Sáng 10/6, thảo luận tại tổ về Luật Căn cước công dân (sửa đổi), thông tin về dự án luật, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an cho biết, quan điểm xuyên suốt trong quá trình xây dựng luật là tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và bảo vệ để không ai có thể xâm nhập lấy được dữ liệu cá nhân.
Theo Bộ trưởng, hiện nay trung tâm dữ liệu dân cư đã đi vào vận hành ổn định, giúp đỡ rất nhiều cho công tác quản lý xã hội, đồng thời tạo thuận tiện cho người dân.
“Ví dụ như trước đây công tác xác minh người già, người tâm thần, trẻ em, người không may bị tai nạn trên đường… rất vất vả vì không biết là ai, danh tính thế nào. Nhưng giờ có cơ sở dữ liệu dân cư đã giải quyết được hết”, Bộ trưởng nêu.
Theo Bộ trưởng Công an, đối với công tác quản lý xã hội, việc hình thành cơ sở dữ liệu dân cư là một cải cách lớn. “Trước đây chúng ta có bộ phận một cửa đã là tiện lợi rồi, nhưng giờ tiện lợi gấp bội phần vì mọi giao dịch đều diễn ra trên môi trường điện tử. Người dân ngồi ở nhà cũng có thể làm thủ tục với cơ quan nhà nước được, không cần đến nộp hồ sơ trực tiếp nữa”, Đại tướng Tô Lâm nói.
Bộ trưởng lấy ví dụ, tại Bộ Công an hiện có khoảng 200/245 thủ tục đã và đang được thực hiện trên môi trường điện tử. Hiện nay đã cấp hộ chiếu online, người dân không còn phải đứng xếp hàng làm hộ chiếu nữa. Trong khi, ngày xưa đi làm hộ chiếu thì cầm cả một tập hồ sơ, từ xác nhận của công an xã, phường cho đến hàng loạt giấy tờ khác, đến nỗi cơ quan cấp hộ chiếu không còn chỗ mà lưu trữ hồ sơ nữa.
Cũng theo Bộ trưởng, căn cước công dân với các thông tin tích hợp trong đó sẽ giúp tiết kiệm chi phí xã hội hàng trăm nghìn tỷ đồng. Nhà nước tiết kiệm được chi phí Tổng điều tra dân số mỗi lần từ 1.500 – 2.000 tỷ đồng, tiết kiệm hàng loạt các giấy tờ về lái xe, chứng thực, sổ bảo hiểm, số theo dõi sức khoẻ… vì các thông tin đã được tích hợp trong căn cước của người dân.
“Tiến tới người dân chỉ cần sử dụng căn cước công dân để đi máy bay, không những chỉ trong nội địa mà còn các nước trong khu vực ASEAN nữa”, Bộ trưởng Công an cho hay.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho hay, qua làm căn cước công dân cho người dân, lực lượng công an đã phát hiện cả triệu người không có bất cứ loại giấy tờ nào.
“Chúng ta bỏ lọt hàng triệu người. Đợt vừa rồi chúng tôi làm căn cước công dân cho họ mới tiếp cận. Có những người dân chưa bao giờ ra khỏi nhà, khỏi thôn làng mình. Họ chủ yếu thuộc nhóm người yếu thế như: người tàn tật, người già, người nghèo. Đấy là chuyện diễn ra ở vùng sâu vùng xa, còn ngay tại Hà Nội và TP.HCM thôi cũng có hàng trăm nghìn người không có giấy tờ”, ông Tô Lâm nêu.
Bộ trưởng nói, những người không có giấy tờ ở đô thị chủ yếu là người từ các địa phương khác đến, chủ yếu làm các công việc như: đánh giày, bán hàng rong, làm thuê làm mướn… Họ ở trọ, gầm cầu, hoặc bất cứ chỗ nào có thể ở; họ cũng yêu, cũng lập gia đình, sinh con cái.
“Các cháu ra đời tiếp bước của bố mẹ cũng không có bất cứ giấy tờ nào, lớn lên lại tiếp tục đánh giày, làm thuê theo bước đường của bố mẹ”, nói về điều này, Bộ trưởng nhấn mạnh công tác làm căn cước công dân cực kỳ có ý nghĩa với nhóm đối tượng người yếu thế trong xã hội, giúp xác lập và bảo vệ địa vị pháp lý cho họ.
Theo đại biểu Lê Quang Mạnh (Cần Thơ), nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng hệ thống dữ liệu dân cư từ lâu vì đây là một trong 3 loại dữ liệu lõi (cùng với dữ liệu về tài nguyên, doanh nghiệp) để phát triển chính quyền số và là nền tảng để mọi người dân giao dịch với chính quyền.
Ông cũng nêu một thực tế hiện nay dữ liệu của khoảng 100 triệu người dân đang được lưu trữ tại hệ thống khác nhau, ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề… mà chưa được tích hợp lại do thiếu một bộ lọc và một trung tâm ví như “trái tim” chứa đựng dữ liệu.
“Tôi cho rằng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải được coi như là trái tim, các dữ liệu khác cần tích hợp lại để làm sạch”, đại biểu Mạnh nêu quan điểm.
(Nguồn: tienphong.vn)
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo