Khu Dự trữ sinh quyển (DTSQ) thế giới Đồng Nai được xem là “cỗ máy điều hòa” tự nhiên khổng lồ của vùng Đông Nam bộ (ĐNB). Không những vậy, nơi đây còn có tiềm năng lớn về du lịch sinh thái, bán tín chỉ carbon và giáo dục môi trường.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng (thứ 4 từ phải sang) tham gia trồng cây xanh tại Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai nhân Ngày Môi trường thế giới 5-6-2023. Ảnh: H.Lộc |
Có được điều này là nhờ chính sách đóng cửa rừng tự nhiên từ sớm của Đồng Nai, sự hợp tác bảo vệ và phát triển diện tích rừng của các tỉnh.
* Điều hòa không khí cho vùng
Khu DTSQ Đồng Nai nằm trên địa bàn 5 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng và Đắk Nông với tổng diện tích 756 ngàn ha. Trong đó, hơn 80% diện tích vùng lõi nằm trên địa bàn 2 khu: Vườn quốc gia Cát Tiên và Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai. Đây là khu vực có giá trị cao về động – thực vật, văn hóa, lịch sử và là rừng mưa ẩm nhiệt đới cuối cùng còn sót lại ở miền Nam Việt Nam.
Không phải hiển nhiên Đồng Nai trở thành vùng lõi của Khu DTSQ thế giới. Từ cuối những năm 1990, tỉnh đã trở thành một trong những địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên. Từ đó đến nay, rừng được bảo vệ nghiêm ngặt và không ngừng phát triển bằng nhiều cách như: trồng mới, trồng bổ sung và trồng thay thế rừng. Điều này cho thấy sự quan tâm, tầm nhìn, ý thức trách nhiệm của tỉnh đối với tài nguyên rừng.
Bên cạnh đó, tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội bằng việc trồng, chăm sóc cây xanh nhằm nâng tỷ lệ che phủ rừng.
Khu DTSQ thế giới Đồng Nai được UNESCO chính thức công nhận năm 2011, diện tích 756 ngàn ha. Trong đó, Vườn quốc gia Cát Tiên và Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai nằm trong vùng lõi có diện tích hơn 171 ngàn ha.
|
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, đóng cửa rừng là quyết định mang tính bước ngoặt của tỉnh. Sau đóng cửa, tỉnh đã phân loại rừng, một mặt để bảo vệ và phục hồi phù hợp, một mặt phát triển diện tích giúp người dân sống ven rừng có điều kiện cải thiện đời sống. Cụ thể, rừng đặc dụng nghiêm cấm hoạt động khai thác. Rừng phòng hộ được phép khai thác khi có văn bản chấp thuận của cơ quan chức năng và đảm bảo mật độ cây tối thiểu. Rừng sản xuất cho phép trồng các loại cây lấy gỗ.
PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên Ủy ban Khoa học công nghệ môi trường của Quốc hội, khi đến Đồng Nai vào năm 2022 đã chia sẻ rằng, ông không nghĩ tỉnh công nghiệp, đô thị như Đồng Nai lại có diện tích rừng lớn và “giàu” giá trị đến vậy. Rừng ở đây để lại cho ông một ấn tượng tốt về cảnh quan môi trường, đa dạng sinh học.
“Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai và Vườn quốc gia Cát Tiên có lợi thế vượt trội. Ngoài cảnh quan và đa dạng sinh học, rừng có các vùng đất ngập nước với hệ động – thực vật thủy sinh phong phú. Không chỉ có chức năng duy trì và bảo đảm an ninh nguồn nước cho 3 tỉnh: Đồng Nai, Bình Phước và Lâm Đồng, rừng còn là nơi lưu giữ carbon trong bối cảnh biến đổi khí hậu” – ông Hồi chia sẻ.
Giá trị độc đáo và quý giá ở Khu DTSQ Đồng Nai là mang tầm vóc toàn cầu. Đây là giá trị di sản của nhân loại, tài sản chung của vùng ĐNB, nhưng nằm chủ yếu trên đất Đồng Nai. Cho nên, các địa phương lân cận phải cùng có trách nhiệm với Đồng Nai trong công tác bảo vệ di sản.
