Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc học tập suốt đời để mỗi người hoàn thiện bản thân, không tự ti, tự mãn, góp phần xây dựng đất nước ngang tầm các nước phát triển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính sáng 10/6 phát động phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”.
Thủ tướng đánh giá nền giáo dục có những chuyển biến quan trọng, mạng lưới giáo dục được mở rộng khắp mọi miền với nhiều loại hình đào tạo, mang lại cơ hội học tập cho người dân ở mọi lứa tuổi.
“Ý thức học tập suốt đời đã và đang thấm nhuần vào từng gia đình, dòng họ, từng khu dân cư, cơ sở đào tạo, từng vùng, miền”, Thủ tướng nói.
Ông dẫn chứng phong trào dòng họ, làng, xã thi đua học tập được khôi phục và phát triển mạnh. Khu vực thành thị có nhiều phong trào học ngoại ngữ, khiêu vũ của người cao tuổi. Ở nông thôn, người dân học kỹ năng trồng trọt, chăn nuôi. Các lớp học trên ghe, thuyền cho học sinh miền sông nước; lớp học tiếng Việt cho người dân tộc thiểu số; lớp tiếng Anh ở vùng cao được tổ chức nhiều.
Nhiều nơi phong trào học tập trở thành hiện tượng xã hội như làng hội họa, làng của những nông dân chơi vĩ cầm; nhiều người trên 60, 70 tuổi hằng ngày cắp sách đến trường, thậm chí có cụ 80, 90 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, lấy bằng đại học, thạc sĩ.
Theo Thủ tướng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi tri thức, hiểu biết, kỹ năng, tay nghề và khả năng thích ứng cao. Vì thế, vai trò của học tập, rèn luyện, tự trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ rất quan trọng. Lời căn dặn của Bác Hồ “Thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi” đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Xu hướng học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập đã được chú trọng ở nhiều nước như Mỹ, Australia, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Israel. Đến nay, hơn 1.000 thành phố trên thế giới tham gia vào các sáng kiến “thành phố giáo dục, thành phố học tập”.
“Chúng ta cũng phải chung sức đồng lòng, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn để người người học tập, nhà nhà học tập, cộng đồng học tập, xã hội học tập và cả nước học tập”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Việc học tập, theo ông Chính, nhằm hoàn thiện bản thân về đức, trí, thể, mỹ; để đổi mới sáng tạo, góp phần bảo vệ, xây dựng đất nước, nâng cao đời sống vật chất tinh thần.
“Học tập để chúng ta không tự ti, không tự mãn, để chúng ta xây dựng đất nước ngang tầm với các nước phát triển, năm châu bốn bể. Học tập để chứng minh rằng dân tộc ta không thua kém bất cứ dân tộc nào. Sức mạnh của dân tộc bắt nguồn từ nhân dân, bắt nguồn từ văn hóa”, Thủ tướng nói.
Để tạo chuyển biến hơn nữa trong xây dựng xã hội học tập, Thủ tướng chỉ đạo xây dựng hệ thống giáo dục mở, đa dạng; huy động sự đóng góp của toàn xã hội.
Thủ tướng khuyến khích phát triển bình đẳng đối với các loại hình đào tạo, không phân biệt giữa công lập với ngoài công lập, liên doanh, liên kết. Ngoài ra, các địa phương cần tập trung củng cố hệ thống thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa; tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin.
Ông cũng lưu ý việc hợp tác, học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng và phát triển xã hội học tập, tiếp thu và phát triển những kiến thức mới trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
Từ năm 2005 đến nay, Thủ tướng đã ba lần phê duyệt đề án “Xây dựng xã hội học tập” theo từng giai đoạn. Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định việc triển khai các đề án này mang lại nhiều kết quả. Mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên được củng cố và phát triển với gần 17.500 cơ sở. Số cơ sở giáo dục tư thục tăng nhanh, đặc biệt là hệ thống trung tâm tin học, ngoại ngữ, góp phần nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học cho người dân.
Một kết quả quan trọng khác là hình thành được mô hình xã hội học tập ở cấp xã. Trong khi các nước xây dựng xã hội học tập ở cấp thành phố trở lên thì Việt Nam đã tiếp cận tới cấp nhỏ hơn làm cơ sở và tạo động lực, huy động được người dân tham gia học tập. Cách làm này đã được UNESCO và các quốc gia công nhận.
Tuy nhiên, hạn chế, rào cản xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam là các hoạt động học tập suốt đời ở ngoài nhà trường chưa đa dạng, sự tham gia của các trường đại học trong công tác khuyến học, khuyến tài còn hạn chế.