Sáng nay (10/6), Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức lễ phát động Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 – 2030”. Sự kiện được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới 63 điểm cầu tỉnh/thành phố trong cả nước.
Lễ phát động Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 – 2030” với mục đích tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.
Theo đó, việc triển khai các Đề án này đã mang lại nhiều kết quả quan trọng. Mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên được củng cố và phát triển nhanh chóng về số lượng, đa dạng về mô hình, hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân.
Đảm bảo mọi người dân đều bình đẳng học tập
Tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có bài phát biểu phát động Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 – 2030”.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là phong trào quan trọng nhằm nâng cao nhận thức và hành động về xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy việc học tập suốt đời cho mọi người dân. Thủ tướng khẳng định, học tập, làm việc, cống hiến và hưởng thụ là nhu cầu tất yếu, khách quan của mỗi cá nhân trong quá trình phát triển xã hội. Mọi công dân có trách nhiệm và quyền được học tập thường xuyên, học tập suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân số, công dân toàn cầu.
Thủ tướng cho biết, nền giáo dục nước ta đã có những chuyển biến quan trọng, mạng lưới giáo dục được mở rộng trên khắp mọi miền đất nước, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc ít người, nhiều điểm “lõm” về giáo dục đã được khắc phục, có nhiều loại hình đào tạo phong phú, đa dạng, phù hợp, mang lại cơ hội học tập cho người dân ở mọi lứa tuổi.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu mà các cấp, các ngành, các địa phương đã đạt được trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đặc biệt là vai trò quan trọng của ngành giáo dục và Hội Khuyến học Việt Nam.
Để tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm mọi người dân đều bình đẳng trong học tập, Thủ tướng đề nghị, tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục, đào tạo, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về xây dựng xã hội học tập theo hướng đa dạng hóa, gắn học với hành, tài với đức, phù hợp với các đối tượng, từng địa phương thông qua các mô hình mới, các làm hay. Đẩy mạnh hoạt động của các cơ sở giáo dục, các thiết chế văn hóa cơ sở.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Nhân dịp này, tôi đề nghị và kêu gọi Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, các đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tích cực tham gia, cùng chung tay, đóng góp, hưởng ứng hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Tôi chính thức tuyên bố phát động phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 – 2030”.
Tăng cường các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân học tập
Báo cáo đề dẫn tại buổi lễ, TS Ngô Thị Minh – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT bày tỏ, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập luôn là chủ trương được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, đến nay giáo dục nước ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể như hình thành hệ thống giáo dục quốc dân thống nhất từ giáo dục mầm non đến đào tạo sau đại học.
Tuy nhiên đại diện Bộ GD&ĐT cũng mong muốn đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phát động và chỉ đạo mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xã hội, các doanh nghiệp, hộ gia đình và mỗi công dân tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và hiệu quả của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong điều kiện nền kinh tế số, xã hội số.
“Bên cạnh đó cần phát huy sáng kiến, giải pháp khuyến khích và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội học tập, thi đua xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ và đẩy mạnh hoạt động của các thiết chế giáo dục, thiết chế văn hóa thông tin ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi công dân có cơ hội học tập suốt đời”, bà Minh cho biết.
Đại diện Hội Khuyến học Việt Nam, GS.TS Nguyễn Thị Doan – Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cũng đưa ra nhiệm vụ của hội trong thời gian tới.
“Hội Khuyến học xây dựng kế hoạch và phát động phong trào thi đua này trong toàn hệ thống Hội với những nội dung, tiêu chí và giải pháp cụ thể nhằm triển khai các nội dung có liên quan. Định kỳ có sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm kịp thời.
Đặc biệt tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ hơn về phong trào thi đua trong lĩnh vực khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, nhằm góp phần làm chuyển biến nhận thức trong cộng đồng, từ đó thực hiện tốt các chỉ tiêu thi đua đã đề ra”, bà Doan phát biểu.
Hội Khuyến học Việt Nam cũng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị đã ký kết, đặc biệt với Bộ GD&ĐT, để tạo sức mạnh tổng hợp nhằm thực hiện tốt các mô hình học tập: gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập, huyện học tập, tỉnh học tập và công dân học tập đã được Chính phủ giao. Thực hiện tốt các mô hình học tập nêu trên chúng ta sẽ có xã hội học tập như mong muốn.