Huy động hiếm, đáo hạn nhiều
Trong suốt tháng 5 vừa qua, hầu như không có doanh nghiệp (DN) nào công bố phát hành trái phiếu thành công.
Ngày 31.5, thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho thấy Công ty TNHH khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo công bố đã phát hành thành công 4 lô trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) với tổng trị giá 2.600 tỉ đồng. Cả 4 lô trái phiếu đều có kỳ hạn 60 tháng và đợt phát hành hoàn tất vào ngày 25.5. Như vậy duy nhất DN này hiếm hoi phát hành thành công TPDN trong tháng 5 vừa qua.
Tương tự trong tháng 4, thị trường cũng ghi nhận chỉ có 1 đợt phát hành TPDN riêng lẻ và 1 đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị phát hành 2.671 tỉ đồng. Như vậy suốt 2 tháng qua, DN gần như không thể huy động được thêm vốn mới qua kênh trái phiếu, trong khi vẫn phải tìm mọi cách xoay xở để đáo hạn số lượng trái phiếu đến hạn.
Thống kê của VBMA – Hiệp hội Thị trường trái phiếu VN cho thấy giá trị TPDN đáo hạn trong tháng 6 là 35.319 tỉ đồng, nhiều hơn 12.295 tỉ đồng so với tháng 4; giá trị TPDN đáo hạn trong tháng 7 là 26.565 tỉ đồng; tháng 8 là 33.747 tỉ đồng và đỉnh điểm là tháng 9 với 40.988 tỉ đồng… Tổng giá trị TPDN đáo hạn từ tháng 6 – 12.2023 gần 200.000 tỉ đồng. Nhóm DN bất động sản dẫn đầu về giá trị đến hạn với hơn 100.000 tỉ đồng, kế tiếp là nhóm ngân hàng với hơn 31.000 tỉ đồng, còn lại là các DN khác. Chưa hết, để tạo niềm tin cho trái chủ, nhiều DN cũng đang tiếp tục chi hàng ngàn tỉ đồng để mua lại trái phiếu trước hạn. Cụ thể trong tháng 5, các DN đã thực hiện mua lại 17.206 tỉ đồng trái phiếu, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 68.130 tỉ đồng (tăng 62,4% so với cùng kỳ năm 2022).
Từ đầu năm đến nay, để tháo gỡ khó khăn cho TPDN, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách; trong đó, Nghị định 08/2023 về việc sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch TPDN đã tạo ra hành lang pháp lý để gỡ một số điểm nghẽn cho thị trường. Nghị định cho phép các đơn vị phát hành có thể đàm phán với trái chủ để kéo dài thời hạn thanh toán cũng như tạm ngưng thực hiện một số quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, xếp hạng tín nhiệm đối với DN phát hành trái phiếu… Điều đó giúp cho khoảng 30 công ty gần đây đã đạt được thỏa thuận gia hạn thời hạn trả nợ với trái chủ. Thế nhưng về cơ bản, thị trường vẫn chưa thể hồi phục.
Cần có sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp
Chuyên gia tài chính – TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng niềm tin của nhà đầu tư (NĐT) vào thị trường TPDN vẫn chưa thể hồi phục sau các vụ việc trong năm 2022. NĐT vẫn như con chim sợ cành cong nên không ai dám bỏ tiền mua TPDN. Tình trạng ảm đạm này kéo dài sẽ khiến nhiều DN có nguy cơ vỡ nợ bởi việc đàm phán gia hạn thời gian thanh toán cho trái chủ chỉ có thể diễn ra 1 lần và đa số kéo dài thêm 6 tháng hay 1 năm. Đến lúc đó, nhiều NĐT sẽ không còn đủ kiên nhẫn để tiếp tục cho DN gia hạn. Vì vậy, ông kiến nghị Chính phủ nên xem xét có thể cho phép các DN được hoãn nợ trong thời gian 2 năm. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần mạnh dạn lên tiếng khuyến khích các ngân hàng thương mại tham gia mua vào TPDN đối với các đơn vị phát hành hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất hay những DN vẫn có dự án khả thi.
Theo báo cáo của Công ty chứng khoán VNDirect, nhu cầu phát hành TPDN được dự báo sẽ gia tăng mạnh khi lượng trái phiếu đáo hạn trong hai năm 2023 và 2024 lên tới 679.300 tỉ đồng, tương đương 49% tổng giá trị TPDN đang lưu hành tại tháng 12.2022.
TS Lê Đạt Chí, Trưởng khoa Tài chính – Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhấn mạnh: Xây dựng niềm tin của NĐT là vấn đề dài hạn, không thể một sớm một chiều có thể thực hiện được. Trong thực tế, theo ước tính người mua lớn nhất trên thị trường TPDN là các ngân hàng và tổ chức tài chính chiếm hơn 70% giá trị. Tuy nhiên, hiện nay khi Ngân hàng Nhà nước vẫn đang siết chặt room tín dụng thì các ngân hàng thương mại sẽ khó tham gia mạnh vào thị trường TPDN. Đó là chưa kể nhiều nhà băng đã gần cạn room được phân giao hay phải dành tiền để mua lại trái phiếu của chính mình. Vì vậy, trong ngắn hạn, thị trường này sẽ tiếp tục ảm đạm, DN phát hành sẽ khó kiếm được người mua.
Bên cạnh đó, hiện nay khi muốn tìm hiểu thông tin về các đợt phát hành TPDN cũng chỉ thấy công bố sơ sài, không thể biết được lô trái phiếu đó với tài sản đảm bảo như thế nào. Hay quy định về NĐT chuyên nghiệp mới được tham gia vào TPDN là một nút chặn bớt người mua trên thị trường. Trong khi bản chất của kênh TPDN là để các DN huy động vốn trong người dân để đưa vào sản xuất, quay vòng trong nền kinh tế.
Do vậy, về dài hạn, Chính phủ phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển thị trường TPDN. Đó là đẩy nhanh việc xây dựng sàn giao dịch trái phiếu tương tự như giao dịch cổ phiếu. Sau đó sẽ phát triển NĐT chuyên nghiệp. Không chỉ NĐT cá nhân sẽ tự học hỏi khi muốn tham gia mà các DN khi có tiền nhàn rỗi cũng không chỉ lựa chọn mỗi kênh gửi tiền vào ngân hàng mà có thể mua TPDN trên sàn và khi cần thì bán ra. Thậm chí, các ngân hàng khi đầu tư vào TPDN cũng sẽ dần dần tách biệt thành ngân hàng đầu tư như quy định của nhiều nước.
“Kênh TPDN hay thị trường nợ là cao cấp nhất của thị trường tài chính với quy mô giao dịch gấp 10 lần thị trường cổ phiếu. Nhà đầu tư sẽ cần phải có sàn giao dịch để mua bán thì mới mạnh dạn rót tiền đầu tư. Bởi nếu mua vào, nhưng khi cần lại không bán được thì sẽ làm giảm tính hấp dẫn của TPDN. Sàn giao dịch TPDN theo tôi là đơn giản hơn cổ phiếu. Trong khi chúng ta đã tổ chức, vận hành thị trường cổ phiếu hơn 20 năm qua thì vẫn không hiểu tại sao chưa có sàn giao dịch trái phiếu? Chỉ khi có sàn giao dịch thì từ đó thị trường mới bắt đầu phát triển mạnh hơn, thật sự góp phần vào mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế”, TS Lê Đạt Chí nói.