Những năm gần đây, huyện Than Uyên đã đẩy mạnh phong trào hiến máu nhân đạo trong cộng đồng. Nghĩa cử cao đẹp ấy đã mang lại sự sống cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đang cần máu và các sản phẩm từ máu. Hiến máu, sẻ chia sự sống với người bệnh đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Than Uyên.
Để hiến máu nhân đạo trở thành phong trào, thời gian qua, Hội Chữ thập đỏ huyện đẩy mạnh tuyên truyền tới các chi hội, hội viên trong toàn huyện. Cùng với đó, các cấp đoàn cũng thường xuyên tuyên truyền để đoàn viên, thanh niên phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng. Từ đó, xây dựng lối sống đẹp, có trách nhiệm với bản thân, cộng đồng, sẵn sàng hiến máu, cứu người. Hưởng ứng phong trào hiến máu nhân đạo, cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, ban, ngành đoàn thể; cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang và bà con dân bản các địa phương trong toàn huyện đã tham gia ngân hàng máu sống, sẵn sàng hiến máu khi được yêu cầu.
Anh Đỗ Văn Tuấn – Bí thư Huyện đoàn Than Uyên cho biết, thời gian qua, các cấp đoàn đã chủ động phối hợp tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện vì cuộc sống cộng đồng. Trong các buổi sinh hoạt lồng ghép tuyên truyền, truyền tải các thông điệp về hiến máu nhân đạo đối với lực lượng đoàn viên, thanh niên. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của tuổi trẻ Than Uyên với phong trào hiến máu. Hằng năm, có hàng trăm lượt thanh niên tham gia hiến máu, đăng ký hiến mô, tạng. Tuổi trẻ Than Uyên đã trở thành lực lượng nòng cốt trong hiến máu nhân đạo: Lễ hội xuân hồng, những giọt máu hồng mùa hè, ngày toàn dân hiến máu tình nguyện, ngày thế giới tôn vinh người hiến máu.
Theo ông Nguyễn Xuân Thịnh – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Than Uyên: Hội Chữ thập đỏ huyện đã phát huy vai trò nòng cốt của các chi hội, hội viên trong phong trào hiến máu nhân đạo. Tới thời điểm hiện tại, toàn huyện có hơn 140 chi hội ở các cơ quan, trường học, thôn bản tham gia ngân hàng máu sống, hiến máu nhân đạo. Năm 2022, thông qua các đợt hiến máu nhân đạo đã có hơn 1 nghìn tình nguyện viên hưởng ứng, qua xét nghiệm, sàng lọc, đã tiếp nhận được hơn 700 đơn vị máu. Phát huy những kết quả đã đạt được, vừa qua, Than Uyên đã tổ chức hiến máu tình nguyện và đã tiếp nhận được hơn 300 đơn vị máu.
Cán bộ, công chức, viên chức và đoàn viên, thanh niên huyện Than Uyên tham gia hiến máu tình nguyện.
Trong ngày hội hiến máu huyện Than Uyên hôm đó, chúng tôi có dịp gặp nhiều tình nguyện viên đã từng tham gia hiến máu hàng chục lần. Anh Lìm Văn Dũng (bản Cang Mường, xã Mường Cang) cho biết, hiến máu không hề ảnh hưởng tới sức khỏe, ngược lại còn giúp cơ thể thêm khỏe mạnh, khi lượng hồng cầu được tái tạo. Không chỉ bản thân luôn tích cực, anh Dũng còn vận động gia đình, bạn bè tham gia hiến máu nhân đạo. Để được hiến máu, bản thân anh Dũng đã rèn luyện lối sống lành mạnh, sức khỏe đảm bảo sẵn sàng hiến máu với mong muốn sẻ chia với bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Bên cạnh thuận lợi và những kết quả đáng ghi nhận, phong trào hiến máu nhân đạo trên địa bàn huyện Than Uyên còn gặp khó khăn do nhận thức về hiến máu nhân đạo ở một số địa phương hạn chế. Vẫn còn tình trạng thiếu quyết liệt trong công tác lãnh chỉ đạo, xây dựng phong trào hiến máu nhân đạo. Một số địa phương chưa tự chủ được nguồn kinh phí tổ chức hiến máu.
Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại, lượng máu thu được qua các chương trình hiến máu nhân đạo giúp giảm sức ép về máu, chế phẩm từ máu để phục vụ công tác điều trị. Để phong trào hiến máu tiếp tục lan truyền trong cộng đồng, cùng với việc duy trì tốt, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền còn phải kịp thời tôn vinh, thực hiện đảm bảo chế độ, quyền lợi đối với người tham gia hiến máu.