Lễ phát động được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến kết nối giữa điểm cầu Trung ương với 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương và Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương đã tới dự.
Dự lễ phát động tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập tỉnh; các thành viên Ban chỉ đạo; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn; Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội Khuyến học các huyện, thành phố.
Đề án “Xây dựng xã hội học tập” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai từ năm 2005 theo các thời kỳ, giai đoạn 2005-2010, 2012-2020 và 2021-2030. Tính đến nay, việc triển khai các Đề án đã mang lại nhiều kết quả quan trọng.
Trong 4 mục tiêu chính của Đề án, đã đạt 2 mục tiêu lớn là “Xóa mù chữ và phổ cập giáo dục”, “Học tập để hoàn thiện kỹ năng sống, xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc hơn”.
Đến nay, 100% tỉnh, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1, trong đó 46/63 tỉnh/thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; 63/63 tỉnh/thành phố đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực tế cho thấy còn những hạn chế, rào cản xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam. Trong đó nhận thức, các hoạt động học tập suốt đời ở ngoài nhà trường, sự tham gia của các cơ sở giáo dục đại học trong công tác này còn hạn chế.
Do đó, việc phát động và triển khai phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 – 2030” là cần thiết để tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mà Đề án đã đề ra.
Phát biểu phát động phong trào, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Học tập, cống hiến và hưởng thụ là nhu cầu khách quan, mọi công dân đều có quyền được học tập để trở thành công dân tốt, công dân số, công dân toàn cầu. Dân tộc Việt Nam là dân tộc cần cù, hiếu học có nghị lực vươn lên, truyền thống quý báu đã có từ xa xưa và Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tấm gương vĩ đại, mẫu mực về tự học và học tập suốt đời.
Phát huy tinh thần ấy và để bám sát xu thế thời đại, những năm qua sự nghiệp trồng người đã nhận được sự quan tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và cộng đồng quốc tế, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng tự hào, đóng góp tích cực cho sự phát triển toàn diện của đất nước.
Để tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cơ quan, ban, ngành liên quan thực hiện tốt phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 – 2030”.
Trong đó cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục đào tạo, khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học; rà soát hoàn thiện cơ chế chính sách theo hướng đa dạng hóa, gắn “học đi đôi với hành”, tài với đức, phù hợp với các đối tượng, từng địa phương thông qua các mô hình mới, cách làm hay.
Ngoài ra, cần coi trọng, tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế để xây dựng hệ thống giáo dục mở đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại, công bằng, hội nhập, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Thủ tướng cũng lưu ý: xây dựng xã hội học tập là một quá trình lâu dài, phức tạp, đòi hòi phải có sự chung sức đồng lòng, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tạo động lực, truyền cảm hứng để người người học tập, nhà nhà học tập, cộng đồng hoc tập, xã hội học tập và cả nước học tập, học ở mọi lúc, mọi nơi, mọi lĩnh vực, hoàn thiện mỗi người về đức, trí thể, mỹ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị và kêu gọi Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, các đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tích cực tham gia, cùng chung tay đóng góp hưởng ứng hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, Nhân dân hạnh phúc, ấm no.
Lễ phát động với mục đích tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.
Tại lễ phát động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương đã nhấn nút khởi động cam kết hưởng ứng phong trào”Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 – 2030″.
Mai Phương- Anh Tuấn – Thanh Tú