Những năm qua, kết quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung; hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) được khẳng định và minh chứng bằng những con số sinh động, thuyết phục.
Những “bộ não” quân sư cho Đảng
Khi bàn về thành quả công cuộc PCTNTC ở Việt Nam, nhiều chuyên gia xã hội học bày tỏ sự ghi nhận, đánh giá rất cao vai trò và đóng góp to lớn của một số cơ quan chiến lược: Ban chỉ đạo Trung ương về PCTNTC (viết tắt là Ban chỉ đạo), Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương, Ban Nội chính Trung ương… Đó thực sự là những “bộ não” quân sư cho Đảng, được Đảng ta không ngừng rèn giũa, trở thành công cụ sắc bén, là lực lượng tiên phong, chủ công trên mặt trận đấu tranh đầy cam go, khắc nghiệt.
Từ sau khi thành lập Ban chỉ đạo đến nay (ngày 1-2-2013), nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, công tác đấu tranh PCTNTC được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả toàn diện, rõ rệt; tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội và thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế”. Ban chỉ đạo thực sự là bộ não “tổng chỉ huy”, là “nhạc trưởng” và trở thành cơ quan nòng cốt trong công tác PCTNTC ở Việt Nam. Sự chỉ đạo sát sao, hiệu quả của Ban chỉ đạo tạo động lực để cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Từ chủ trương đến quyết tâm hành động trong công tác PCTNTC, Ban chỉ đạo để lại những dấu ấn đặc biệt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa niềm tin mạnh mẽ trong toàn xã hội.
Quang cảnh Đại hội XIII của Đảng. Ảnh:Chinhphu.vn |
Đứng trước những yêu cầu mới, cao hơn, toàn diện hơn, trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, thực hiện quyết định của Bộ Chính trị, Ban chỉ đạo không chỉ tập trung vào công tác PCTN mà còn chú trọng đẩy mạnh chỉ đạo phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị. Với chức năng, nhiệm vụ mới, Ban chỉ đạo trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; các vụ án, vụ việc tiêu cực khác ngoài tham nhũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ…
Cùng với đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng tập trung lãnh đạo phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ của Ban Nội chính Trung ương và Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy. Theo đó, trong suốt 2,5 năm qua, đảm đương vai trò Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo, tập thể Ban Nội chính Trung ương đã quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Cán bộ nội chính phải hết sức tâm huyết, trách nhiệm, say mê, đặc biệt phải có bản lĩnh, dũng khí, biết bảo vệ cái đúng và phê phán bác bỏ cái sai, kiên quyết đấu tranh với cái sai, không khoan nhượng. Cán bộ nội chính phải giữ cho mình trong sạch, liêm chính, làm việc có nguyên tắc…”. Ban Nội chính Trung ương đã khắc phục khó khăn, chủ động, sâu sát và có nhiều đổi mới trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là tham mưu, đề xuất Ban chỉ đạo các chủ trương, giải pháp, cơ chế, chính sách, những vấn đề lớn, trọng tâm, lâu dài giúp nâng cao hiệu quả công tác PCTNTC. Tích cực theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận của Ban chỉ đạo… Kết quả công tác tham mưu, đề xuất của Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo và Thường trực Ban chỉ đạo nói riêng; kết quả PCTNTC nói chung.
Đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí là cuộc đấu tranh trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị và ngay trong mỗi con người, nhất là cán bộ có chức, có quyền. Do đó, kiểm tra, giám sát tốt về cán bộ và công tác cán bộ sẽ góp phần giải quyết tận “gốc” việc tham nhũng, tiêu cực. Trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, UBKT Trung ương đã vào cuộc rất tích cực, quyết liệt; công tác kiểm tra, giám sát của Đảng ở Trung ương diễn ra sôi động, có nhiều việc làm và làm được nhiều việc mang lại kết quả rõ rệt, được dư luận đồng tình, đánh giá cao. Điểm mới trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng thời gian qua là UBKT Trung ương và UBKT các cấp chủ động tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm, kết hợp kiểm tra thường xuyên với kiểm tra vi phạm; làm vụ nào ra vụ ấy, làm bài bản, khoa học, làm đến nơi, đến chốn; làm kỷ luật Đảng trước không chờ kết luận của các cơ quan nhà nước…
Quán triệt nghiêm tinh thần chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, UBKT Trung ương đã mở rộng phạm vi, đối tượng kiểm tra đến cấp ủy cấp huyện và cơ sở; xử lý nghiêm các tổ chức đảng, đảng viên cả cán bộ đương chức và nghỉ hưu, cả cán bộ cấp cao khi có dấu hiệu vi phạm, kỷ luật từ trên xuống dưới, kỷ luật Đảng đi trước, tạo tiền đề, mở đường cho thanh tra, điều tra, xử lý nghiêm sai phạm. Đặc biệt, UBKT Trung ương đã lựa chọn những vụ việc bức xúc, nổi cộm để kiểm tra “cách cấp”, tạo sự bứt phá, thúc đẩy, lan tỏa cho cấp dưới thực hiện; tập trung kiểm tra làm rõ, kết luận nhiều vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, quyết định kỷ luật và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật nhiều tổ chức đảng và đảng viên là cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang vi phạm; tạo bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước.
