Giải trình ý kiến về dự thảo luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi chiều 10.6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, dự luật nhận được rất nhiều quan tâm với hơn 120 ý kiến.
Theo bà, dự luật bổ sung nhiều khái niệm mới, như giới hạn sở hữu cổ đông và người có liên quan cũng như giới hạn cấp tín dụng, nhằm hướng đến việc chống thao túng, sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng. Đây cũng là yêu cầu của Bộ Chính trị và các cấp. Trong đó, khái niệm người có liên quan được mở rộng phạm vi hơn so với luật Doanh nghiệp.
Thống đốc cũng cho biết, pháp luật không cho phép sở hữu chéo, nhưng trong thực tiễn các cổ đông nhờ những người có liên quan đứng tên mà ngân hàng không nắm được. “Vừa qua, một số vụ án mới phát hiện có trường hợp đứng tên sở hữu. Để xử lý triệt để sở hữu chéo không chỉ quy định này mà đòi hỏi nhiều công cụ, giải pháp từ các cơ quan khác nhau như minh bạch hóa giao dịch của các doanh nghiệp”, bà Hồng nêu.
Rủi ro khi đầu tư doanh nghiệp phụ thuộc lớn vào ngân hàng
Về lo ngại của các đại biểu giảm tỷ lệ giới hạn tín dụng cho một khách hàng hoặc cho một khách hàng và người có liên quan có gây khó khăn và giảm tổng tín dụng của nền kinh tế, Thống đốc Hồng cho biết, hiện nhu cầu đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào hệ thống ngân hàng. Các tổ chức thế giới cũng đã cảnh báo rủi ro nếu vốn đầu tư tiếp tục phụ thuộc vào ngân hàng.
“Bất cứ khi nào kinh tế thế giới biến động phức tạp, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người dân cũng sẽ ảnh hưởng đến ngân hàng, khi ngân hàng hiệu ứng “domino” sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Vì thế, phát triển thị trường vốn, trái phiếu, chứng khoán phải đồng bộ”, bà Hồng nêu.
Đặc biệt, liên quan đến can thiệp sớm khi xảy ra sự cố rút tiền hàng loạt, theo bà Hồng, đây là điểm mới của dự thảo trên cơ sở thực tiễn vướng mắc xử lý các ngân hàng yếu kém vừa qua cũng như sự cố rút tiền hàng loạt của SCB tháng 10.2022 và việc đổ vỡ hàng loạt các ngân hàng tại Mỹ.
Trong quá trình thanh tra, cơ quan quản lý sẽ cảnh báo các tổ chức tín dụng trong trường hợp gặp vấn đề và can thiệp sớm nếu có nguy cơ rủi ro. Chủ sở hữu ngân hàng phải có phương án khắc phục, cơ quan quản lý sẽ đưa ra các biện pháp can thiệp.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp hỗ trợ với vai trò người cho vay cuối cùng khi tổ chức tín dụng gặp khó khăn về thanh khoản khi chi trả cho người dân, cũng như huy động từ các nguồn tổ chức tín dụng khác, bảo hiểm tiền gửi…
“Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chỉ sử dụng khi các tổ chức tín dụng phá sản. Nhưng kinh nghiệm thế giới như Mỹ, các cơ quan bảo hiểm tiền gửi thực hiện vai trò chậm. Như SCB, các tổ chức tín dụng cũng chia sẻ cho vay, nhưng luật chưa quy định cụ thể thì họ cũng chưa dám cho vay vì sợ rủi ro”, bà Hồng nói, và lý giải, dự luật sửa đổi sẽ thiết kế huy động thêm nguồn hỗ trợ, tăng tính an toàn hệ thống, giảm chi phí tài chính cho cơ quan quản lý khi xử lý sự cố của các tổ chức tín dụng.
Đáng chú ý, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, kinh nghiệm quốc tế là không chờ đến khi ngân hàng khó khăn về thanh khoản mới can thiệp. Bà cũng nêu ví dụ 2 ngân hàng lớn của Mỹ (Silicon Valley Bank và Signature Bank) tổng tài sản trên 200 tỉ USD, nợ xấu rất thấp dưới 1%, dự phòng rủi ro lớn, lãi liên tiếp từ năm 2010 tới nay nhưng vẫn rủi ro rút tiền hàng loạt.
Với sự phát triển công nghệ, người dân không cần đến ngân hàng mà có thể rút tiền tại nhà bằng điện thoại. Chỉ trong vài ngày đã phải rút đến hơn 100 tỉ USD khiến Ngân hàng T.Ư Mỹ phải vay hơn 100 tỉ USD, các ngân hàng trong hệ thống cũng phải cho vay vài chục tỉ USD.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng
Liên quan đến luật hóa Nghị quyết 42, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thực tiễn triển khai cho thấy, nợ xấu đã giảm rất nhanh, thông qua Nghị quyết 42 tăng cường trách nhiệm trả nợ của người đi vay, tăng tính kỷ luật trong hoạt động đi vay và cho vay.
Trên thực tế, trong quá trình xử lý nợ xấu, vấn đề rất quan trọng là thu giữ tài sản đảm bảo. Do vậy, dự thảo luật đã quy định việc thu giữ tài sản đảm bảo phải gắn thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng trong hợp đồng bảo đảm. Khi khách hàng không trả được nợ, tổ chức tín dụng mới thu giữ tài sản đảm bảo…