bông hồng cho những ai, cho những ai đang còn mẹ, đang còn mẹ để lòng vui sướng hơn”. Một ca khúc khác cũng chuyển tải những nỗi niềm kính yêu mẹ. Đó là lòng những người con trên đường hành quân, nhớ những ngày về mừng vui bên mẹ, đầy những tình cảm yêu thương: “Ngày về mừng vui, con đi trong ngàn tiếng yêu thương/ nghe ấm áp lời mẹ ru xưa/ Phút giây bình yên, bên mẹ dịu hiền” (“Về thăm mẹ”- Trần Chung).
Những niềm vui đến từ những cuộc tình
Đời người, phần đông, ai cũng có những cuộc tình. Những câu chuyện về tình yêu, nhiều sắc màu, cung bậc. “Bài Tango cho em”, nhạc phẩm của nhạc sĩ Lam Phương, đã có sự chuyển tải những cảm nhận của những người yêu nhau, cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình. Mái ấm ấy tràn những tiếng cười: “Giờ mình có nhau rồi/ Đời đẹp vì tiếng em cười/ Vượt nghìn trùng qua bể khơi/ Dắt dìu cùng về căn nhà mới”. Những người yêu nhau đắm say trong tình yêu, luôn nhớ về dáng hình người mình yêu dấu. Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã viết trong “Bài tình ca cho em”: “Anh hát cho em bài tình ca thiết tha…/ Một lần gặp gỡ đã là bao thương nhớ/ Thương dáng em cười, nhớ nụ mắt bờ môi”. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã viết trong nhạc phẩm “Nơi anh gặp em” những lời ca nhẹ nhàng về nước sông, về tiếng ca, về cánh chim bay lượn, với những giai điệu mượt mà: “Nơi anh gặp em nước sông trôi thảnh thơi/ Tiếng ca mang đời vui/ Cánh chim bay lượn trên lưng trời”. Giữa những vất vả, nhọc nhằn ở những nông trường, những con người vẫn luôn nở những nụ cười tươi tắn. Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện đã viết trong “Như khúc tình ca”: “Tôi vẫn thấy em như ngày nào/ Dù nắng nông trường làm chiếc áo bạc màu/ Đôi mắt sáng long lanh nụ cười/ Dù những nhọc nhằn còn in dấu trên vai…”.
Có những trải nghiệm khác về niềm vui. Đã có những mùa hạ tươi vui trong cuộc đời, để nhạc sĩ Lê Hựu Hà sáng tác nên ca khúc “Vào hạ”. Giai điệu bài hát rộn ràng, sôi nổi, cuốn người nghe vào những tâm trạng háo hức, những lời ca trẻ trung: “Ta rong chơi phiêu lãng cuối trời/ Đời bọt bèo phù du kiếp người/ Dù qua bao nhiêu đắng cay vẫn cười/ Vì đời còn mùa hạ tươi vui/ Và lòng còn nhiều điều muốn nói”.
Song chuyện tình yêu cũng có những đổi thay theo thời gian. Có khi ngày hôm nay là những tha thiết, mặn nồng, nhưng sang ngày mai, đã khác. Từ những cảm nhận đổi thay ở chiều hướng vui tươi hơn của cung bậc tình yêu, để nhạc sĩ Đức Huy viết nên ca khúc: “Và con tim đã vui trở lại”. Rất nhiều khán thính giả yêu thích bài hát này. Lời ca trong bài có những đoạn: “Và con tim đã vui trở lại/ và niềm tin đã dâng về người/ Trọn tâm hồn, nguyện yêu mãi riêng người mà thôi”.
Còn những trạng huống khác của cảm xúc, những người nhớ về tiếng cười của người yêu ngày mới quen nhau, nay đã không còn nữa. Có chăng, chỉ còn trong kỷ niệm mà thôi. Tình khúc “Phố vắng em rồi” của nhạc sĩ Mạnh Phát đã có những ca từ gợi về những luyến lưu ngày cũ: “Yêu còn yêu tiếng cười, ngày mới quen nhau, ngỡ ngàng tình trong mắt sâu”. Cùng biết bao ca khúc khác, mà ở đó, những niềm vui lan tỏa với những nét thể hiện riêng biệt, nhiều sắc màu.
Nghe lại những tình khúc, để rồi khán thính giả cảm nhận được bao dạng thức của niềm vui. Có những niềm vui chung của đất nước, quê hương, của gia đình. Có những niềm vui từ những cuộc tình, nặng sâu hay thoáng chốc. Ơi, những niềm vui, niềm phấn chấn, thật cần thiết cho cuộc sống của chúng ta. Để thấy vì sao ai cũng mong được đón nhận những niềm vui ấy mỗi ngày!