Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở Trung Quốc cao kỷ lục. Nhiều thanh niên hiện nay đang cân nhắc giữa việc “nằm yên” – từ chối theo đuổi sự nghiệp – hoặc rời khỏi đất nước.
Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên tăng cao tại Trung Quốc, khiến sinh viên mới tốt nghiệp khó tìm được việc làm. (Nguồn: CNA) |
Thất nghiệp gia tăng
Đối với Annie, việc sống ở các thành phố lớn của Trung Quốc dường như là một cuộc đấu tranh. Cô chia sẻ: “Những người trẻ tuổi rất khó tìm được những công việc phù hợp và mức thu nhập cũng đang giảm”.
Bất chấp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang dần phục hồi kể từ cuối năm ngoái, khi chính phủ nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên nước này vẫn ở mức cao kỷ lục.
Dữ liệu chính thức cho thấy, khoảng 20,4% người từ 16 đến 24 tuổi thất nghiệp trong tháng 4/2023. Đây là mức cao nhất theo dữ liệu chính thức từ năm 2018.
Bên cạnh đó, CNN ước tính, mùa Hè này, sẽ có khoảng 11,6 triệu sinh viên sẽ tốt nghiệp Đại học sẽ tham gia thị trường lao động Trung Quốc.
Ông Shehzad Qazi, Giám đốc điều hành của China Beige Book, một công ty cung cấp dữ liệu kinh tế từ Trung Quốc cho biết: “Vấn đề thất nghiệp của thanh niên có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn trong năm tới hoặc lâu hơn”.
Trung Quốc đã chứng kiến hai thập niên tăng trưởng kinh tế chưa từng có. Tuy nhiên, khi nước này chuyển từ nền kinh tế sản xuất chi phí thấp sang nền kinh tế với công nghệ cao và dịch vụ dẫn đầu, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên lại tăng nhanh hơn tỷ lệ thất nghiệp ở các nhóm tuổi khác.
Theo DW, trong thời kỳ đại dịch, chính phủ Trung Quốc đã triển khai một loạt biện pháp trừng phạt nhắm vào lĩnh vực công nghệ, giáo dục, giải trí và bất động sản, nhằm cải thiện sự kiểm soát của nhà nước đối với các doanh nghiệp lớn.
Điều này dẫn đến việc những gã khổng lồ công nghệ như Tencent, Alibaba và Weibo – những công ty tuyển dụng nhiều thanh niên có trình độ học vấn cao ở Trung Quốc – đều thông báo cắt giảm nhân sự.
Còn ông Duncan Wrigley, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Pantheon Macroeconomics thì nhận thấy, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp gia tăng là do “sự không phù hợp về kỹ năng” trong thị trường lao động.
Đất nước hiện có nhiều sinh viên tốt nghiệp Đại học hơn bao giờ hết và nhiều người miễn cưỡng nhận các công việc trong nhà máy với thời gian dài, với mức lương thấp, thay vì chọn công việc phù hợp với kỹ năng.
Thực tế tàn khốc
Đối với hàng triệu sinh viên trẻ tốt nghiệp Đại học của Trung Quốc, việc thiếu các cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn giờ đây là một thực tế tàn khốc.
Annie nói: “Rất nhiều người đã bị sa thải trong thời gian đại dịch và bây giờ, khi họ cố gắng tìm kiếm những công việc tương tự trong lĩnh vực kinh doanh, tài chính, truyền thông và công nghệ, họ nhận ra rằng, những công việc được trả lương cao dường như phù hợp với những người có kinh nghiệm làm việc nhiều năm”.
Theo Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs có trụ sở tại Mỹ, những người trẻ tuổi có xu hướng dễ bị tổn thương hơn trong thời kỳ suy thoái kinh tế vì họ có ít kinh nghiệm làm việc hơn. Tình hình ở Trung Quốc đã trở nên trầm trọng hơn bởi Covid-19 cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến các ngành dịch vụ.
