(ĐN) – Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, chiều 9-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).
Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường tham gia ý kiến tại phiên thảo luận ở tổ vào sáng 9-6. Ảnh: KIM CHUNG |
* Công khai kết quả bỏ phiếu tín nhiệm
Tại phiên thảo luận đã có 9 đại biểu phát biểu, trong đó, ý kiến các đại biểu cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết; hồ sơ, trình tự, thủ tục và các nội dung cơ bản trong dự thảo Nghị quyết.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về: bố cục của Nghị quyết; khái niệm “lấy phiếu tín nhiệm”; đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; các trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm; nguyên tắc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; thời hạn và thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm; các hành vi bị nghiêm cấm; thủ tục đề nghị, kiến nghị Quốc hội, HĐND lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; quy trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và HĐND; hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm…
Đại biểu Lê Hoàng Hải, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tham gia ý kiến tại phiên thảo luận ở tổ vào sáng 9-6. Ảnh: KIM CHUNG |
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) đóng góp ý kiến, dự thảo nghị quyết có quy định kết quả lấy phiếu tín nhiệm được báo cáo cấp có thẩm quyền và được công khai theo quy định nhưng không nhắc đến việc công khai kết quả bỏ phiếu tín nhiệm.
Do đó, đại biểu đề nghị rà soát, bổ sung thêm nguyên tắc công khai đối với hoạt động bỏ phiếu tín nhiệm nhằm đảm bảo tính thống nhất về mặt nguyên tắc đối với 2 hoạt động này, đảm bảo tính minh bạch của hoạt động bỏ phiếu tín nhiệm.
Một số đại biểu thì đề nghị chỉ quy định mục đích lấy phiếu tín nhiệm làm cơ sở xem xét, đánh giá cán bộ như nghị quyết hiện hành hoặc phải sửa đổi khái niệm này theo hướng bổ sung thêm các mục đích khác của việc lấy phiếu tín nhiệm như làm cơ sở của việc khen thưởng, đề bạt, đưa vào quy hoạch…
* Tăng cường phân cấp, phân quyền, giảm thủ tục hành chính
Trước đó, sáng 9-5, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi); báo cáo thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Các đại biểu đã đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra, đã khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến nhân dân để chỉnh lý dự thảo luật có bước tiến quan trọng về chất lượng.
Các đại biểu cũng nêu một số nội dung liên quan đến vấn đề mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp; phương pháp xác định giá đất; rà soát lại việc phân cấp, phân quyền trong quản lý đất đai…
Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tham gia ý kiến tại phiên thảo luận ở tổ vào sáng 9-6. Ảnh: KIM CHUNG |
Phát biểu thảo luận tại tổ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, khi sửa đổi dự án Luật Đất đai, điều quan trọng nhất phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; giải quyết tối đa các vướng mắc, bất cập đang phải xử lý trong việc khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai – nguồn lực rất quan trọng để phát triển đất nước.
Nêu rõ, việc phát triển đất nước dựa vào 3 trụ cột chính là con người; thiên nhiên (trong đó có đất đai); văn hóa, truyền thống lịch sử, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: “Giải quyết vấn đề tồn đọng từ thực tiễn để khai thác tối đa nguồn lực nhưng cũng phải nâng cao tầm nhìn dự báo, để luật sửa đổi có tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược hơn.
Luật này được thông qua sẽ góp phần rất quan trọng giải phóng nguồn lực từ đất đai, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, nhân dân, nhà đầu tư, cũng như rà soát lại việc phân cấp, phân quyền trong quản lý đất đai”.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc phân cấp, phân quyền phải được quy định trong luật; đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao khả năng thực thi cấp được phân quyền, đặc biệt tăng cường công tác giám sát, kiểm tra để không chệch hướng và mục tiêu…
Ngày mai 10-6, buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở tổ về: dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi); dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) |
Thanh Hải (tổng hợp)
.