* “Bộ 3” giá trị của rừng
Những năm gần đây, Đồng Nai và các địa phương trong vùng ĐNB đều có chính sách, quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ và phát triển diện tích rừng. Mục đích để cân bằng hệ sinh thái, điều hòa không khí và bảo vệ nguồn nước của vùng. Làm “giàu” rừng để có thể đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái rừng, khai thác tín chỉ carbon.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho biết, các hệ sinh thái tự nhiên ở rừng đầu nguồn là nơi bảo vệ, cung cấp nguồn nước ngọt vào mùa khô và điều tiết lũ lụt vào mùa mưa. Là vành đai xanh phòng hộ cho khu vực hạ lưu sông Đồng Nai và thanh lọc không khí. Tỉnh đã yêu cầu các chủ rừng nghiêm túc thực hiện phương án quản lý rừng bền vững đã được phê duyệt.
Đầu tháng 5-2023, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, với các mục tiêu chính là nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học và phát huy các giá trị của rừng. Cụ thể, về kinh tế, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 trồng mới hơn 2,6 ngàn ha rừng, nâng diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững lên hơn 10 ngàn ha, thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng trong rừng. Về xã hội, góp phần ổn định đời sống của trên 8 ngàn hộ nhận khoán đất lâm nghiệp; duy trì, ổn định việc làm cho người lao động đang làm việc trong ngành lâm nghiệp. Duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt hơn 28%.
Bàu Sấu tại Vườn quốc gia Cát Tiên |
Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Phó trưởng ban thường trực Ban Quản lý Khu DTSQ thế giới Đồng Nai, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai đánh giá, thời gian qua, khu dự trữ đã thực hiện khá tốt chức năng bảo tồn đa dạng sinh học. Tuy nhiên, 2 chức năng còn lại là phát triển kinh tế thân thiện với môi trường, hỗ trợ nghiên cứu giáo dục chưa được đầu tư nhiều.
Trong chương trình hành động 2021-2025, Khu DTSQ đề ra các mục tiêu, trong đó trọng tâm vẫn là bảo tồn hệ sinh thái trên toàn bộ 765 ngàn ha; xác lập các giá trị văn hóa, tinh thần đặc trưng để khai thác du lịch cộng đồng; phát triển kinh tế xanh bằng cách đầu tư hạ tầng, tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng.
Cùng với đó, xây dựng chính sách ưu đãi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cùng tham gia vào hoạt động quản lý, khai thác giá trị của Khu DTSQ. Cụ thể, trồng, chăm sóc rừng sẽ được ưu đãi khi đi du lịch. Kêu gọi các dự án phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững; đẩy mạnh cho thuê dịch vụ môi trường rừng.
Ông Lê Thuần Thành, Giám đốc Quỹ Bảo vệ rừng Đồng Nai cho rằng, Đồng Nai có hàng trăm ngàn ha rừng có thể sản xuất, trao đổi, bán tín chỉ carbon. Làm được điều này sẽ tạo ra nguồn thu để tái đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng, cải thiện cuộc sống của người bảo vệ rừng và giúp cân bằng lượng khí thải từ hoạt động công nghiệp, đô thị hóa. Hiện một số tỉnh, thành đã thí điểm lập đề án sản xuất và bán tín chỉ carbon. Tới đây, Đồng Nai cũng lập và tham gia thị trường này.
Có thể thấy, Đồng Nai đã và đang nỗ lực bảo vệ, phát triển rừng nhằm hướng đến khai thác bền vững “bộ 3” giá trị môi trường, kinh tế, giáo dục. Các tỉnh trong vùng Khu DTSQ thế giới Đồng Nai cũng phải nỗ lực thực hiện điều này. Có như vậy, “cỗ máy điều hòa” tự nhiên của vùng mới thực sự bền bỉ, phát huy hết các giá trị.
Hoàng Lộc
.