Các nhà kinh tế của Goldman Sachs đã dự báo trong một báo cáo được công bố vào tháng trước rằng: “Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc sẽ tiếp tục có xu hướng gia tăng trong vài tháng tới”.
Báo cáo cũng ghi nhận sự khác biệt giữa các kỹ năng mà sinh viên tốt nghiệp Đại học có được và các kỹ năng mà người sử dụng lao động yêu cầu.
Goldman Sachs nhận định: “Vấn đề này đặc biệt đáng chú ý trong các ngành như giáo dục và thể thao. Ví dụ, số lượng sinh viên tốt nghiệp các ngành giáo dục, thể thao tăng hơn 20% vào năm 2021 so với năm 2018, nhưng nhu cầu tuyển dụng giữa các tổ chức giáo dục giảm đáng kể so với cùng kỳ.
Thêm vào đó, những thay đổi quy định gần đây ảnh hưởng đến lĩnh vực công nghệ thông tin, giáo dục và bất động sản có thể khiến các doanh nghiệp không cần tuyển dụng thêm nhân viên mới”.
Sinh viên mới tốt nghiệp tham dự một hội chợ việc làm ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. (Nguồn: China News Service) |
“Nằm yên” hoặc “chạy trốn”
Anh Vincent, 20 tuổi chia sẻ rằng, nhiều công ty đã bắt đầu yêu cầu thời gian làm việc dài hơn kể từ sau đại dịch, đồng thời cắt giảm lương của nhân viên hoặc tạm dừng tăng lương.
Do đó, nhiều bạn bè của anh đã chọn cách “nằm yên”. Đây là cụm từ được nhắc tới với tần suất cao thời gian gần đây trên mạng Internet Trung Quốc. Xu hướng này ám chỉ lối sống chỉ nằm một chỗ. Thay vì làm việc và lao động nâng cao năng suất xã hội; thay vì cố gắng hướng tới học hành chăm chỉ, mua nhà hoặc lập gia đình; lối sống này cổ súy cho việc từ bỏ hết các mục tiêu và đơn giản là nằm yên một chỗ.
Vincent nói thêm: “Những người khác đang chuẩn bị ‘chạy trốn’ khỏi Trung Quốc”.
Trong nỗ lực giảm tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra kế hoạch 15 điểm bao gồm đào tạo thực tập sinh, hứa hẹn tạo nhiều việc làm hơn tại các doanh nghiệp nhà nước và hỗ trợ những người trẻ tuổi muốn trở thành doanh nhân.
Bắc Kinh cũng đang thúc đẩy các công ty nhà nước tuyển dụng nhiều sinh viên mới ra trường hơn bằng việc trợ cấp cho các doanh nghiệp để tuyển dụng những người trẻ tuổi và cố gắng thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp để giải quyết tình trạng chênh lệch kỹ năng trong nền kinh tế.
Ông Shehzad Qazi cho rằng, những biện pháp này rất quan trọng, nhưng Bắc Kinh cũng cần tập trung vào việc hồi sinh khu vực tư nhân và doanh nghiệp nhỏ để những doanh nghiệp này có thể tiếp tục phát triển, mở rộng quy mô và thuê thêm nhân lực.
Ông nhấn mạnh: “Có những giải pháp có thể thảo luận, từ quy định đến thay đổi chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khu vực tư nhân”.
Còn theo ông Wrigley, sự phục hồi kinh tế bền vững là “liều thuốc” tốt nhất cho tâm lý của khu vực tư nhân.
Nhà kinh tế này nêu quan điểm: “Chính phủ có thể làm nhiều hơn nữa trong việc thúc đẩy các cải cách dựa trên thị trường để tiếp thêm sức sống mới cho nền kinh tế. Điều này sẽ cho phép khu vực tư nhân tạo ra nhiều việc làm chất lượng cao hơn trong dài hạn, từ đó có thể giải bài toán thất nghiệp cho thanh niên”.