Tuổi thơ tôi và của tất cả những ai sinh ra, lớn lên từ làng quê nói chung và ở Hàm Thuận Nam nói riêng hẳn đều mang trong mình biết bao kỷ niệm với ruộng đồng, nương rẫy, sông suối, có cả rừng núi và biển. Hàm Thuận Nam còn có những danh lam thắng cảnh tiềm năng của huyện và của tỉnh.
Sau này lớn lên, được học tập và làm việc tại TP. Đà Lạt mộng mơ; đi nhiều nơi, đến nhiều điểm du lịch, tôi càng thích thú và mê mẫn những địa danh của quê nhà như Bưng Thị, Bưng Bà Tùng, Bưng Trường, núi Ba Hòn, Tà Cú, suối Nhum, hang Mú… Với tôi mỗi địa danh như một câu chuyện kể sống động làm trí tưởng tượng của con người hiện lên vô số hình ảnh và chiến tích đầy cảm xúc thú vị.
Tuổi thơ tôi gắn với mùa hè nhiều kỷ niệm; trên các đồi cát vào những buổi trưa hè, lũ trẻ chúng tôi lưng đeo một chiếc bị vải cột gút đựng những viên bi tròn làm bằng đất sét, tay cầm ná dây thun chia nhau tản ra khắp các ngọn đồi. Khoảng hơn 9 giờ sáng, trời mùa hè nắng lên như đổ lửa, những chú dông nhỏ có, lớn có rời hang kiếm ăn, liền bị những gót chân trần nhỏ bé của lũ trẻ chúng tôi giậm bít miệng hang không còn đường trốn thoát; chúng bị bao vây trốn vào các bụi cây sò đo, bụi cò ke, bụi nhãn… lưa thưa trên đồi cát, rồi trúng đạn. Mỗi buổi trưa hè như thế, đứa trẻ nào có khiếu bắn ná dây thun cũng được 3 – 5 con dông; vài con chim cút, chim chóc quạch hoặc bìm bịp… Niềm vui tuổi thơ thời nghèo khổ của những năm 80 ở thế kỷ trước, đã góp phần cải thiện bữa ăn cho gia đình; những thứ bắn được, bắt được đem về mẹ chế biến nhiều món ăn cơm rất ngon. Ví dụ như “canh dông nấu với dưa hồng”, buổi trưa mùa hè thì hết cơm; hoặc dông, chim cút xát muối ớt nướng trên bếp lửa than hồng thơm lừng, nghe tới đã thấy thèm.
Giờ đây, quê tôi không còn nhiều những đồi cát hoang vắng như xưa; nhà cửa mọc lên, khu du lịch xuất hiện, đi theo đó là điện, đường, nước sinh hoạt đã đến tận những nơi mà trước đây là gió bụi, cát bay. Quê hương thay da đổi thịt phát triển đi lên cùng đất nước. Đời sống của nông dân không còn cực khổ như trước đây. Nhưng từ trong sâu thẳm ký ức tuổi thơ tôi vẫn là những cánh đồng, bãi cát chạy dọc triền bưng xanh ngút ngàn ruộng lúa, nương khoai. Sống xa quê, có những chuyến về thăm mẹ vào hè, tôi đã để lại sau lưng những phiền muộn, mệt mỏi của cuộc sống xô bồ nơi phố thị mong tìm lại mình của ngày xưa. Tôi luôn ước ao và khao khát thế hệ trẻ hôm nay sẽ được toàn xã hội chung tay giảm thiểu tổn hại; với mong muốn tất cả các cấp, các ngành, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội hãy dành sự quan tâm và ưu tiên cho trẻ em. Đồng thời, tạo môi trường an toàn, thân thiện, lành mạnh để mọi trẻ em có cơ hội phát triển bình đẳng, hướng tới một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em, đặc biệt là công tác phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em trong dịp hè. Trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đạt được những kết quả nhất định; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo, vùng sâu vùng xa… luôn được các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị – xã hội quan tâm. Tuy nhiên, việc thực hiện đảm bảo các quyền cho trẻ em vẫn đang đứng trước những khó khăn mới. Mùa hè, trẻ ít được vui chơi, chỉ mới đầu tháng 6 mà các bậc phụ huynh đã phải đưa các em đến những lớp học hè ở các trung tâm giáo dục ngoài công lập. Các em có nhiều điều kiện hơn chúng tôi thời thơ ấu về vật chất, nhưng không được tung tăng ở khung trời mộng mơ ruộng đồng, nương rẫy. Thương các em bao nhiêu, tôi càng nhớ nhiều về tuổi thơ của mình trong không gian trưa hè với đôi chân trần chạy bon bon trên đồi cát nóng, rồi trầm mình dưới dòng nước mát, trong xanh của hồ sen làng quê đầy kỷ niệm. Tuổi thơ ơi! tôi nhớ vô cùng.