Là một phụ nữ nông thôn đến từ huyện Wedza, cách thủ đô Harare của Zimbabwe khoảng 140km, bà Adefi Mtambo, 53 tuổi, chưa bao giờ tưởng tượng mình sẽ ngồi vào ghế lái xe điện.
“Trước đây, tôi chỉ có thể vận hành một chiếc xe bò kéo. Tôi chưa bao giờ tưởng tượng mình lái một chiếc xe điện”, bà Mtambo chia sẻ với Tân Hoa xã sau khi giao hàng tại một cửa hàng bằng chiếc xe điện ba bánh.
Bà Mtambo nằm trong nhóm phụ nữ nông thôn đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh của Zimbabwe thông qua việc sử dụng năng lượng tái tạo bền vững với sự hỗ trợ của Mobility for Africa (MFA). Doanh nghiệp này đang tìm cách mang đến các phương tiện giao thông chạy bằng năng lượng mặt trời có giá cả phải chăng cho các cộng đồng nông thôn.
Bà Adefi Mtambo (bên trái) lái xe điện ba bánh ở Wedza, Zimbabwe. Ảnh: Tân Hoa xã |
Tại Wedza, MFA cho phụ nữ thuê xe điện ba bánh phù hợp với địa hình nông thôn. Những chiếc xe ba bánh sử dụng linh kiện, phụ tùng nhập khẩu từ Trung Quốc. Sau đó, chúng được lắp ráp và sửa đổi cho phù hợp với điều kiện địa phương tại một nhà máy ở Harare. Được trang bị pin lithium-ion có thể thay thế, xe ba bánh có thể chạy được khoảng 100km trong một lần sạc và chở hàng hóa có khối lượng lên tới 400kg.
Ở vùng nông thôn Zimbabwe, năng suất lao động của phụ nữ bị hạn chế do thiếu phương tiện đi lại. Họ thường phải đi bộ quãng đường dài để lấy nước hoặc kiếm củi. Giờ đây, nhờ có xe điện ba bánh, cuộc sống của những người phụ nữ ở quốc gia châu Phi này đã được cải thiện đáng kể. Cô Philis Chifamba, 38 tuổi cho biết: “Giả sử tôi bán được 4 cái bắp cải mà tôi có thể mang theo, nghĩa là tôi có thể kiếm được 4USD. Nhưng một chiếc xe ba bánh có thể chở được 50 cái bắp cải, có nghĩa là tôi có thể kiếm được 50USD”.
Bà Marilyn Maponga, điều phối viên nghiên cứu và tham gia cộng đồng của MFA cho biết, sáng kiến này nhằm tạo ra các cơ hội kinh tế cho cộng đồng nông thôn. Bà Maponga nhấn mạnh: “Chúng tôi nhận ra rằng phụ nữ nông thôn phải gánh hầu hết mọi công việc. Họ vừa phải làm việc nhà, vừa phải làm công việc trong vườn và trang trại cũng như đi chợ và lấy nước. Việc cung cấp cho họ phương tiện đi lại sẽ giúp họ tiết kiệm thời gian hơn và làm việc hiệu quả hơn”.
TÚ ANH