Khơi dậy cao trào cách mạng rộng khắp
Từ quyết tâm chính trị rất cao của Ban Chấp hành Trung ương đã tạo sự lan tỏa trong toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội, có sức mạnh hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân cùng chung sức, đồng lòng quyết tâm chống lại quốc nạn tham nhũng, quyết liệt chỉnh đốn Đảng. Trong toàn Đảng và hệ thống chính trị, công tác PCTNTC được tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên quyết, kiên trì, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước. Phát huy tinh thần ấy, Chính phủ đã quyết tâm đẩy mạnh tiến độ xây dựng “Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ”.
Thực hiện khẩu hiệu hành động trên, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tích cực cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, xem đây là những giải pháp căn cốt, hữu hiệu nhất để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường kiểm soát tài sản, thu nhập, chuyển đổi vị trí công tác, xử lý trách nhiệm người đứng đầu; cải cách chính sách tiền lương, thu nhập, nâng cao đời sống cán bộ, công chức, viên chức… góp phần tích cực trong công tác đấu tranh PCTNTC. Nhiều bộ, ngành, địa phương, công tác kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xử lý tham nhũng được quan tâm hơn, từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, đã chú ý ngăn chặn, xử lý tệ “tham nhũng vặt” và các biểu hiện tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Phát huy vai trò là cơ quan đại diện cho quyền lực nhân dân, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tăng cường giám sát công tác PCTNTC, không chỉ giám sát thường xuyên trong các kỳ họp, mà tần suất giám sát chuyên đề về PCTNTC cũng được nâng lên. HĐND các cấp quan tâm giám sát nhiều hơn đối với công tác PCTNTC ở địa phương. Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên tăng cường giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, gây nhiều bức xúc trong nhân dân; giám sát việc tu dưỡng rèn luyện phẩm chất, đạo đức của cán bộ, đảng viên; tích cực tham gia phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nhân dân.
Đi đôi với tập trung chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế-xã hội và PCTNTC được đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để bảo đảm “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan tham mưu, giúp việc của Trung ương ban hành nhiều chủ trương, giải pháp, quy định mới, mạnh mẽ, quyết liệt về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hoàn thiện thể chế về kinh tế-xã hội và PCTNTC. Nhiều quy định, nghị quyết được quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đi vào cuộc sống, khắc phục một bước những sơ hở, bất cập làm phát sinh tiêu cực, tham nhũng…
Chung tay đương đầu chống “giặc nội xâm”, toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, từ Trung ương về cơ sở đã kiên quyết, kiên trì, đấu tranh PCTN với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Trong đó, ngành thanh tra, kiểm toán có nhiều cố gắng, công tâm, khách quan, làm rõ các sai phạm. Công tác thu hồi tài sản tham nhũng cũng có nhiều chuyển biến tích cực, đạt kết quả khá cao. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tiến hành kiên quyết, không khoan nhượng, không nương nhẹ, không làm oan, không bỏ lọt tội phạm, rất nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn, có lý, có tình; có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa mạnh mẽ, được dư luận, nhân dân rất đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, tạo bước đột phá trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng.
Những “hồi trống lệnh” chống tham nhũng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng đáp ứng được mong mỏi của đảng viên và nhân dân cả nước. Điều đáng mừng là tinh thần quyết tâm, kiên trì, kiên quyết tuyên chiến với “giặc nội xâm” từ trong Đảng và hệ thống chính trị đã lan tỏa ra toàn xã hội, được nhân dân đồng lòng ủng hộ. Sự giám sát của các cơ quan dân cử, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, nhân dân và báo chí, truyền thông trong PCTNTC được phát huy tốt hơn. Khắp nơi nơi, bầu không khí chính trị trong đồng bào và cử tri cả nước đều rất phấn khởi, vui mừng trước thành quả từ công cuộc PCTNTC do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
NGUYỄN TẤN TUÂN